Xây dựng kinh tế kháng chiến cung cấp sức người, sức của cho mặt trận (*)

Với vai trò là ATK trong kháng chiến, quân và dân Thái Nguyên không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ ATK mà còn xây dựng nền kinh tế kháng chiến kịp thời cung cấp sức người, sức của cho mặt trận.

Bác Hồ trong một bữa cơm cùng đồng bào, chiến sĩ tại chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Bác Hồ trong một bữa cơm cùng đồng bào, chiến sĩ tại chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Những năm đầu, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam ở trong tình thế bị bao vây cô lập. Hoàn cảnh đó buộc chúng ta phải xây dựng nền kinh tế kháng chiến - có khả năng tư cung, tự cấp mới có đủ điều kiện kháng chiến lâu dài. Đó là tiền đề để xây dựng, củng cố hậu phương và chi viện cho mặt trận, từng bước giành thắng lợi.

Thái Nguyên có diện tích đất sản xuất nông nghiệp rộng lớn, với nhiều đồi bãi mầu mỡ, hệ thống sông suối dày đặc, giao thông khá thuận tiện, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp và việc hình thành nền kinh tế tự cung, tư cấp, đảm bảo cho hoạt động của các cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến.

Để bồi dưỡng sức dân, nhất là giai cấp nông dân, thực hiện chủ trương của Đảng, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền tỉnh đã phát động giảm tô, thực hiện tạm cấp số ruộng đất của địa chủ người Pháp và ruộng vắng chủ cho nông dân, tuy vậy, vấn đề người cày có ruộng vẫn chưa được giải quyết.

Từ tháng 10-1950, Thái Nguyên hoàn toàn trở thành vùng tự do, đó là điều kiện để từng bước thực hiện cải cách ruộng đất. Năm 1952, Trung ương chỉ đạo thí điểm cải cách ruộng đất tại 2 xã Đồng Bẩm và Dân Chủ thuộc huyện Đồng Hỷ, từ đó tư tưởng của quần chúng an tâm, ổn định hơn. Cuối năm 1953, Trung ương chọn tiếp 6 xã: Hùng Sơn, Bình Thuận, An Mỹ, Trần Phú, Tân Thái, Độc Lập thuộc huyện Đại Từ để thực hiện thí điểm cải cách ruộng đất.

Sau thắng lợi của cải cách ruộng đất thí điểm, phong trào giảm tô được mở rộng ra 146 xã, cải cách ruộng đất được triển khai ở 60 xã thuộc 6 huyện của tỉnh Thái Nguyên. Đến tháng 7/1954, Thái Nguyên căn bản hoàn thành giảm tô và cải cách ruộng đất, người dân hăng hái tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm bảo đảm đời sống và đóng góp cho kháng chiến .

Cùng với việc phát động giảm tô, cải cách ruộng đất, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên còn tập trung lãnh đạo nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, tiết kiệm, đóng góp nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến. Quân dân Thái Nguyên đã sớm khắc phục hậu quả nạn đói kéo dài, đẩy lùi “giặc đói”. Ngoài ra, nhân dân Thái Nguyên còn dành hàng vạn ngày công, ủng hộ hàng chục vạn cây tre, gỗ, nứa… để làm nơi ở cho đồng bào tản cư và các cơ quan Đảng, Chính phủ đóng trên địa bàn tỉnh .

Từ tháng 11-1946 đến tháng 4-1947, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã huy động lực lượng vận chuyển 39.400 tấn máy móc, nguyên liệu của các cơ sở sản xuất vũ khí, hơn 400 tấn muối, hàng triệu mét vải, hàng ngàn bao tải bông, hàng triệu kiện sợi từ miền xuôi lên. Đồng thời, tỉnh Thái Nguyên đã tiếp nhận hơn 63.000 người từ Hà Nội và các tỉnh miền xuôi lên tản cư.

Tháng 6-1950, tại Định Hóa, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp, quyết định mở Chiến dịch Biên Giới. Ngày 15/7/1950, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 76/NQ-TN giao các huyện huy động 277 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang địa phương đi phục vụ chiến dịch trong 3 tháng. Kết quả, các huyện đã huy động được 308 cán bộ, chiến sĩ, vượt chỉ tiêu 31 người. Để phục vụ chiến dịch, quân dân Thái Nguyên đã góp hàng vạn ngày công, đào đắp hàng nghìn mét khối đất đá, sửa chữa, làm mới hàng chục cầu lớn nhỏ, khai thông tuyến đường 13A (Thái Nguyên - Tuyên Quang) và đường 1B (Thái Nguyên - Lạng Sơn).

Trong những năm 1951-1953, ta chủ trương giữ vững và phát huy thế chủ động trên chiến trường chính (Bắc Bộ). Để phục vụ các chiến dịch, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, năm 1952, Thái Nguyên đã huy động 22.400 dân công đi sửa cầu đường và vận tải hàng hóa phục vụ các chiến dịch. Mặc dù đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng việc đảm bảo sản xuất, hoàn thành các nhiệm vụ luôn được nhân dân Thái Nguyên thực hiện tốt.

Tháng 12-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, ngoài việc đóng góp lương thực, thực phẩm để nuôi cán bộ, bộ đội trên địa bàn Thái Nguyên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã huy động hơn 670 tấn gạo, gần 29 tấn thịt, 10 tấn đỗ, lạc, vừng để cung cấp cho mặt trận Điện Biên Phủ.

Tính chung trong kháng chiến chống Pháp, Thái nguyên có 32.500 người tham gia dân quân, du kích, tự vệ chiến đấu, gần 18.000 người tòng quân giết giặc, 15.000 dân công hỏa tuyến phục vụ kháng chiến, 1.607 người con ưu tú đã hy sinh…

Có thể khẳng định, với vai trò là trung tâm của ATK trong kháng chiến, quân dân Thái Nguyên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ ATK và cung cấp kịp thời sức người, sức của cho mặt trận.

(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt.

Trích bài viết của TS. Nguyễn Minh Tuấn, Ths. Lê Thị Quỳnh Liu, Đại học Khoa học Thái Nguyên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/chinh-tri/xay-dung-kinh-te-khang-chien-cung-cap-suc-nguoi-suc-cua-cho-mat-tran--301097-97.html