Xây dựng lực lượng Công an xã chính quy theo lộ trình

Chiều ngày 06/11, thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) theo chương trình kỳ họp thứ 6, cho ý kiến về nội dung tổ chức của Công an nhân dân chính quy, Công an xã, thị trấn, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với việc quy định xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy bởi đây là yêu cầu khách quan và cần thiết; đồng thời đề nghị cần có lộ trình cụ thể việc chính quy Công an xã, thị trấn.

Bố trí công an chính quy ở địa bàn xã, thị trấn là yêu cầu khách quan

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, nhấn mạnh việc quy định công an xã, thị trấn thuộc lực lượng chính quy là cần thiết, đáp ứng được yêu cầu theo tình hình hiện nay, nâng cao tính chuyên nghiệp và đào tạo bài bản, không phân biệt Công an xã, phường

Cùng quan điểm, đại biểu Cao Đình Thưởng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, cho rằng, tình hình an ninh nông thôn hiện nay rất phức tạp, vai trò của Công an xã hết sức quan trọng. Nếu có lực lượng chính quy, các vụ việc xảy ra ở cơ sở sẽ được giải quyết dứt điểm, đảm bảo đúng pháp luật, xây dựng môi trường sống yên bình tại thôn bản.

Đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng, vai trò của Công an xã hết sức quan trọng trong tình hình an ninh nông thôn rất phức tạp hiện nay

Tuy nhiên, theo đại biểu Cao Đình Thưởng, cũng cần có đánh giá toàn diện, đầy đủ tất cả các tác động của quy định này. Đại biểu nêu vấn đề, cả nước hiện có hơn 9.330 xã, nếu mỗi xã có 5 cán bộ công an chính quy, Bộ Công an phải bố trí trên 4 vạn cán bộ, điều này có ảnh hưởng gì đến đề án tinh giản biên chế và quỹ lương quốc gia không. Mặt khác, khi đã có lực lượng chính quy thì phải xây dựng thêm trụ sở làm việc, các điều kiện đảm bảo và chế độ chính sách kèm theo, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước thì có cần thiết không. Bên cạnh đó, lực lượng Công an xã hiện hành phải giải quyết như thế nào cũng là vấn đề cần đặt ra và có lộ trình giải quyết cho phù hợp.

Làm rõ thêm về chủ trương chính quy Công an xã, thị trấn đại biểu Ngô Minh Châu – Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh, phân tích, tại khoản 2 Điều 4 Hiến pháp năm 2013 quy định: quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Trong đó, hoạt động của Công an xã có liên quan trực tiếp đến việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân ở cơ sở. Vì vậy, việc bố trí Công an xã chính quy tại xã để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 nhằm bảo đảm hoạt động giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở, vừa đảm bảo quyền con người, quyền công dân thực hiện theo đúng pháp luật.

Tại khoản 4 Điều 10 Pháp lệnh Công an xã cũng quy định Bộ Công an bố trí công an chính quy ở xã. Nghị quyết số 22 ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới sắp xếp bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng xác định nội dung bố trí lực lượng Công an xã chính quy. Luật Công an nhân dân hiện hành cũng khẳng định Công an xã là một cấp công an trong nguyên tắc tổ chức hoạt động Công an nhân dân 4 cấp: bộ, tỉnh, huyện, xã.

Trên thực tế tình hình an ninh nông thôn, đô thị tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn, nhất là các vụ việc liên quan đến vấn đề khiếu kiện, xung đột xã hội, liên quan đến vấn đề đất đai, quá trình đô thị hóa, sự hình thành nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nảy sinh nhiều vấn đề mới, phức tạp đặt ra cho công tác đảm bảo an ninh trật tự. Các loại tội phạm và vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp hơn, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng vũ khí nóng, tội phạm khủng bố, tội phạm chống người thi hành công vụ. Những diễn biến tình hình trên xảy ra đều bắt đầu từ địa bàn cơ sở nếu không quyết liệt phòng ngừa, ngăn chặn xử lý sẽ làm môi trường sống, môi trường đầu tư, đặc biệt là sự ổn định về an ninh, trật tự an toàn xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn nông thôn hiện nay chủ yếu là do lực lượng Công an xã đảm nhiệm nên tạo ra áp lực về trách nhiệm của lực lượng chiến đấu phải đạt được hiệu quả. Áp lực về trình độ năng lực của Công an xã chừng mực nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ rất quan trọng và phức tạp, nhất là ở các địa bàn trọng điểm. Do vậy, việc bố trí công an chính quy ở địa bàn xã, thị trấn là để đáp ứng yêu cầu khách quan, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở.

Đại biểu Ngô Minh Châu chia sẻ thực tiễn triển khai chính quy lực lượng công an xã, thị trấn của TP.Hồ Chí Minh đã tạo ra chuyển biến được nhân dân ủng hộ

Đại biểu Ngô Minh Châu chia sẻ, việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy tuy là chủ trương mới nhưng trên thực tế Bộ Công an đã điều động công an chính quy thực hiện nhiệm vụ Công an xã nhiều năm qua. Qua tổng kết, triển khai, bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã, thị trấn vừa qua cho thấy đây là một mô hình đem lại hiệu quả tốt. Những xã, thị trấn được bố trí Công an xã chính quy, công tác tham mưu, quản lý nhà nước về an ninh trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn được nâng cao, góp phần ổn định tình hình và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Sơ kết tình hình triển khai trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh cũng cho thấy rằng những nơi đã bố trí Công an xã, thị trấn là chính quy đã tạo sự chuyển biến cơ bản, rõ nét, nhất là công tác tham mưu, quản lý nhà nước về an ninh trật tự, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn được nâng cao, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc có chuyển biến cơ bản, tạo niềm tin trong cấp ủy, chính quuyền và nhân dân đồng tình ủng hộ. Từ thực tế nêu trên cho thấy việc bố trí công an chính quy ở xã, thị trấn cần có lộ trình thực hiện đảm bảo khả thi, hiệu quả và đồng bộ việc thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn.

Cần quy định lộ trình tổ chức thực hiện

Nhấn mạnh việc tổ chức công an chính quy ở xã là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và cần thiết để đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, song đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn đại biểu Quốc hội tinh Lâm Đồng, cũng cho rằng về lộ trình cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ để áp dụng một cách thống nhất.

Chỉ ra một số vấn đề khi triển khai thực hiện quy định này, đại biểu Nguyễn Tạo nêu rõ, nếu bố trí công an chính quy ở xã thì lực lượng Công an xã hiện nay sẽ giải quyết như thế nào, trong khi phần lớn lực lượng Công an xã không đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện về bằng cấp, nghiệp vụ để chuyển thành công an chính quy, nhưng họ là lực lựng có kinh nghiệm thực tiễn nắm bắt địa bàn, đối tượng. Ngoài ra, tổ chức công an chính quy ở xã vừa là chính quy, vừa là bán chuyên trách thì rất khó khăn. Đối với Công an xã không phải là công an chính quy sẽ áp dụng chế độ tuyển chọn hay tuyển dụng? Cơ quan nào tuyển chọn, chế độ, chính sách như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị cần sớm có quy định cụ thể, chặt chẽ về điều kiện, lộ trình thực hiện

Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu và sớm có quy định để hạn chế các tác động tiêu cực đến lực lượng Công an xã đã và đang hoạt động thực tế hiện nay ở địa phương. Đồng thời, nên quy định cụ thể trong luật một số nội dung về điều kiện, lộ trình thực hiện việc tổ chức công an chính quy ở xã để thống nhất thực hiện và bảo đảm tính ổn định lâu dài của pháp luật.

Có cùng kiến nghị, đại biểu Nguyễn Minh Sơn – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, cho rằng cần quy định rõ lộ trình để đưa lực lượng Công an xã từ chưa chính quy trở thành lực lượng chính quy. Việc chuyển đổi tổ chức và hoạt động của lực lượng Công an xã từ bán chuyên trách sang lực lượng chính quy là một bước chuyển đổi căn bản, đề nghị cần đánh giá thêm về việc chuyển đổi cơ cấu tổ chức hoạt động. Đồng thời đánh giá về mối tương thích trong tổ chức, điều hành khi có sự đan xen giữa cái mới và cái cũ khi chuyển đổi.

Đại biểu cũng cho rằng, việc đưa vào dự thảo luật là phù hợp nhưng cần có các quy định mang tính nguyên tắc hoạt động về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an xã để làm căn cứ giao Chính phủ quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy.

Đại biểu Nguyễn Văn Được chỉ rõ 3 vấn đề cần giải quyết khi triển khai công an xã, thị trấn chính quy

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Được – Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội, nêu rõ, thứ nhất, phải có lộ trình bước đi để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đồng bộ, bảo đảm tinh gọn, chất lượng. Thứ hai, cần tính toán kỹ lưỡng về tổ chức và con người. Bởi nếu việc tổ chức và con người quá ít thì không thể nói xây dựng chính quy được. Nếu nhiều quá sẽ liên quan đến việc bảo đảm thực hiện tinh giảm biên chế. Thứ ba, cần có dự kiến về công tác bảo đảm cho lực lượng này như về phương tiện, xây dựng trụ sở và các mặt bảo đảm khác.

Ghi nhận các ý kiến của đại biểu Quốc hội, kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội đã được Ban thư ký ghi âm, ghi chép, tổng hợp đầy đủ. Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, Ủy ban thẩm tra, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này theo quy trình.

Bảo Yến - Nhóm ảnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=38158