Xây dựng Huế trở thành thành phố Sáng tạo và Công nghệ

Sáng 12/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức buổi nói chuyện của Tiến sĩ Vũ Duy Thức và Tiến sĩ Lưu Thế Lợi về AI, Robotics, Blockchain và Giới thiệu Quỹ VietSeeds - Huế.

Đây là một sáng kiến Huế phát triển của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Tổ chức Những người bạn Cố đô; Mạng lưới Khởi nghiệp Quốc gia - Bộ Kế hoạch Đầu tư; Quỹ Vietseeds và nhiều tổ chức khác. Sự kiện này bắt đầu cho chương trình phát triển Huế trở thành một thành phố Sáng tạo và Công nghệ theo định hướng của tỉnh trong thời gian tới.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Tham dự hội nghị có ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh, Nhà Sử học Dương Trung Quốc, Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Dũng, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, PGS.TS Nguyễn Quang Linh – Giám đốc Đại học Huế, cùng đại diện lãnh đạo các Viện, Sở ban ngành đến dự.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ mong muốn Huế phát triển nhanh trên nền tảng hệ tri thức, Huế phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ cho biết, trong những năm qua, Huế đang chuyển mình và đang thật sự đổi mới từ nhận thức đến hành động. Tôi mong muốn Huế phát triển nhanh trên nền tảng hệ tri thức, Huế phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa. Tại hội nghị này, tôi mong muốn những chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực chuyên ngành của quý vị và rộng hơn hãy đặt vấn đề cho lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở ban ngành.

Tại buổi nói chuyện, Tiến sĩ Vũ Duy Thức - một chuyên gia về AI và thuật toán, và là một người đam mê Robotics với kinh nghiệm trên 15 năm chia sẻ: “Nhắc đến Ai – Trí tuệ nhân tạo thì ai cũng đã biết. Với những tính năng vượt trội, AI đã hỗ trợ cho con người rất nhiều công việc trong mọi lĩnh vực. Tại Huế, AI, Robotics có thể được ứng dụng nhiều vào mảng du lịch, dùng để quảng bá hình ảnh của Huế đến với mọi người. Bên cạnh đó, AI cũng có thể ứng dụng vào để quản lý thành phố thông minh, trường đại học thông minh. Ngoài ra, còn có những lĩnh vực khác như nông nghiệp có thể ứng dụng AI để dự đoán được mùa màng, tình hình dịch bệnh, qua đó có những biện pháp xử lý và ngăn chặn kịp thời. Với lĩnh vực Y tế, AI hỗ trợ trong việc giúp chẩn đoán chính xác bệnh của bác sĩ”.

Về công nghệ Blockchanin, Tiến sĩ Lưu Thế Lợi – CEO Kyber Network, và cũng là chuyên gia về Blockchanin, trao đổi từ New York (Mỹ) đến hội nghị rằng, Blockchanin là cách mà toàn thể cộng đồng có thể tham gia, tạo nên một sự minh bạch và tin tưởng giữa mọi người với nhau. Hiện nay, công nghệ Blockchanin đã được nhiều quốc gia trên thế giới ứng dụng với nhiều lĩnh vực như giáo dục, ngân hàng, chuyển tiền kiều hối, hay liên ngân hàng một cách dễ dàng. Ngoài ra, nó có thể được dùng để số hóa, chống gian lận dữ liệu, rất nhiều tổ chức, các cơ quan chính phủ hiện cũng đang ứng dụng công nghệ Blockchanin này. Tại Việt Nam thì đã có một số đơn vị đang thử nghiệm với Blockchanin.

Đề cập về việc ứng dụng rộng rãi công nghệ Blockchanin, TS. Vũ Duy Thức đặt câu hỏi, liệu Việt Nam và Huế đã sẵn sàng đưa ứng dụng Blockchanin vào sử dụng được hay chưa, hay nó còn quá mới hoặc quá xa vời với hiện tại của Việt Nam, TS Lưu Thế Lợi cho rằng: “Chúng ta có thể ứng dụng một cách đơn giản nhất là đưa công nghệ Blockchanin để tăng khả năng xác thực và kiểm tra dữ liệu. Bởi hiện tại việc truy xuất dữ liệu hiện đang còn gặp nhiều khó khăn, vì quyền sở hữu dữ liệu có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Blockchanin có thể đảm bảo mọi dữ liệu trước những thay đổi đó nên có thể được lưu lại, thì khi thực hiện công tác kiểm tra, kiểm toán sẽ giảm thiểu được chi phí vận hành rất nhiều”.

TS Lưu Thế Lợi nói thêm, hệ thống tài chính trên thế giới hoạt động dựa vào niềm tin lẫn nhau, thể hiện tính minh bạch, việc sử dụng công nghệ Blockchanin giúp tăng tính minh bạch rõ ràng, giảm chi phí cho người sử dụng và đơn vị vận hành. Đây là ứng dụng rất thiết thực, do đó lãnh đạo chính quyền và các trường đại học làm sao ứng dụng công nghệ này để tạo được sự minh bạch và sự tin tưởng của người tiêu dùng.

Trước những chia sẻ, trao đổi về tính năng ưu việt của các công nghệ, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thẳng thắn trao đổi, dữ liệu đối với mọi người là rất quan trọng, do đó cần có một trung tâm, có cơ chế chính sách để lưu trữ và bảo vệ nguồn dữ liệu, xem nó giống như một ngân hàng, ai cần thì có thể vào đó và đảm bảo quyền lợi sở hữu dữ liệu của người dùng. Quan trọng nhất, công nghệ AI phải có cái tâm để phát triển, bởi cái gì cũng có hai mặt của nó. Công nghệ 4.0 mà không nhấn mạnh chữ “tâm” thì không bao giờ thành công.

Liên quan đến vấn đề dữ liệu, đại diện Ban Đào tạo – Đại học Huế cho rằng, hiện chúng ta có cơ sở dữ liệu nhưng nó rời rạc khắp nơi và không tập hợp được. Việc truy vấn dữ liệu khi cần là công việc rất khó, cũng như chưa có chỗ để chia sẻ. Do đó, chúng tôi muốn đề nghị tỉnh liệu có thể cung cấp Data Center để chúng tôi đẩy dữ liệu về đó không?

Trả lời vấn đề trên, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, trong mối quan hệ hợp tác giữa Huế và Đại học Huế rất được ưu tiên. Hiện nay, Data Center có rồi nhưng quy mô nhỏ, chắc chắn sẽ được mở rộng. Chúng tôi sẵn sàng mở rộng ra để hỗ trợ cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh. Muốn dung lượng bao nhiều thì phải đăng ký, phải có lộ trình, dự án mở rộng để đảm bảo quy mô, yêu cầu của Đại học Huế.

Tham dự tại buổi nói chuyện, Nhà Sử học Dương Trung Quốc cũng phát biểu: “Không có một xã hội nào mà chỉ có một nhóm người được hưởng, mà sự phát triển phải hết sức đồng bộ. Những buổi trao đổi như thế này sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn. Sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh là điều kiện, môi trường hết sức quan trọng. Về cơ sở lưu trữ, tôi cho rằng rất cần thiết và sớm trở thành hiện thực để sớm tiếp cận được những vấn đề mà cuộc sống đặt ra”.

Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu chụp hình lưu niệm.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Quỹ Vietseeds cũng được giới thiệu ra mắt tại Huế. Quỹ Vietseedsd được thành lập bởi hai cựu sinh viên trường Đại học Stanford (Hoa Kỳ) với sứ mệnh đào tạo những Hạt giống toàn diện đóng góp cho cộng đồng và góp phần xây dựng thế hệ lãnh đạo trẻ tương lai. Qua đó, Quỹ Vietseeds giúp hỗ trợ xây dựng một mạng lưới sinh viên tại Huế với tầm ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng, trở thành một platform (nền tảng) để gắn kết sinh viên, các trường đại học, các doanh nghiệp và chính quyền để thúc đẩy sự phát triển của Huế.

Đăng Vinh

Theo TCĐNA

Nguồn Seatimes: http://seatimes.com.vn/xay-dung-hue-tro-thanh-thanh-pho-sang-tao-va-cong-nghe-n106576.html