Xây dựng làng, khu phố văn hóa: Nhân lên sức mạnh cộng đồng

Lê hội Thái Miếu nhà Trần tại Đông Triều được phục dựng tháng 2/2019.

Lê hội Thái Miếu nhà Trần tại Đông Triều được phục dựng tháng 2/2019.

TX Đông Triều là địa phương tiêu biểu của tỉnh trong phong trào xây dựng làng, khu phố văn hóa với hầu hết các nội dung đạt kết quả cao: 100% làng, khu phố, 94% số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; tiêu chí xây dựng thiết chế văn hóa, phát triển văn hóa, văn nghệ, thể thao, đảm bảo an ninh trật tự… đều tiến triển. Riêng phong trào văn hóa thể thao, hiện 100% xã, phường của thị xã có CLB chèo và hát dân ca hoạt động sôi nổi; 100% xã, phường đảm bảo thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó phường Kim Sơn huy động nguồn vốn xã hội hóa trên 100 tỷ đồng để xây dựng trung tâm văn hóa thể thao…

Ông Phạm Bá Thi, Phó Giám đốc Trung tâm TT-VH thị xã, cho biết: Đông Triều vốn có những chiếu chèo nổi tiếng, truyền thống bơi vượt sông, những lễ hội cổ màu sắc văn hóa nhà Trần… Tuy nhiên, đó chỉ là nền tảng, điều kiện cần và đủ; để phát huy, nhân rộng thành vùng đất của hát chèo, hát dân ca, đơn vị mạnh nhất tỉnh về môn thể thao bơi vượt sông, nơi đậm đặc sắc màu văn hóa nhà Trần… phải từ tinh thần, sự lan tỏa, kết quả của nhiều năm thực hiện phong trào làng, khu phố văn hóa.

TP Móng Cái, đặc thù nhiều thôn, làng giáp biên, dân cư từ nhiều vùng đất khác đến sinh sống, làm việc. Phong trào xây dựng làng, khu phố văn hóa không chỉ làm giàu có đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hiện 100% thôn, làng giáp biên có tổ tự quản, tổ an ninh, hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Lực lượng này đang là nòng cốt trong các phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, cung cấp nhiều thông tin quan trọng, phối hợp lực lượng chức năng trong phòng chống tội phạm.

Bà Phạm Thị Oanh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Móng Cái, cho biết: Phát huy sức mạnh cộng đồng để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn là một nội dung quan trọng của phong trào xây dựng làng, khu phố văn hóa mà thành phố chú trọng thực hiện nhiều năm qua. Kết quả của nội dung này không chỉ góp phần giải quyết hiệu quả một khâu yếu, việc khó của địa phương, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, tạo nên hình ảnh đẹp về mảnh đất, con người, sức sống thành phố vùng biên.

Phụ nữ thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Mòng Cái) tranh tài bóng đá. Ảnh: Phòng VHTT Móng Cái cung cấp

TP Uông Bí, phong trào xây dựng làng, khu phố văn hóa đã nhân lên nguồn lực xã hội để hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cũng như các phong trào, hoạt động tại khu dân cư. Hiện 100% thôn, khu của thành phố đạt chuẩn về công trình nhà văn hóa, sân thể thao, hệ thống bể bơi, sân cỏ phục vụ thể thao chuyên nghiệp… Riêng phường Quang Trung đã huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân cho công trình văn hóa thể thao, nguồn lực ngân sách được dành cho các đối tượng chính sách xã hội.

Bà Nguyễn Thị Thanh Giang, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Uông Bí, cho biết: Quan điểm của thành phố cũng là tư duy của người dân, là việc gì người dân, doanh nghiệp có thể làm được thì Nhà nước chưa cần phải đầu tư, mà dành nguồn lực đó cho những việc cấp thiết hơn. Điều quan trọng là nguồn lực xã hội hóa cần phải được khơi gợi, khuyến khích để tạo được sự cộng hưởng, nhân lên thành sức mạnh.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202007/xay-dung-lang-khu-pho-van-hoa-nhan-len-suc-manh-cong-dong-2489950/