Xây dựng kho, hầm vũ khí tiếp tế cho lực lượng đặc công, biệt động

Trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, công tác bảo đảm vũ khí cơ sở nội thành, giao liên dẫn đường, tiếp tế có ý nghĩa sống còn, nhằm hỗ trợ cho lực lượng đặc công, biệt động thực hiện nhiệm vụ tiến công vào các mục tiêu quan trọng có ý nghĩa chiến lược.

Căn nhà 287/70 đường Trần Quý Cáp (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) có hầm chứa gần hai tấn vũ khí để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Căn nhà 287/70 đường Trần Quý Cáp (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) có hầm chứa gần hai tấn vũ khí để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Lực lượng đặc công, biệt động đã bí mật, kiên trì xây dựng hệ thống hành lang, cơ sở và kho, hầm để vận chuyển, ém giấu lực lượng, vũ khí, trang bị ngay trong lòng địch. Đặc biệt, trên các địa bàn chiến lược, lực lượng đặc công, biệt động đã tổ chức vận chuyển an toàn hàng trăm tấn vũ khí từ căn cứ qua vùng ven vào thành phố.

Tháng 10-1967, hai đơn vị A20 và A30 nhận lệnh cấp trên gấp rút vận chuyển vũ khí, mua sắm phương tiện cất giấu ở nội thành Sài Gòn và tại các điểm gần mục tiêu chiến lược đã chỉ định. Mặc dù nhiệm vụ hết sức khó khăn, nguy hiểm và phức tạp, nhưng cán bộ, chiến sĩ đơn vị A20, A30 và cơ sở đã mưu trí, dũng cảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có được kết quả như vậy là nhờ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã dựa vào nhân dân, kiên trì xây dựng lực lượng, tạo chỗ đứng chân, tạo nguồn cung cấp, mua sắm phương tiện, vận chuyển vũ khí phục vụ tác chiến.

Một trong những kho vũ khí lớn của biệt động Sài Gòn là căn hầm trong ngôi nhà số 287/70 đường Trần Quý Cáp (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) chứa gần hai tấn vũ khí để chuẩn bị cho Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Được biết, cuối năm 1965, theo chỉ đạo của cấp trên, ông Trần Văn Lai (hay còn gọi ông Năm Lai), vừa làm việc tại Dinh Độc Lập với danh nghĩa thầu khoán Năm U-SOM, vừa hoạt động bí mật trong đơn vị “bảo đảm” của biệt động Sài Gòn, đã mua căn nhà 287/70 đường Trần Quý Cáp. Lấy cớ cần đào hố ga làm nhà vệ sinh, ông Năm Lai đào một căn hầm bí mật và sau bảy tháng xây dựng, căn hầm được hoàn thành với kích thước dài hơn 8 m, rộng 2 m, sâu 2,5 m, trát xi-măng dày để chống thấm. Miệng hầm được đặt gần cầu thang, nắp hầm có chốt vặn ở giữa để dùng khoen nhấc lên. Trong hầm có bốn khung tròn nối với ống thoát nước để thoát hiểm và có các lỗ thông khí.

Bà Đặng Thị Thiệp (74 tuổi), vợ ông Năm Lai kể lại: “Chồng tôi bàn với tôi mua căn nhà này để làm hầm bí mật chứa vũ khí phục vụ cách mạng, vì khu vực này khá vắng vẻ, có nhiều người Hoa sinh sống hiền hòa cho nên không lo bị phát hiện. Mỗi ngày, ông ấy chạy ô-tô chở vũ khí từ Củ Chi về đây, còn tôi ở nhà trực chiến để canh chừng “căn cứ” và nắm tình hình. Cùng với ông nhà tôi, nhiều chiến sĩ biệt động đã dùng xe máy, các phương tiện khác lần lượt chở vũ khí từ Củ Chi về kho cất giấu. Chẳng mấy chốc kho vũ khí được lấp đầy, với 350 kg thuốc nổ TNT, thuốc nổ C4, 15 súng AK và 3.000 viên đạn, súng ngắn, súng B40, lựu đạn…”.

Ông Phan Văn Hôn (74 tuổi), một trong tám chiến sĩ biệt động còn sống trong số 15 chiến sĩ của Đội 5 cho biết: “Khi đến nhà anh Năm Lai, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, vì ngay trong nội thành lại có một kho vũ khí lớn đến vậy. Do đó, ngay khi nhận lệnh từ Cụm trưởng Cụm biệt động, anh em của Đội 5 biệt động đã tập trung tại căn nhà này để nhận vũ khí và nhận nhiệm vụ đánh mục tiêu Dinh Độc Lập vào đêm 29 Tết. Sau đó, Đội đã xuất phát trên ba ô-tô và một chiếc xe máy tiến về Dinh Độc Lập. Chúng tôi đều thề quyết Tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Cùng với kho vũ khí của ông Trần Văn Lai, nhiều cơ sở và kho hầm vũ khí khác trong nội thành Sài Gòn đã góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 như căn hầm ở nhà số 7, đường Yên Đỗ được sử dụng làm Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh tiền phương Phân khu 6, trong đó có mục tiêu đánh Đại sứ quán Mỹ; ba căn hầm vũ khí ở số nhà 348/38 đường Bắc Ái, 284/29/6 Trương Minh Ký và 246/25 Nguyễn Huỳnh Đức, trang bị đủ vũ khí cho cụm Biệt động 6-7-9 đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu địch.

Một kho vũ khí khác là kho ở nhà số 183/4 Trần Quốc Toản dành cho cụm Biệt động 1-2-8 đánh chiếm Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát; hay toàn bộ vũ khí trong hầm ở khóm 4, phường 7 gồm đạn, bộc phá, thủ pháo, lựu đạn… và xe du lịch được cấp cho Đội Biệt động 3 đánh Bộ tư lệnh Hải quân địch. Thống kê thời điểm cuối năm 1967, ở khu vực nội đô bố trí 15 điểm vũ khí “lót ổ”, trong đó có 13 hầm bí mật chứa vũ khí bảo đảm cho đặc công, biệt động tiến công các mục tiêu chiến lược.

Việc xây dựng các căn hầm trong nội đô để tiếp nhận, cất giấu, bảo vệ và bảo quản vũ khí cho lực lượng đặc công, biệt động là công việc cực kỳ khó khăn và nguy hiểm đòi hỏi phải giữ bí mật tuyệt đối, ngay cả với người xây hầm và gia đình mình. Công việc xây hầm chứa vũ khí trong vùng địch là cuộc chiến đấu âm thầm và lặng lẽ; những người trong cuộc bao gồm cả già, trẻ, gái, trai, những quân nhân và người dân đã tự nguyện góp phương tiện, nhà cửa, không quản hy sinh, gian khổ làm nhiệm vụ xây dựng, bảo quản an toàn vũ khí trang bị, góp phần bảo đảm cho lực lượng của ta chiến đấu và chiến thắng.

QUÝ HIỀN (ghi)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/35475402-xay-dung-kho-ham-vu-khi-tiep-te-cho-luc-luong-dac-cong-biet-dong.html