Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ thực phẩm an toàn

Liên kết nội vùng giữa các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm bảo đảm là hết sức bức thiết để bảo vệ sức khỏe cho hàng chục triệu cư dân.

Doanh nghiệp Bến Tre liên kết chuỗi trong tiêu thụ nông sản. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Doanh nghiệp Bến Tre liên kết chuỗi trong tiêu thụ nông sản. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Ngày 18/9, tại tọa đàm "Điều kiện sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tính khả thi" do Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, đại diện sở, ngành và các chuyên gia đã đề xuất nhiều chính sách nhằm tạo thuận lợi cho việc sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm; cùng với những cơ chế khuyến khích kết hợp, liên kết dọc và liên kết ngang mang tính vùng để dần thay đổi hành vi sản xuất không liên kết.
*Tiềm năng thị trường hơn 20 triệu dân
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm: Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang. Quy mô dân số của vùng có hơn 20 triệu ân với nhiều đô thị lớn và tiêu thụ một lượng lớn nông sản thực phẩm. Ước tính mỗi năm cả vùng tiêu thụ đến 1,5 triệu tấn gạo; 500 nghìn tấn thịt các loại; 800 nghìn tấn thủy hải sản; 3 triệu tấn rau quả; 1.500 triệu quả trứng...

Ngoài ra, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng là vùng chăn nuôi, trồng trọt tập trung với quy mô lớn. cung ứng nông sản thực phẩm cho những đô thị lớn trong cả nước. Vì vậy, việc cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân trong cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và nhất là đô thị hết sức quan trọng luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu đối với ngành thương mại, cũng như ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Liên quan đến việc sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Tp. Hồ Chí Minh là địa phương chỉ sản xuất nông sản thực phẩm chiếm 5%-10% sản lượng tiêu thụ. Số còn lại vẫn phải nhập về từ các địa phương khác. Bên cạnh đó, hàng hóa nhập về Tp. Hồ Chí Minh còn được trung chuyển đi khắp thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Cũng vì vậy, hàng hóa nhập về Tp. Hồ Chí Minh cần đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đây cũng là vấn đề quan tâm hàng đầu không chỉ của các cơ quan chức năng mà còn của người tiêu dùng. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, vấn đề sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm cần có những cơ chế chính sách định hướng để kiểm soát được đầu vào và nhập về thành phố.
Ông Trần Tiến Khai, Thư ký của Ban chủ nhiệm Đề án "Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" cho biết, điểm nghẽn liên kết được thể hiện ở khâu không có liên kết vùng khi xây dựng kế hoạch sản xuất; hệ thống thông tin thị trường đạt yêu cầu. Song song đó, việc chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu, nhãn hiệu tập thể và cá nhân; hay cung cấp giải pháp ứng dụng cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã vạch cho sản phẩm đạt chuẩn chưa rộng khắp.
Ngoài ra, rào cản tâm lý của người sản xuất (chủ yếu là hộ nông nghiệp) cũng hạn chế mở rộng quy mô canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Nông dân thường quan tâm tới lợi ích ngắn hạn hơn lợi ích lâu dài và bền vững. Đối với hợp tác xã, thành viên tham gia cũng chưa thấy được lợi ích thực sự mà việc sản xuất hợp tác mang lại.
Điển hình, ở một vài địa phương, hiện nay vẫn tồn tại nông hộ trồng rau theo hình thức gia công cho thương lái, tương tự như ở ngành chăn nuôi gà thịt. Do đó, nông dân ít quan tâm đến sản xuất an toàn, lệ thuộc hoàn toàn vào phương thức canh tác và hóa chất nông nghiệp mà thương lái cung cấp, yêu cầu áp dụng.
"Thực trạng nêu trên, dẫn đến hệ quả hệ thống sản xuất nông sản thực phẩm hầu như không thể đảm bảo điều kiện cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm, khó khăn trong phối hợp quản lý an toàn thực phẩm giữa địa phương tiêu thụ và địa phương sản xuất. Do đó, người tiêu dùng Tp. Hồ Chí Minh và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam không có được 100% nông sản thực phẩm tươi sống bảo đảm an toàn", ông Trần Tiến Khai chia sẻ thêm.
*Điều chỉnh hành vi sản xuất - tiêu dùng
Hiện nay, sự liên kết ở cấp độ vùng cho cung ứng và thương mại thực phẩm an toàn vẫn còn nhiều thách thức, chưa có cơ chế pháp lý cụ thể, khi mà quản lý theo địa giới hành chính vẫn còn là yếu tố chia cắt chuỗi cung ứng thực phẩm hướng đến sản xuất và tiêu thụ an toàn. Do đó, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ thực phẩm đạt chuẩn an toàn thực phẩm giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sẽ góp phần tìm ra một cơ chế liên kết vùng.

Vườn thanh long tại xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hệ thống phân phối hiện đại đang phát triển mạnh mẽ và phần nào bảo đảm được các quy định về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 70% nông sản thực phẩm được phân phối theo kênh thương mại truyền thống là mạng lưới chợ dân sinh không dược kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm.
Phó Giáo Sư .TS. Nguyễn Trọng Hoài, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, làm sao nâng cấp chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, cũng như hạn chế hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm trên thị trường là mục tiêu của Đề án "Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa Tp. Hồ Chí Minh và các, tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam".

Cụ thể, liên kết nội vùng giữa các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm bảo đảm là hết sức bức thiết để bảo vệ sức khỏe cho hàng chục triệu cư dân và thế hệ tương lai.
Theo các chuyên gia kinh tế, cần tác động điều chỉnh hành vi người sản xuất và người tiêu dùng thông qua những chính sách hạn chế hoạt động sản xuất, chế biến, lưu thông, phân phối tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tạo ra cơ chế khuyến khích hành vi có lợi, thông qua việc tài trợ cho đối tượng dễ bị tổn thương trong giai đoạn đầu. Trong trường hợp cần thiết, lực lượng chức năng cũng có thể thực thi biện pháp chế tài để đảm bảo sự tuân thủ quy định về sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm.
Xây dựng chuẩn hàng hóa bắt buộc khi đưa vào lưu thông phân phối trên thị trường là xác lập tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật bắt buộc; trong đó, chỉ có những hàng hóa đạt chuẩn VietGAP, chuẩn an toàn thực phẩm mới được đưa vào lưu thông phân phối trên thị trường và một số tiêu chuẩn thị trường khác. Với cách tiếp cận này, thì vai trò của thị trường từ phía cầu là tiên quyết và có tính dẫn dắt cho sản xuất từ phía cung.
Đại diện một số sở, ngành trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị, ở cấp độ vùng, phải thống nhất pháp lý hóa, áp dụng nhất quán hệ thống tiêu chuẩn hàng hóa cho nông sản thực phẩm và có lộ trình phù hợp cho phía sản xuất. Thông qua đó, tổ chức lại cơ chế quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối, định hướng quy trình thu mua và phân phối nông sản thực phẩm bắt buộc đạt chuẩn an toàn thực phẩm như áp dụng ở hệ thống phân phối hiện đại.
Điển hình, tổ chức xây dựng chợ đầu mối, trung tâm thương mại cung ứng nông sản tại địa phương kết hợp với việc tổ chức quản lý an toàn thực phẩm từ nới sản xuất đến chợ. Theo đó, đảm bảo hàng hóa phân phối từ chợ đầu mối, trung tâm cung ứng nông sản địa phương đã đạt quy chuẩn quốc gia về sản xuất an toàn sinh học và có truy xuất nguồn gốc sản phẩm, làm cơ sở cho xây dựng hệ thống thương mại cho sản phẩm đạt chuẩn an toàn thực phẩm đến đa dạng thị trường khác./.

Mỹ Phương/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xay-dung-mo-hinh-lien-ket-san-xuat-tieu-thu-thuc-pham-an-toan/170038.html