Xây dựng khu dân cư an toàn chống dịch

Những ngày qua 'giặc dịch' diễn biến hết sức phức tạp ở tỉnh láng giềng Nghệ An, đặt chúng ta vào thử thách mới.

Chủ động ứng phó với nguy cơ dịch xâm nhập vào địa bàn, chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã đề ra nhiều biện pháp nhằm khóa chặt nguồn lây, nhưng về cơ bản chúng ta mới chỉ có thể kiểm soát được các hoạt động giao thương thông qua các chốt kiểm soát và những hoạt động chính thức. Những hoạt động phi chính thức, hoạt động trong Nhân dân, nhất là ở các khu dân cư vùng giáp ranh giữa hai tỉnh nếu không có sự tự giác chấp hành của người dân và kiểm soát hiệu quả từ phía chính quyền địa phương đối với các cộng đồng dân cư, thì nguy cơ để lọt nguồn bệnh hoàn toàn có thể xảy ra.

Tại Công điện số 17/CĐ-UBND, ngày 21-6-2021 về tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa chỉ ra hiện nay ở một bộ phận người dân và một số địa phương đã bắt đầu xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là, thiếu quyết liệt trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Chỉ đạo tại hội nghị bàn các giải pháp cấp bách, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn sớm, đáp ứng phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ giám sát cộng đồng các cấp, nhất là cấp xã, thôn, bản, gia đình có người thuộc diện cách ly tiếp tục nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan; nêu cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, thực hiện chủ động, nghiêm túc, triệt để đúng quy định các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Phương châm mà Chủ tịch UBND tỉnh đề ra đó là phấn đấu thực hiện mục tiêu dù có thể có F0, nhưng không để có thêm F1. Bởi một khi vẫn còn nguồn lây từ bên ngoài, nhất là khi chúng ta chủ trương tiếp nhận “giải cứu” công dân Thanh Hóa ở những vùng dịch trở về địa phương, thì nguy cơ xuất hiện bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 là khó tránh khỏi. Việc cần làm là phải chủ động tạo ra các biện pháp phòng vệ đủ mạnh nhằm khóa chặt nguồn lây, theo đó các khu dân cư phải phát hiện kịp thời, giám sát cách ly một cách nghiêm túc, không để sự biến động dân cư nào không được phát hiện. Công dân ở các vùng có nguy cơ dịch, bệnh khi trở về Thanh Hóa đều phải khai báo y tế kịp thời, cách ly đủ thời gian, lấy mẫu xét nghiệm theo đúng quy định tại Công điện số 17/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh. Các tổ giám sát cộng đồng, chính quyền sở tại phải nâng cao hơn một bước trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát, phát hiện, tố giác vi phạm, không để tái diễn sự cố như đã xảy ra ở một số cộng đồng dân cư trong thời gian qua.

Phát hiện sớm, cách ly kịp thời, chúng ta càng đỡ phải vất vả trong việc truy vết, khoanh vùng dập dịch làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống. Yêu cầu này đặt ra trách nhiệm rất cao không chỉ cho cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh, mà còn đòi hỏi nêu cao ý thức tự giác, đề cao lòng tự trọng, người dân phải sống có trách nhiệm hơn, không vì lợi ích cá nhân mà xem nhẹ, bỏ qua các quy định của pháp luật về phòng dịch.

Thời gian gần đây nhiều trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch đã bị khởi tố, là bài học vừa thôi thúc trách nhiệm của cơ quan chức năng vừa nhắc nhở ý thức người dân.

Tỉnh Thanh Hóa đã lập 8 chốt kiểm soát liên ngành ứng trực 24/24 giờ, về cơ bản chúng ta đã tạo ra một hàng rào thực thể, nhưng để ngăn chặn triệt để mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn, bảo vệ vững chắc “thành trì” chống dịch, thì cần phải tạo ra một “hàng rào mềm” đó chính là nâng cấp độ ý thức của các cộng đồng dân cư trong ứng phó với dịch, bệnh, mỗi cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng và từng người dân một phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các yêu cầu tại Công điện số 17/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh.

Lam Vũ

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/xay-dung-khu-dan-cu-an-toan-chong-dich/138729.htm