Xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Bối cảnh, cơ hội, thách thức và giải pháp là nội dung Hội thảo do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức ngày 18/1, tại Hà Nội.

Tàu phục vụ khách du lịch tại đảo Cát Bà, huyện Cát Hải. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Tàu phục vụ khách du lịch tại đảo Cát Bà, huyện Cát Hải. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho rằng, Hội thảo nhằm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý thuộc các lĩnh vực, Bộ, ngành liên quan để xây dựng Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Thứ trưởng đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học tham dự Hội thảo đóng góp ý kiến vào các vấn đề cụ thể, như giải pháp cụ thể hóa các mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phương pháp, tiêu chí, cách thức tiến hành xác định các nhiệm vụ, lộ trình thực hiện một cách cụ thể, khả thi theo các giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030. Đặc biệt là nhận diện đầy đủ bối cảnh, làm rõ các cơ hội và thách thức khu vực và thế giới, trên cơ sở đó để có thể đề xuất các giải pháp hợp lý, khả thi nhằm thực hiện Chiến lược; phân tích, đánh giá về triển khai thực hiện các khâu đột phá phục vụ xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm. Trước mắt là phát triển mô hình tăng trưởng xanh, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong ngành nuôi biển – một ngành kinh tế biển mới nổi và trong ứng phó các thách thức an ninh môi trường Biển Đông.

Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo - Tổng cục Biển và Hải Đảo Việt Nam Nguyễn Lê Tuấn cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có hai công văn số 6606 và Công văn số 6607 gửi các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ, đề án, dự án, đề tài có tính liên vùng, liên ngành, quan trọng ở cấp quốc gia để đưa vào Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Đến thời điểm hiện tại, 15 Bộ, cơ quan ngang Bộ; 23 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có 14/28 địa phương có biển, 9/35 địa phương không có biển và 14 đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản trả lời, với 132 nhiệm vụ, đề án, dự án cho kế hoạch 5 năm và 105 nhiệm vụ, đề án, dự án cho kế hoạch tổng thể.

Trên cơ sở đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương, cùng với việc rà soát lại các nhiệm vụ đã làm, chưa làm được, Tổng cục sẽ tổng hợp, rà soát, đánh giá để lựa chọn những nhiệm vụ, đề án, dự án, đề tài đáp ứng các tiêu chí nêu trên.

Để việc xây dựng Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm đảm bảo tiến độ và chất lượng, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã dự thảo khung Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ; dự thảo Khung Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của các địa phương nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong các Kế hoạch. Dự thảo này sẽ được gửi tới các địa phương để xin ý kiến trong thời gian tới.

Hội thảo đã được nghe các Giáo sư, Tiến sỹ, Chuyên gia nghiên cứu biển góp ý kiến vào việc triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển về các nội dung: tầm chiến lược với tư duy xây dựng kế hoạch triển khai; xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, quy hoạch cảng…. Các ý kiến đề nghị cần có một cơ quan có đủ tầm đứng ra xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật, điều phối hoạt động và chịu trách nhiệm về những mục tiêu đề ra trong thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển; Phải xác định được mục tiêu cụ thể trong vấn đề phát triển bền vững ngành thủy hải sản, vì môi trường bền vững và vươn ngoài khơi xa hơn nữa….

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ tổng hợp toàn bộ các ý kiến trong Hội thảo để làm cơ sở xây dựng Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, trong đó, đánh giá, lựa chọn những nhiệm vụ, đề án, dự án, đề tài có tính liên ngành, liên vùng, quan trọng ở cấp quốc gia để đưa vào Kế hoạch. Tổng cục sẽ thường xuyên trao đổi, liên hệ với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thuộc các Bộ, ngành, địa phương xin ý kiến để công tác xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết đảm bảo đầy đủ, khoa học, khách quan và đúng tiến độ đề ra.

Văn Hào (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/bien-dao-viet-nam/xay-dung-ke-hoach-thuc-hien-chien-luoc-phat-trien-ben-vung-kinh-te-bien-20190118180656656.htm