Xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để khắc phục ùn tắc

Bộ Công an đang xây dựng Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, với 8 chương, 87 Điều.

Theo Tờ trình của Bộ Công an, sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, có nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay.

Đó là Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là: Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội) và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ (thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật). “Đây là hai lĩnh vực rất lớn và khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một đạo luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn”, tờ trình nêu rõ.

Đáng nói, theo thống kê, nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ. Trong nhiều vụ tai nạn giao thông, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe gây tai nạn mà chưa gắn trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Đồng thời, chưa quy định cụ thể và đầy đủ về các biện pháp tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, như: nguyên tắc phân làn, phân luồng, phân tuyến giao thông; chưa có nguyên tắc để hạn chế phương tiện cá nhân gây ra ùn tắc, đặc biệt tại các TP lớn.

Bến xe Giáp Bát. Ảnh: P.Thảo

Bến xe Giáp Bát. Ảnh: P.Thảo

Lực lượng CA hàng ngày làm nhiệm vụ chỉ giải quyết các tình huống ùn tắc giao thông thực tế, nhưng nguyên nhân sâu xa do tổ chức giao thông bất hợp lý thì không có cơ chế cụ thể để khi CQCA kiến nghị thì cơ quan có thẩm quyền về tổ chức giao thông phải tiếp thu, khắc phục kịp thời.

Thực tiễn thời gian qua, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, khảo sát tổ chức giao thông và chỉ huy, điều khiển giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông đã chủ động phát hiện nhiều bất hợp lý trong tổ chức giao thông đô thị và trên các tuyến QL, tuyến cao tốc… đã có́ văn bản kiến nghị nhiều lần với ngành giao thông để sửa chữa, khắc phục nhưng chậm được khắc phục (từ năm 2019 đến nay, tỷ lệ khắc phục kiến nghị chỉ đạt chưa đến 10%).

Bên cạnh đó, các văn bản hiện hành liên quan cũng chưa quy định cụ thể, đầy đủ, rõ ràng về biện pháp, trách nhiệm giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của CQCA, y tế, bảo hiểm, cơ quan khai thác, bảo trì đường bộ, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Chưa có chính sách cụ thể, rõ ràng về quản lý, sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trung tâm chỉ huy, điều khiển giao thông và chưa xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác này, dẫn đến đầu tư ứng dụng công nghệ thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, các quy định về đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 còn rất thiếu và chủ yếu chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác có liên quan, như: Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đô thị, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng... do đó việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Không thu hút được nguồn lực đầu tư, cụ thể hóa các quy định thành tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình để thiết kế, thẩm định các công trình… Trong khi phát triển hạ tầng ở nước ta là nhiệm vụ rất lớn, được Đảng, Nhà nước xác định là khâu đột phá.

Cũng theo Bộ Công an, ùn tắc giao thông xảy ra phức tạp tại các TP lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, QL trọng điểm. Ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, đầu mối giao thông trọng điểm, các đô thị loại 1, đặc biệt là trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, TP HCM ngày càng trở nên phức tạp, thường xuyên, liên tục, có xu hướng lan rộng cả không gian và thời gian…

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành của một bộ phận người tham gia giao thông còn rất kém, đã phát hiện, xử lý 57.683.830 trường hợp vi phạm; vi phạm vẫn có tính phổ biến, nhiều hành vi nguy hiểm như đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc, vượt đèn đỏ, đua xe trái phép, sử dụng ma túy, rượu, bia khi điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, chống người thi hành công vụ… Trong đó, một trong những nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo quy định của pháp luật, CA là lực lượng trực tiếp, thường xuyên và chịu trách nhiệm chính tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với người, phương tiện trên các tuyến giao thông đường bộ. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay trên đường có nhiều lực lượng được thẩm quyền dừng xe, kiểm soát, gây ra sự chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông vận tải, lãng phí biên chế, cồng kềnh về tổ chức bộ máy, không phù hợp với tinh thần một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, dẫn đến làm giảm hiệu quả quản lý Nhà nước…

Vì vậy, theo Bộ Công an, việc xây dựng Luật Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là hết sức cần thiết. Hiện, Dự luật đang được Bộ Tư pháp xem xét, thẩm định trước khi hoàn thiện, trình Chính phủ.

Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2009 đến nay, tai nạn giao thông ở Việt Nam đã xảy ra 331.390 vụ, làm chết 100.227 người, bị thương 333.435 người, gây thiệt hại rất lớn về tài sản, so với thế giới, tai nạn giao thông Việt Nam ở mức cao (trong đó nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông là chủ yếu, chiếm trên 90% số vụ).

Tổng số ô tô, mô tô trên cả nước đang được đăng ký, quản lý là 67.326.706 xe, trong đó: Ô tô 5.458.535 xe, mô tô 61.868.171 xe. Với 96,2 triệu dân năm 2019, mật độ phương tiện giao thông ở Việt Nam là 726 phương tiện/1.000 người. Tỷ lệ ô tô cá nhân/1.000 người dân ở nước ta ở mức trung bình thấp so với các nước nhưng đã bất cập với hạ tầng giao thông. Phương tiện giao thông tăng nhanh (so sánh năm 2019 với năm 2009: ô tô đăng ký mới tăng 209.843 xe, tăng 110%; mô tô đăng ký mới tăng 913.890 xe, tăng 34%), bình quân tăng từ 10-15%/năm, chủ yếu là các phương tiện cá nhân, tập trung tại các đô thị lớn.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xay-dung-luat-bao-dam-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-de-khac-phuc-un-tac-202312.html