Xây dựng mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của cảng container tại Việt Nam dựa trên giá trị khách hàng cảm nhận

THS. NGUYỄN ĐỨC XUÂN LÂM (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Bài viết tập hợp các nghiên cứu đã có về giá trị khách hàng cảm nhận và các nghiên cứu về năng lực cạnh tranh của cảng container dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Kết quả nghiên cứu tổng hợp cho thấy, phương hướng nghiên cứu về năng lực cạnh tranh của cảng container dựa trên góc nhìn giá trị khách hàng cảm nhận là một phương hướng mới và có thể khai thác trong tương lai. Bài viết cũng đã đề xuất mô hình nghiên cứu theo phương hướng này với các yếu tố được tập hợp từ các nghiên cứu trước, cũng như phù hợp với đặc tính của giá trị khách hàng cảm nhận.

Từ khóa: yếu tố ảnh hưởng, năng lực cạnh tranh, cảng container tại Việt Nam, giá trị khách hàng cảm nhận.

1. Đặt vấn đề

Năng lực cạnh tranh của các cảng biển là vấn đề không chỉ được các nhà nghiên cứu kinh tế mà cả các doanh nghiệp, chính phủ quan tâm do vai trò quan trọng ngày càng tăng của các cảng biển, đặc biệt là các cảng container trong hoạt động thương mại quốc tế ngày nay. Tại Việt Nam, khối lượng hàng hóa được vận chuyển tại các bến cảng container đạt 293 triệu tấn vào năm 2018, năm 2020 đạt gần 370 triệu tấn, mặc dù đây là giai đoạn Việt Nam phải đối mặt với đại dịch Covid-19 lan rộng. Năm 2021, các cảng container Việt Nam ghi nhận khối lượng hàng hóa thông qua là 540 triệu tấn, chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ của ngành Dịch vụ vận tải biển bằng hình thức container trong sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống cảng container tại Việt Nam để nâng cao lợi thế cạnh tranh tại những cảng này là một yêu cầu cấp thiết.

Đã có nhiều nghiên cứu về năng lực cạnh tranh của cảng container tại Việt Nam cũng như trên thế giới, đồng thời đưa ra những mô hình gồm các yếu tố thiết yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của cảng dưới các góc độ khác nhau. Bài viết đề xuất mô hình nghiên cứu về năng lực cạnh tranh của cảng container dưới một góc độ mới hơn, đó là dựa trên giá trị khách hàng cảm nhận.

2. Một số lý luận cơ bản 2.1. Các nghiên cứu về giá trị khách hàng cảm nhận

Giá trị khách hàng cảm nhận là một yếu tố chiến lược mà doanh nghiệp phải chú ý tới trong quá trình hoạt động kinh doanh và marketing (Parasuraman, 1997; Woodruff, 1997; Parasuraman & Grewal, 2000). Giá trị khách hàng cảm nhận được định nghĩa là “đánh giá tổng thể của người tiêu dùng về tiện ích của một sản phẩm, dựa trên nhận thức về những gì được nhận và những gì phải cho” (Zeithaml, 1988). Giá trị khách hàng cảm nhận đã được nghiên cứu theo nhiều phương diện, dưới đây là một số nghiên cứu về giá trị khách hàng cảm nhận:

Giá trị khách hàng cảm nhận dưới góc nhìn đơn chiều: Định nghĩa của Zeithaml (1988) ủng hộ quan điểm này. Dưới góc nhìn này, giá trị cảm nhận được khách hàng đánh giá theo 2 yếu tố là những gì họ nhận được và những gì họ phải cho đi. Những gì nhận được, hay còn gọi là yếu tố lợi ích bao gồm chất lượng cảm nhận của dịch vụ và chuỗi những lợi ích tâm lý, trong đó chất lượng dịch vụ là yếu tố cơ bản trong nhận thức về giá trị cảm nhận, vì đó là yếu tố khó bị sao chép bởi các đối thủ cạnh tranh (Parasuraman & Grewal, 2000) và là cơ sở để tạo nên và duy trì lợi thế cạnh tranh. Những gì phải cho đi, hay còn gọi là yếu tố hy sinh được đo lường bởi giá cả thông qua tiền tệ và phi tiền tệ như thời gian, sức lực,… Quan điểm này cho thấy, với doanh nghiệp, để khách hàng chọn mua sản phẩm, dịch vụ hoặc tiếp tục mua sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp cần cố gắng gia tăng giá trị cho khách hàng bằng cách tăng các yếu tố lợi ích và giảm bớt các yếu tố hy sinh mà khách hàng sẽ cảm nhận được khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ (Sanchez và đồng nghiệp, 2006).

Giá trị khách hàng cảm nhận là một khải niệm đa chiều: Quan điểm này kết hợp các phương diện chức năng và phương diện cảm xúc. Phương diện chức năng là các đánh giá hợp lý và có lợi của các cá nhân và có thể được xác định thông qua giá trị tiền tệ hoặc chất lượng sản phẩm. Phương diện cảm xúc được chia thành phương diện tình cảm - liên quan đến cảm nghĩ, tình cảm bên trong con người - và phương diện xã hội - liên quan đến tác động từ xã hội tới quyết định mua hay sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Nghiên cứu của Sweeney & Soutar (2001) về “Consumer perceived value: The development of a multiple item scale” đã xây dựng thang đo đa chiều PERVAL nhằm đo lường giá trị khách hàng cảm nhận theo cả 2 phương diện trên. Theo đó, bốn khía cạnh được đo lường trong mô hình này là giá trị cảm xúc, giá trị xã hội, giá trị chức năng theo chất lượng và giá trị chức năng theo giá cả. Quan điểm này được Petrick (2002) tiếp tục phát triển khi nghiên cứu trong lĩnh vực dịch vụ. Petrick (2002) đã đưa ra mô hình SERV-PERVAL đo lường giá trị khách hàng cảm nhận trên 5 khía cạnh chất lượng, phản hồi về cảm xúc, danh tiếng.

Dựa trên 2 quan điểm trên, có thể thấy giá trị cảm nhận của khách hàng là sự so sánh của khách hàng giữa lợi ích họ nhận được và chi phí mà họ phải bỏ ra.

Với chi phí, Yang và Peterson (2004) đã chia thành các khoản chi phí như sau: (1) Chi phí trả bằng tiền: Giá tiền khách hàng phải trả để sở hữu sản phẩm; (2) Chi phí về công sức: Sự nỗ lực của khách hàng để có được sản phẩm; (3) Chi phí về thời gian: Thời gian khách hàng phải bỏ ra để có được sản phẩm hoặc để nhận được/sử dụng sản phẩm hay dịch vụ; (4) Chi phí về tinh thần: Sự căng thẳng về tinh thần mà khách hàng phải chịu;

Về giá trị mà khách hàng nhận được, Sheth và cộng sự (1991) đã chia thành các loại giá trị như sau: (1) Giá trị về chức năng: Những đặc điểm, chức năng mà sản phẩm đem lại cho khách hàng; (2) Giá trị về điều kiện: Đề cập tới tính thời vụ của sản phẩm, hoặc khi có tình huống đặc biệt; (3) Giá trị xã hội: Là sự tán thành và đánh giá cao của xã hội đối với người sử dụng một sản phẩm; (4) Giá trị cảm xúc: Là những cảm xúc hoặc trạng thái tâm lý khách hàng nhận được khi sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ; (5) Giá trị tri thức: Là các lợi ích mà khách hàng cảm nhận được khi được cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ mới và làm hài lòng mong muốn tìm hiểu của khách hàng.

2.2. Các nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của cảng container

Các nghiên cứu về năng lực cạnh tranh của cảng biển đã có mặt từ rất lâu trong những bài nghiên cứu vì hoạt động thương mại thông qua hàng hải đã diễn ra từ rất lâu và đóng vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Một số nghiên cứu dưới đây tập trung vào nghiên cứu các yếu tố cạnh tranh của các cảng container tại nhiều quốc gia và khu vực khác nhau, nhìn nhận từ các khía cạnh khác nhau của các nhà khai thác và vận hành cảng, chủ hàng hóa, đơn vị vận chuyển, hãng tàu, đại lý, nhà cung cấp dịch vụ hậu cần và các nhà đầu tư. Dưới đây là tổng hợp một số nghiên cứu và các yếu tố liên quan đến năng lực cạnh tranh của cảng container đã được đề cập đến.

Murphy và cộng sự (1992) - Port Selection Criteria: An Application of a Transportation. Nghiên cứu này đã đề cập 9 nội dung cơ bản sau: (1) Có phương tiện bốc xếp cho hàng hóa cỡ lớn và/hoặc hàng lẻ; (2) Cho phép vận chuyển khối lượng lớn; (3) Chi phí xếp dỡ thấp; (4) Tần suất xảy ra mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa thấp; (5) Sự sẵn có của các thiết bị; (6) Cung cấp thời gian nhận và giao hàng thuận tiện; (7) Cung cấp thông tin liên quan đến lô hàng; (8) Cung cấp hỗ trợ trong việc xử lý khiếu nại; (9) Mang lại sự linh hoạt trong việc đáp ứng các yêu cầu xử lý đặc biệt.

Trong nghiên cứu của Haezendonck và cộng sự (2000) - The competitive advantage of seaports đã đề cập đến các nội dung: Thứ nhất, nhóm các hoạt động chức năng được thực hiện trong cảng (các hoạt động liên quan đến bên ngoài cảng về hướng biển, bên trong cảng và trong nội địa tiếp giáp với cảng) và thứ hai, nhóm các nguồn lực cần thiết để thực hiện các hoạt động liên quan tới cảng (các yếu tố, nhu cầu, chiến lược của công ty, cấu trúc, cạnh tranh, chính phủ và các ngành hỗ trợ liên quan).

Năm 2003, tác giả Ha với nghiên cứu - A comparison of service quality at major container ports: implications for Korean ports. Nghiên cứu đã đề cập các nội dung: (1) Các thông tin sẵn có về các hoạt động của cảng; (2) Vị trí cảng; (3) Thời gian quay vòng của tàu trong cảng; (4) Các cơ sở vật chất sẵn có; (5) Hoạt động quản lý cảng; (6) Chi phí; (7) Sự thuận tiện của khách hàng.

Năm 2004, Lirn và cộng sự đã xuất bản - An application of AHP on transhipment port selection: a global perspective, nghiên cứu này đã luận giải 5 nội dung có liên quan đến năng lực cạnh tranh của cảng: (1) Cơ sở hạ tầng vật chất của cảng; (2) Vị trí địa lý của cảng; (3) Hoạt động quản lý cảng; (4) Dịch vụ tàu tại cảng; (5) Chi phí cho mỗi chuyến của các hãng vận tải.

Tongzon & Heng (2005) với nghiên cứu Port privatization, efficiency and competitiveness: Some empirical evidence from container ports đã chỉ ra các yếu tố cơ bản có ảnh hưởng như sau: (1) Mức độ hiệu quả hoạt động của cảng; (2) Chi phí xếp dỡ hàng hóa tại cảng; (3) Độ tin cậy; (4) Độ sâu của luồng hàng hải; (5) Khả năng thích ứng với sự thay đổi của môi trường trong thị trường; (6) Khả năng tiếp cận đất liền; (7) Sự khác biệt hóa sản phẩm.

Guy & Urli (2006) - Port selection and multicriteria analysis: an application to the Montreal-New York alternative, đã đề cập đến các nội dung: (1) Cơ sở hạ tầng cảng; (2) Chi phí vận chuyển tại cảng; (3) Hoạt động quản lý cảng; (4) Vị trí địa lý của cảng.

Tongzon & Sawant (2007) - Port choice in a competitive environment: from the shipping lines' perspective, đã đề cập đến các nội dung: Kích thước của hàng hóa; Mức độ kết nối của cảng; Mức độ hiệu quả của các hoạt động; Cơ sở vật chất của cảng; Vị trí thuận lợi của cảng; Chi phí dịch vụ cảng và phạm vi dịch vụ cảng.

Năm 2008, nghiên cứu Evaluating the competitiveness of container ports in Korea and China của tác giả Yeo và cộng sự đã chỉ ra các yếu tố có ảnh hưởng bao gồm: Dịch vụ cảng; Sự sẵn có; Sự tiện lợi; Chi phí logistics; Mức độ trung tâm của khu vực đặt cảng; Khả năng kết nối của cảng.

Yuen và cộng sự (2012) - Port competitiveness from the users' perspective: An analysis of major container ports in China and its neighboring countries đã đề cập đến các nội dung: Vị trí cảng (vị trí địa lý, các yếu tố tự nhiên, kích thước vùng nội địa); Chi phí (tổng chi phí phát sinh tại cảng, sự đa dạng về các mức giá); Cơ sở vật chất của cảng (mức độ hiệu quả trong xử lý container, không gian kho hàng, độ tin cậy của cơ sở vật chất); Dịch vụ vận chuyển (số lượng cuộc gọi tại cảng, tần suất tàu được gọi, các hãng tàu khác nhau); Điều hành cảng (dịch vụ khách hàng, khả năng xử lý an toàn và tai nạn); Hệ thống thông tin cảng (sự có sẵn của thông tin điện tử, khả năng tiếp cận thông tin điện tử); Kết nối nội địa (chi phí và thời gian vận chuyển tới nội địa); Hải quan và quy định của chính phủ (các thủ tục hải quan và thủ tục hành chính).

Với nghiên cứu Multi-Criteria Evaluation of Port Competitiveness in West Africa Using Analytic Hierarchy Process (AHP) của Dyck & Ismael (2015), đã đề cập đến các yếu tố như: Hiệu quả và hiệu suất của cảng; Sự ổn định chính trị; Chi phí tại cảng; Cơ sở hạ tầng cảng; Vị trí của cảng; Khối lượng hàng hóa.

Năm 2016, Parola và cộng sự với nghiên cứu The drivers of port competitiveness: a critical review đã đề cập các nội dung: Chi phí cảng; Vị trí địa lý của cảng; Khả năng kết nối nội địa; Cơ sở hạ tầng của cảng; Hiệu quả hoạt động của cảng; Chất lượng dịch vụ cảng; Khả năng kết nối hàng hải; Khả năng tiếp cận hàng hải; Diện tích của cảng.

Hales và cộng sự (2017) - An empirical test of the balanced theory of port competitiveness đã xác lập các nội dung cơ bản bao gồm: Các yếu tố về năng lực cạnh tranh từ góc độ khách hàng (khối lượng hàng hóa có thể xử lý, cơ sở vật chất cảng, vị trí cảng, mức độ dịch vụ, chi phí cảng); Các yếu tố về năng lực cạnh tranh từ góc độ nhà đầu tư (các khuôn khổ pháp lý, cấu trúc của thể chế, nguồn lực tài chính, danh tiếng của cảng, giá cả).

Ngoài ra, còn một số nghiên cứu khác với các góc độ mới lạ hơn như nghiên cứu của Cullinane, Song và Gray (2002) đã sử dụng ma trận chức năng cho thấy, khả năng tổ chức ngành cảng biển của Chính phủ, trong đó, được đặt trong một biểu đồ để so sánh với mức độ hiệu quả vận hành cảng là mức độ tư nhân của cảng, được chia thành các nhóm có mức độ tư nhân và công cộng khác nhau như cơ quan điều hành, chủ đất nơi cảng được đặt và bên điều hành. Nhóm tác giả đã áp dụng mô hình này vào nghiên cứu các cảng tại khu vực châu Á, cụ thể là tại Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines và một số cảng tại Mỹ và đưa ra kết luận sau khi áp dụng số liệu là có thể có mối quan hệ ngược chiều giữa mức độ kiểm soát tập trung của Chính phủ tại một cảng nào đó và mức độ hiệu quả trong hoạt động của nó.

3. Đề xuất các yếu tố cơ bản của mô hình nghiên cứu

Theo tổng quan các tài liệu nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của cảng container như đã xác lập, rất nhiều yếu tố có mức độ tương đồng cao giữa các nhà nghiên cứu với nhau. Trên cơ sở mô hình các yếu tố được xây dựng dựa trên giá trị khách hàng cảm nhận, có thể xác lập và đưa ra mô hình nghiên cứu về năng lực cạnh tranh của cảng container dựa trên giá trị khách hàng cảm nhận bao gồm 7 yếu tố cơ bản như sau:

(1) Năng lực quy hoạch vị trí và kết nối chuỗi cung ứng: Yếu tố này bao hàm các yếu tố về vị trí địa lý của cảng, độ rộng của cảng, mức độ trung tâm của vị trí đặt cảng, khả năng kết nối nội địa, kết nối bên trong cảng và kết nối hàng hải của cảng từ các nghiên cứu trên.

(2) Năng lực kết cấu hạ tầng: Yếu tố này bao hàm các yếu tố về khả năng vận chuyển khối lượng lớn của cảng, sự sẵn có của cơ sở vật chất trong cảng.

(3) Năng lực công nghệ dịch vụ cảng: Yếu tố này bao hàm các yếu tố về khả năng cung cấp thông tin về cảng, thông tin về lô hàng hoặc thông tin về các hãng vận chuyển/trung chuyển, sự sẵn có của thông tin điện tử và khả năng tiếp cận thông tin điện tử trong cảng.

(4) Năng lực khác biệt hóa chào hàng thị trường dịch vụ cảng: Yếu tố này bao hàm các yếu tố về năng lực dịch vụ của cảng, dịch vụ tàu tại cảng, sự khác biệt hóa sản phẩm.

(5) Năng lực định giá và thực hành giá/phí dịch vụ cảng: Yếu tố này bao hàm các yếu tố về chi phi xếp dỡ, chi phí cảng, chi phí cho mỗi chuyến của các hãng vận tải, chi phí logistics và các chi phí phát sinh tại cảng khác.

(6) Năng lực dịch vụ khách hàng của cảng: Yếu tố này bao hàm các yếu tố về năng lực cung cấp hỗ trợ trong xử lý khiếu nại của cảng, sự linh hoạt trong việc đáp ứng các yêu cầu cần được xử lý đặc biệt từ khách hàng, sự thuận tiện của khách hàng khi sử dụng các dịch vụ tại cảng, phạm vi dịch vụ cảng, trình độ dịch vụ tại cảng.

(7) Năng lực kinh doanh động: Yếu tố này được xây dựng dựa trên lý thuyết về năng lực động của doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp tạo ra và duy trì lợi thế trong môi trường thay đổi nhanh chóng. Khi đó, nguồn lực của các doanh nghiệp kinh doanh cảng container phải liên tục được phát triển để thích ứng và tồn tại trong môi trường kinh doanh luôn biến động.

4. Kết luận

Nghiên cứu này trình bày các lý thuyết đã được nghiên cứu về giá trị khách hàng cảm nhận và tổng quan những nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của các cảng container trên thế giới. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra những yếu tố được xây dựng dựa trên những yếu tố chung đã được xuất hiện nhiều lần tại các nghiên cứu trước đây và phù hợp với lý thuyết về giá trị khách hàng cảm nhận, đó là 7 yếu tố về: năng lực quy hoạch vị trí và kết nối chuỗi cung ứng, năng lực kết cấu hạ tầng, năng lực công nghệ dịch vụ cảng, năng lực khác biệt hóa chào hàng thị trường dịch vụ cảng, năng lực định giá và thực hành giá/phí dịch vụ cảng, năng lực dịch vụ khách hàng, năng lực kinh doanh động. Mô hình này được dùng để nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của cảng container dựa trên góc độ mới theo giá trị khách hàng cảm nhận tại các cảng. Hạn chế của mô hình này đó là chưa được tiến hành điều tra, khảo sát để kiểm định về các yếu tố đã được đưa ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Cullinane, KPB, DW Song and R. Gray (2002). A stochastic frontier model of the efficiency of major container terminals in Asia: Assessing the influence of administrative and ownership structures, Transportation Research, Part A, 36(8), 743-762.
Dyck, G. K., & Ismael, H. M. (2015). Multi-criteria evaluation of port competitiveness in West Africa using analytic hierarchy process (AHP). American Journal of Industrial and Business Management, 5(06), 432.
Guy, E., & Urli, B. (2006). Port selection and multicriteria analysis: An application to the Montreal-New York alternative. Maritime Economics & Logistics, 8(2), 169-186.
Ha, M. S. (2003). A comparison of service quality at major container ports: implications for Korean ports. Journal of transport geography, 11(2), 131-137.
Haezendonck, E., Pison, G., Rousseeuw, P., Struyf, A., & Verbeke, A. (2000). The competitive advantage of seaports. International Journal of Maritime Economics, 2(2), 69-82.
Hales, D. N., Chang, Y. T., Lam, J. S. L., Desplebin, O., Dholakia, N., & Al-Wugayan, A. (2017). An empirical test of the balanced theory of port competitiveness. The International Journal of Logistics Management.
Lirn, T. C., Thanopoulou, H. A., Beynon, M. J., & Beresford, A. K. (2015). An application of AHP on transhipment port selection: a global perspective. In Port Management (pp. 314-338). Palgrave Macmillan, London.
Murphy, P. R., Daley, J. M., & Dalenberg, D. R. (1992). Port selection criteria: an application of a transportation. Logistics and Transportation Review, 28(3), 237.
Parasuraman, A. (1997), Reflections on gaining competitive advantage through consumer value, Journal of the Academy of Marketing Science, 25 (2), 154-61.
Parasuraman, A. and Grewal, D. (2000). The impact of technology on the quality-value-loyalty chain: a research agenda. Journal of the Academy of Marketing Science, 28(1), pp. 168-74.
Parola, F., Risitano, M., Ferretti, M., & Panetti, E. (2017). The drivers of port competitiveness: a critical review. Transport Reviews, 37(1), 116-138.
Petrick, J.F. (2002), Development of a multi-dimensional scale for measuring the perceived value of a service, Journal of Leisure Research, 34 (2), 119-34.
Sanchez, J., Callarisa, L., Rodriguez, R. M., & Moliner, M. A. (2006). Perceived value of the purchase of a tourism product. Tourism management, 27(3), 394-409.
Sheth, J. N., Newman, B. I., & Gross, L. G. (1991). Why we buy what we buy: A theory of consumption values. Journal of Business Research, 22(2), 159-170.
Sweeney, J. C & Soutar, G.N. (2001). Consumer perceived value: The development of a multiple item scale. Journal of Retailing, 77, 203-220.
Tongzon, J. L., & Sawant, L. (2007). Port choice in a competitive environment: from the shipping lines' perspective. Applied Economics, 39(4), 477-492.
Tongzon, J., & Heng, W. (2005). Port privatization, efficiency and competitiveness: Some empirical evidence from container ports (terminals). Transportation Research Part A: Policy and Practice, 39(5), 405-424.
Woodruff, R.B. (1997), Consumer value: the next source for competitive advantage, Journal of the Academy of Marketing Science, 25 (2), 139-53.
Yang, Z and Peterson R. T. (2004), Customer perceived value: Satisfaction, and Loyalty: The Role of Switching Costs, Psychology and Marketing, 21 (10), 799-822.
Yeo, G. T., Roe, M., & Dinwoodie, J. (2008). Evaluating the competitiveness of container ports in Korea and China. Transportation Research Part A: Policy and Practice, 42(6), 910-921.
Yuen, C. L. A., Zhang, A., & Cheung, W. (2012). Port competitiveness from the users' perspective: An analysis of major container ports in China and its neighboring countries. Research in Transportation Economics, 35(1), 34-40.
Zeithaml, V.A. (1988), Consumer perceptions of price, quality and value: a means-end model and synthesis of evidence, Journal of Marketing, 52, 2-22.

Developing a research model to explore the factors affecting the competitiveness of container ports in Vietnam from the customer perceived value

Master. Nguyen Duc Xuan Lam

Thuongmai University

Abstract:

This literature review is to summary existing researches on the customer perceived value and researches on the competitiveness of container ports from different perspectives. This review finds out that the use of the customer perceived value to analyze the competitiveness of container ports is a new research direction, and it can be exploited in the future. This review also proposes a research model which using this above-mentioned research direction and other factors based on existing researches.

Keywords: influencing factor, competitiveness, container ports in Vietnam, customer perceived value.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20 tháng 8 năm 2022]

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/xay-dung-mo-hinh-nghien-cuu-cac-yeu-to-anh-huong-toi-nang-luc-canh-tranh-cua-cang-container-tai-viet-nam-dua-tren-gia-tri-khach-hang-cam-nhan-100573.htm