Xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), đến thời điểm này, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đã hoàn thành tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP).

Đây là cơ sở quan trọng để hội nghị cấp toàn quốc (do Bộ Quốc phòng tổ chức) được tổ chức chu đáo, thành công; qua đó báo cáo, đề nghị Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội triển khai xây dựng Dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã phỏng vấn Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí cho biết, đánh giá bước đầu của Ban Chỉ đạo về những kết quả đạt được sau khi các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP?

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến.

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến: Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 10-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của Bộ Quốc phòng (BQP) về tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP, đến nay 11 bộ, ngành có báo cáo tổng kết bằng văn bản và 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới, các đơn vị trực thuộc BQP có liên quan đã tiến hành tổng kết việc thi hành Pháp lệnh BĐBP. Nội dung báo cáo của các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố có biên giới đã đánh giá khách quan, toàn diện, cụ thể về kết quả đạt được; những hạn chế, vướng mắc, bất cập đúng với tình hình thực tế theo lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại pháp lệnh. Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố có biên giới quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt việc tổng kết Pháp lệnh BĐBP và đạt kết quả cao, bảo đảm mục đích, yêu cầu, nội dung đề ra. Chủ trì hội nghị cơ bản đều là chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; nội dung các báo cáo tham luận được chuẩn bị kỹ lưỡng, có tính chất xây dựng cao. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố có biên giới đã làm tốt công tác tuyên truyền về kết quả 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP ở địa phương mình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, giúp nhân dân hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, tổ chức, biên chế của BĐBP được quy định trong Pháp lệnh BĐBP...

PV: Sau 20 năm đi vào cuộc sống, đến nay Pháp lệnh BĐBP còn bộc lộ những bất cập, hạn chế như thế nào, thưa đồng chí?

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến: Qua 20 năm thi hành, đến thời điểm này có thể khẳng định rằng, Pháp lệnh BĐBP là căn cứ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, địa phương và lực lượng BĐBP thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong pháp lệnh. Qua đó, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia (BGQG); giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Tuy nhiên, sau 20 năm đi vào cuộc sống, Pháp lệnh BĐBP còn bộc lộ những bất cập, hạn chế, đó là:

Từ năm 1997 đến nay, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, quản lý, bảo vệ BGQG và xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, như: “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, “Chiến lược bảo vệ BGQG”... Pháp lệnh BĐBP chưa thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, quan điểm, tư duy đó.

Mặt khác, Pháp lệnh BĐBP chưa luật hóa chính sách của Nhà nước về nhiệm vụ, biện pháp biên phòng; cơ chế tài chính và các hình thức quản lý, bảo vệ BGQG; chưa luật hóa tổ chức của lực lượng chuyên trách, lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng và quản lý nhà nước về công tác biên phòng; chưa luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 vì pháp lệnh có những quy định tác động, hạn chế đến quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp. Các nội dung này cần được quy định trong luật.

Bên cạnh đó, Pháp lệnh BĐBP ban hành từ năm 1997 nên hình thức, bố cục không phù hợp so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; nội dung, một số thuật ngữ trong Pháp lệnh BĐBP không còn phù hợp với thuật ngữ trong các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan, như: Luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Quốc phòng…

PV: Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, hiện nay, Bộ tư lệnh BĐBP đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo triển khai công tác chuẩn bị cho hội nghị tổng kết pháp lệnh cấp toàn quốc như thế nào?

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến: Sau khi các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố có biên giới hoàn thành công tác tổng kết Pháp lệnh BĐBP, Bộ tư lệnh BĐBP đã khẩn trương xây dựng và hoàn tất hệ thống các văn kiện quan trọng, như: Báo cáo tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP, danh mục tham luận của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng; hồ sơ đề nghị khen thưởng trong hội nghị tổng kết pháp lệnh; đã tổ chức cuộc họp với cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành tham gia ý kiến triển khai kế hoạch tổ chức tổng kết. Đồng thời, tham mưu cho BQP tổ chức họp Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức hội nghị tổng kết pháp lệnh và triển khai tổ chức thực hiện theo đúng mục đích, yêu cầu kế hoạch đề ra… Cùng với đó, đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các đầu mối trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trước, trong và sau hội nghị tổng kết 20 năm thi hành pháp lệnh của BĐBP các cấp. Qua đó, khẳng định BĐBP là một quân chủng của BQP, là lực lượng chuyên trách trong xây dựng, quản lý và bảo vệ BGQG, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Đến nay, các cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ đã hoàn tất các công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho Hội nghị tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP cấp toàn quốc, dự kiến được tổ chức vào ngày 7-12-2018.

Bộ đội Đồn Biên phòng Y Tý (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai) tham gia hướng dẫn học sinh học tập. Ảnh do đơn vị cung cấp.

PV: Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG đã xác định “hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG… sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thực hiện”. Cùng với đó, hầu hết các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đều thống nhất kiến nghị, đề xuất xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam. Với vai trò tham mưu cho Quân ủy Trung ương, BQP, đến nay Bộ tư lệnh BĐBP đã triển khai thực hiện vấn đề này như thế nào?

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến: Để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về quốc phòng, an ninh, trên cơ sở Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”, đến nay, Bộ tư lệnh BĐBP đã xây dựng xong Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Nội dung của dự thảo luật kế thừa những quy định của Pháp lệnh BĐBP còn giá trị, như: Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động và tổ chức của BĐBP; đồng thời phát triển, bổ sung các quy định mới như chính sách, nguyên tắc hoạt động, hình thức quản lý, bảo vệ BGQG, biện pháp biên phòng… nhằm thể chế mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của BĐBP trong tình hình mới.

Cùng với đó, Bộ tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuẩn bị hồ sơ xây dựng Dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Mới đây, Bộ tư lệnh BĐBP đã trình Bộ trưởng BQP lập hồ sơ báo cáo Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam và được Bộ trưởng BQP nhất trí với chủ trương khẩn trương hoàn thành hồ sơ dự thảo luật, tiếp thu, xin ý kiến tham gia của 4 Bộ: Tư pháp, Nội vụ, Tài chính, Ngoại giao và một số bộ, ngành có liên quan, hoàn chỉnh nội dung, xin thẩm định của Bộ Tư pháp với thời gian sớm nhất.

Dự kiến, BQP sẽ báo cáo đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét bổ sung Dự án Luật Biên phòng Việt Nam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2020; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019 để bảo đảm thời gian lấy ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ chín và thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

TRẦN ĐỨC (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/xay-dung-luat-bien-phong-viet-nam-dap-ung-yeu-cau-nhiem-vu-trong-tinh-hinh-moi-556244