Xây dựng Luật Từ chức để cán bộ chủ động từ chức nếu yếu kém và tín nhiệm thấp?

Một đề tài đang được các đại biểu và dư luận quan tâm đó là các đại biểu dân cử có tín nhiệm thấp và hiệu quả điều hành quản lý yếu kém, nhiều bất cập có bị 'từ chức' không?

Cán bộ tín nhiệm thấp nên từ chức

Ngày 25-10, Quốc Hội đã bỏ phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh. Kết quả cho thấy chỉ có trên 30 đại biểu đạt mức tín nhiệm cao. Quy định về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm trong dự thảo luật Tổ chức QH (sửa đổi) được thảo luận tại hội nghị ĐBQH chuyên trách. So với lần cho ý kiến tại kỳ họp QH giữa năm, dự thảo mới nhất này đã bổ sung một quy định về lấy phiếu tín nhiệm (điều 13) nhưng chỉ quy định đối tượng lấy phiếu, hệ quả của việc lấy phiếu; còn thời điểm, thời hạn trình tự lấy phiếu do QH quy định cụ thể trong văn bản khác.

Cụ thể, thời hạn, thời điểm, trình tự lấy phiếu tín nhiệm đối với người được QH lấy phiếu tín nhiệm do QH quy định. Người được lấy phiếu tín nhiệm mà có quá nửa (hoặc hai phần ba) tổng số đại biểu QH đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể từ chức. Trường hợp không từ chức thì Ủy ban Thường vụ QH báo cáo QH bỏ phiếu tín nhiệm.

Tuy nhiên ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng quy định chưa rõ hệ quả dẫn tới bỏ phiếu tín nhiệm theo đúng nguyện vọng của ĐBQH. Bà đề nghị nên bổ sung quy định tiến hành định kỳ hàng năm.

"UBTVQH sẽ gửi phiếu vào đầu kỳ họp để ĐBQH dựa vào phiếu đó để ghi nên bỏ phiếu ai thì UBTVQH mới tổng hợp được. Nếu không có phiếu xin ý kiến thì ĐB không biết bày tỏ chính kiến thế nào, lại đi vận động nhau thì không phù hợp với điều lệ Đảng" - ý kiến bà Khánh.

Ngoài bổ sung một điều quy định về lấy phiếu tín nhiệm, trong việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn (điều 14), dự thảo luật đã cụ thể hóa quy định tại khoản 8 điều 70 Hiến pháp về đối tượng bỏ phiếu tín nhiệm, chủ thể có thẩm quyền đề nghị QH bỏ phiếu tín nhiệm, hệ quả của việc bỏ phiếu tín nhiệm và việc từ chức;

QH bỏ phiếu tín nhiệm khi có ý kiến bằng văn bản của ít nhất 20% tổng số đại biểu QH; có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc UB của QH. Và người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa (hoặc hai phần ba) tổng số đại biểu QH đánh giá tín nhiệm thấp.

Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu QH bỏ phiếu không tín nhiệm có thể từ chức. Trong trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để bầu hoặc đề nghị phê chuẩn có trách nhiệm trình QH xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người không được QH tín nhiệm.

Cũng trong ngày 25 - 10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Tại khoản 8 Điều 2 của quy định nêu: "Ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm; chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ".

Xây dựng Luật Từ chức để cán bộ chủ động từ chức

Liên quan đến chủ đề tài trên, sáng 26-10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội (QH), đại biểu (ĐB) QH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đánh giá quy định cán bộ, đảng viên chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ, là "rất hay, rất tuyệt vời".

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Anh Trí lưu ý rằng cần bình tĩnh nhìn lại xem chuyện từ chức ở Việt Nam như thế nào. "Ở Việt Nam, chúng ta cũng đã đề cập đến văn hóa từ chức rất lâu rồi, có lúc rộ lên, nhưng không ai quan tâm cả; chưa thực hiện được vì đặc điểm của người Việt Nam là duy tình hơn duy lý. Điều này ai cũng thừa nhận"- vị ĐB của Hà Nội nói.

Theo vị ĐB là GS-TS, nguyên viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (ảnh trên), khi có quyền lực, thì quyền lực rất dễ bị tha hóa. Khi tha thóa sẽ mang lại rất nhiều quyền lợi (không chính đáng). Chính vì thế, khi đã có thì không dễ gì mà họ từ chức, không thể nào tự nhiên có được văn hóa từ chức.

"Vì vậy, cần có Luật Từ chức. Dựa trên luật này, người ta phải buộc từ chức. Rồi sau thấm dần, lúc đó mới có văn hóa từ chức" - vị ĐB Hà Nội nói.

ĐB Nguyễn Anh Trí cho rằng từ trước đến giờ, chúng ta hay chú ý đến khía cạnh có sai sót thì mới phải từ chức. Trong dư luận, xã hội, gia đình, việc từ chức là một dạng của cách chức. "Đó là một quan niệm sai nhưng không dễ gì sửa được".

"Trong khi từ chức có rất nhiều lý do như làm sai, kém năng lực, không được tín nhiệm, sức khỏe yếu… điều này là rất lịch sự".

Theo ông Nguyễn Anh Trí, năm 1993, tại Nhật Bản có 3 thủ tướng từ chức. Nhiều vị thủ tướng nhậm chức trong 3 tháng thấy không làm được thì từ chức. Người đó vẫn tiếp tục hoạt động chính trị chứ không phải là từ chức là cách chức, là mất luôn.

Từ chức vẫn bảo tồn cho họ các giá trị và để khi có cơ hội, người ta có thể xuất hiện trở lại trên chính trường. "Vì thế, chúng ta nên xem việc từ chức trên bình diện nhiều khía cạnh. Lúc đó, việc từ chức sẽ nhẹ nhàng, văn hóa từ chức sẽ ra đời. Tôi đề nghị nên xây dựng Luật Từ chức" - ĐB Nguyễn Anh Trí nêu.

Trần Quyết

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/xay-dung-luat-tu-chuc-de-can-bo-chu-dong-tu-chuc-neu-yeu-kem-va-tin-nhiem-thap-53875.htm