Xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính là bước tiến quan trọng

Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính và đề nghị này được đánh giá là rất cần thiết và nhân văn. Anh Trần Khắc Tùng, GĐ Trung tâm về quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (Trung tâm ICS) đã có cuộc trao đổi với PV báo PL&XH về vấn đề này.

Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật chuyển đổi giới tính? Nội dung nào trong Dự thảo đề cương xây dựng luật được anh quan tâm và đánh giá cao?

Xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính là bước tiến quan trọng, thể hiện nỗ lực và cam kết của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền con người của một bộ phận công dân là người chuyển giới. Đây là điểm rất tiến bộ trong khu vực và trên thế giới.

Những nội dung xây dựng luật mà dự thảo đưa ra đều quan trọng và thiết thực với người chuyển giới. Trong các nội dung đó, tôi thấy các nội dung về điều kiện được công nhận là người chuyển giới là quan trọng nhất, vì nó quyết định ai (người chuyển giới nào) sẽ được luật pháp công nhận là người chuyển đổi giới tính, từ đó có các quyền phát sinh như thay đổi tên và giới tính trên giấy tờ.

Hiện dự thảo đưa ra 3 phương án về điều kiện để được công nhận là người chuyển đổi giới tính: 1) xác nhận của chuyên gia tâm lý và đã sử dụng hoóc môn 2 năm; 2) xác nhận của chuyên gia tâm lý, sử dụng hoóc môn 1 năm và có phẫu thuật ngực và/hoặc bộ phận sinh dục; 3) chỉ cần xác nhận của chuyên gia tâm lý.

Các phương án này được đưa ra sau khi tham khảo cộng đồng và một số Bộ, ngành liên quan. Dự thảo hiện nay khuyến nghị phương án 1 và 2. Đây chưa phải là phương án lý tưởng và đáp ứng được nhu cầu của nhiều người chuyển giới nhất, nhưng tôi đánh giá cao tinh thần cầu thị và ghi nhận bước tiến này.

GĐ Trung tâm ICS Trần Khắc Tùng trao đổi với PV. ẢNH: P. THẢO

Là GĐ Trung tâm ICS, anh có thể cho biết cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới có quan tâm đến đề nghị xây dựng Luật này? Trung tâm ICS có tổ chức góp ý vào đề nghị xây dựng và Dự thảo đề cương luật này không?

Cộng đồng người chuyển giới nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung rất quan tâm và theo dõi sát sao tiến trình này, vì nó liên quan thiết thực tới cuộc sống hàng ngày và nó giúp giải quyết những vướng mắc các bạn đang gặp phải trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Chính vì vậy, ICS cùng cộng đồng người chuyển giới tham gia chặt chẽ vào quá trình làm luật này. Cùng với Bộ Y tế, Ban soạn thảo và các tổ chức khác, chúng tôi đã tổ chức các cuộc đối thoại để chính những người trong cuộc nói lên nhu cầu và nguyện vọng của mình với Ban soạn thảo. Chúng tôi cũng tham gia các buổi tham vấn để góp ý cho các dự thảo.

Với đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, người chuyển giới sẽ có hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Vậy anh và Trung tâm ICS có kiến nghị nghị gì về pháp lý cho cộng đồng người đồng tính, song tính không?

Người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) là một bộ phận của xã hội và có những nhu cầu như bất cứ một người nào khác. Định kiến, kỳ thị và phân biệt đối xử làm cho người LGBT chưa thực hiện được các quyền cơ bản như những công dân khác.

Vì vậy chúng tôi mong pháp luật Việt Nam sẽ dần hoàn thiện để bảo vệ người LGBT khỏi bạo lực và phân biệt đối xử, đặc biệt là trong gia đình, môi trường giáo dục, môi trường làm việc và khi tiếp xúc với các dịch vụ công khác.

Trung tâm ICS đã có những hoạt động gì để xã hội hiểu hơn về người đồng tính, song tính và chuyển giới?

Là tổ chức của chính những người đồng tính, song tính và chuyển giới, ICS đã và đang phối hợp với các tổ chức khác tiến hành các chiến dịch nhằm nâng cao hiểu biết của xã hội về đa dạng giới và ủng hộ quyền bình đẳng của cộng đồng như chiến dịch Tôi đồng ý (ủng hộ cho hôn nhân cùng giới), Tôi chuyển giới (ủng hộ cho người chuyển giới).

Vietpride được tổ chức ở hơn 30 tỉnh thành với sự tham gia ngày càng nhiều của người ủng hộ. Gần đây, ICS mở rộng hoạt động qua mảng trường học để xây dựng môi trường học đường không có bạo lực với người LGBT và các công sở bình đẳng với người LGBT.

Chân thành cảm ơn anh về cuộc trao đổi này!

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/xay-dung-luat-chuyen-doi-gioi-tinh-la-buoc-tien-quan-trong-106231.html