Xây dựng khung thể chế quốc gia chuỗi thực phẩm an toàn

Đây là những khuyến nghị của các chuyên gia tại Hội thảo 'Tổng kết dự án chuỗi thịt lợn Việt Nam theo định hướng quốc tế (VIP) và chia sẻ kinh nghiệm về đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững ngành chăn nuôi lợn Việt Nam' do Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) tổ chức sáng ngày 23/10, tại Hà Nội.

Xây dựng khung thể chế quốc gia chuỗi thực phẩm thúc đẩy chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh

TS Võ Trọng Thành - đại diện Cục Chăn nuôi - cho hay, Việt Nam là nước phát triển mạnh về chăn nuôi lợn, khoảng trên 75% sản lượng thịt tiêu thụ là thịt lợn, mỗi năm sản xuất 3,5-3,7 triệu tấn thịt lợn, hiện có khoảng 2,6 triệu cơ sở chăn nuôi lợn, giải quyết việc làm cho khoảng 7 triệu lao động. Tuy nhiên, giá thịt lợn biến động mạnh, không có lợi cho người chăn nuôi, chất lượng thịt lợn, an toàn thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát tốt, hầu hết thịt lợn chưa được truy xuất nguồn gốc. Lợi nhuận và trách nhiệm trong chuỗi chăn nuôi chưa phù hợp.

Trước thực tế trên, Hà Lan (Đại sứ quán Hà Lan) và Việt Nam (Cục Chăn nuôi) đã xây dựng và triển khai thực hiện Dự án VIP với mục tiêu: kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm tại cơ sở giết mổ và chế biến thịt; giám sát và tiến tới xóa bỏ dịch bệnh; nâng cao năng lực quản lý chất lượng vật nuôi và kiểm soát thú y tại các cơ sở chăn nuôi lợn; nâng cao năng lực quản lý chuỗi thông qua nghiên cứu, đào tạo và tham quan học tập; nâng cao năng lực thông qua chuyển giao về quản lý trang trại chăn nuôi lợn hiện đại theo VietGAP và liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi; nâng cao năng lực về quá trình đổi mới chuỗi về chiến lược dài hạn và hoạt động cấp thiết để mở rộng chuỗi thịt VIP.

Dự án được triển khai trên địa bàn Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng, trong giai đoạn từ năm 2014- 2018.

Trong khuôn khổ Dự án VIP, hoạt động điều tra về đặc điểm, công nghệ và liên kết sản xuất trong chuỗi thịt lợn đã được nghiên cứu. Các tác nhân chính tham gia chuỗi bao gồm: trang trại chăn nuôi, cơ sở thu gom và giết mổ, người bán buôn, người bán lẻ. Bên cạnh đó, còn có các tác nhân phụ có liên quan mật thiết như: công ty sản xuất con giống, công ty sản xuất thức ăn, công ty kinh doanh thuốc thú y, siêu thị và khách hàng tiêu thụ lợn.

Kết quả cho thấy, cũng như nhiều nước khác, nơi mà các chuỗi sản xuất nông nghiệp đang hình thành, chuỗi thịt lợn Việt Nam đang tồn tại nhiều tác nhân tham gia với hình thức tổ chức sản xuất khác nhau, quy mô biến động và công nghệ đa dạng.

Về tiêu thụ thịt lợn ở các trang trại theo 3 hình thức khác nhau. Đối với các trang trại chăn nuôi theo hình thức gia công cho các công ty, tập đoàn, thịt lợn được các công ty thu mua khi đến thời điểm xuất bán, chủ trại không phải lo về đầu tư vì họ đã có hợp đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ trang trại bán theo hình thức có hợp đồng đạt 6,5-10,5% các trang trại điều tra. Phần lớn hiện nay đều bán cho thương lái (8-15%), hoặc bán cho các lò mổ theo mối quen biết từ trước (75,5-85,5%).

Ở phía Bắc, tỷ lệ cơ sở giết mổ có hợp đồng với thương lái và công ty khá thấp (chỉ đạt 8% ở Hà Nội). Tuy nhiên, ở miền Nam, tỷ lệ này cao hơn, Đồng Nai 50%, TP. Hồ Chí Minh 42%.

Nhiều khuyến cáo về phát triển chuỗi thực phẩm sạch trong chăn nuôi lợn đã được đưa ra tại hội nghị

Hiện, trang trại chăn nuôi lợn đa phần tự sản xuất con giống, vấn đề chất lượng con giống gặp nhiều khó khăn. Những trang trại chăn nuôi do không nằm trong chuỗi, việc kiểm soát chất cấm, an toàn thực phẩm khó khăn, sản xuất ra giá thành thấp, đầu ra bấp bênh, dẫn đến rủi ro trong hoạt động chăn nuôi. Cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung hiện tại xây dựng sử dụng không hiệu quả do không hoạt động hết công suất (chỉ đạt khoảng dưới 50%). An toàn thực phẩm vẫn còn là vấn đề chưa được các tác nhân trong chuỗi quan tâm đúng mức.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do các địa phương chưa mạnh tay dẹp bỏ hoặc đã có chủ trương và biện pháp nhưng lực lượng mỏng nên chưa dẹp bỏ được nạn giết mổ chui không có giấy phép, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đến cơ sở giết mổ tập trung thiếu nguyên liệu đầu vào. Cạnh đó, nhận thức, thói quen và tập quán sản xuất và hơn nữa, Nhà nước cũng chưa có các hành lang pháp lý đủ lạnh để kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm.

Mặc dù cũng mới hình thành trong thời gian gần đây, nhiều mô hình liên kết chuỗi đã được hưởng ứng và phát huy ưu thế cạnh tranh. Các mô hình kiên kết với công ty chăn nuôi theo hình thức gia công đang tỏ ra là mô hình có ưu thế nhất. Một số mô hình hợp tác xã vẫn đang trong giai đoạn đầu, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên cũng chưa hiệu quả và uy tín với các tác nhân tham gia.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững ngành chăn nuôi lợn Việt Nam, ông Ron Dwinger - Điều phối Viên Dự án VIP - khuyến nghị, việc xây dựng khung thể chế quốc gia về chuỗi thực phẩm an toàn trong chuỗi giá trị, trong đó, chú trọng đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm là thiết yếu cho sự phát triển ngành chăn nuôi lợn hiệu quả và bền vững. Đây cũng là đòi hỏi bức bách và là xu thế tất yếu cho ngành chăn nuôi Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xay-dung-khung-the-che-quoc-gia-chuoi-thuc-pham-an-toan-110614.html