Xây dựng Học viện Hải quân theo mô hình 'Nhà trường thông minh'

Tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), Học viện Hải quân đã và đang tích cực triển khai xây dựng theo mô hình 'Nhà trường thông minh', phấn đấu đạt trình độ khu vực và quốc tế. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với Chuẩn đô đốc, PGS, TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Học viện Hải quân, xung quanh chủ đề này.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, HVHQ đã triển khai xây dựng mô hình "Nhà trường thông minh", như thế nào?

Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Lâm: Tận dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0, thời gian qua, Học viện Hải quân đã triển khai đồng bộ, tích cực nhiều giải pháp với phương châm: Nhà trường đi trước một bước nhưng phải tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, có bước đi phù hợp với sự phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) mới, hiện đại của quân chủng và quân đội. Đến nay, 100% giảng viên của học viện chủ động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để nâng cao hiệu quả bài giảng, sử dụng thành thạo các phần mềm trình chiếu, kết hợp phần mềm mô phỏng, thí nghiệm và phần mềm dạy học. Học viện cải tiến, nâng cấp, nghiên cứu, thiết kế mới, trang bị thêm các hệ thống huấn luyện hiện đại tại Trung tâm Huấn luyện mô phỏng, Trung tâm Điều hành huấn luyện. Học viện từng bước xây dựng các phòng học chuyên dùng, phòng thí nghiệm thông minh, phát triển thư viện trở thành Trung tâm Học liệu để khai thác, cung cấp tài nguyên tri thức hiện đại từ kho dữ liệu khổng lồ trên thế giới. Tất cả những thay đổi này đã tạo không khí thi đua học tập, nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học trong cán bộ, giảng viên và học viên.

 Chuẩn đô đốc, PGS, TS Nguyễn Văn Lâm.

Chuẩn đô đốc, PGS, TS Nguyễn Văn Lâm.

PV: Vậy, những giải pháp cụ thể để xây dựng học viện theo mô hình“Nhà trường thông minh”, thưa đồng chí?

Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Lâm: Để xây dựng và phát triển học viện theo mô hình “Nhà trường thông minh”, trước hết cần giáo dục, làm thay đổi nhận thức, tư duy của cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên. Học viện xây dựng các tiêu chí mang tính tổng thể, đồng bộ, như: Hạ tầng CNTT thông minh; hệ thống phòng học thông minh; các hệ thống ứng dụng CNTT, đào tạo trực tuyến; kho học liệu số... với cơ chế vận hành hệ thống linh hoạt, trong đó “bộ máy quản lý thông minh” đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đồng thời, học viện chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cơ sở tiếp tục triển khai đề án kiện toàn, phát triển đội ngũ giảng viên bảo đảm về số lượng, hợp lý về cơ cấu, chuẩn hóa về chất lượng. Để đạt được kết quả cao, học viện tăng cường đào tạo lại, gửi đi đào tạo trong và ngoài nước; bồi dưỡng năng lực sư phạm và gửi đi học tập thực tế, giúp đội ngũ giảng viên đúc rút được kinh nghiệm thực tiễn; thực hiện công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo theo tiêu chuẩn chức danh. Việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, tiếng Nga và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục để tăng cường hội nhập quốc tế cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Học viên Học viện Hải quân thực hành trên các thiết bị mô phỏng.

PV: Mục tiêu và trọng tâm mà học viện cần triển khai là gì, thưa đồng chí?

Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Lâm: Chúng tôi xác định đặt trọng tâm vào 4 nhóm. Đầu tiên là đổi mới quy trình, nội dung, chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, thiết kế phù hợp với hoạt động thực tiễn huấn luyện, SSCĐ ở các đơn vị trong quân chủng và quân đội; dịch chuyển từ những cái mình có sang đào tạo những cái mà đơn vị cần và sẽ cần. Tiếp theo, việc xây dựng và phát triển học viện dựa trên nền tảng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại, đồng bộ theo tiêu chí "trường đại học thông minh", nhằm tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, điều hành, đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá. Học viện xác định mục tiêu, nội dung, lộ trình triển khai tổ chức thực hiện theo từng giai đoạn: Giai đoạn 1 (2018-2020) tập trung chủ yếu vào những dự án, xây dựng hạ tầng kỹ thuật CNTT. Giai đoạn 2 (2021-2025) đầu tư vào những nội dung lớn, những hạng mục đòi hỏi kinh phí nhiều hơn, như: Phòng thí nghiệm chuyên ngành công nghệ cao; phòng học chuyên ngành… Bên cạnh đó, nhà trường đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học...

Học viện chủ động phối hợp, liên kết nghiên cứu khoa học với các học viện, nhà trường, viện, tổ chức khoa học-công nghệ trong và ngoài quân đội, trong nước và nước ngoài. Tiếp tục đẩy mạnh việc chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục theo từng vị trí, chức vụ (cả về trình độ ngoại ngữ, CNTT, kiến thức thực tế…); xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, chức danh chuyên môn kỹ thuật, quy trình bồi dưỡng giảng viên trẻ. Đặc biệt, tăng cường phối hợp, mời các đồng chí cán bộ ở đơn vị tham gia vào hoạt động giáo dục, đào tạo của học viện bằng hình thức truyền thụ kinh nghiệm tổ chức huấn luyện chiến đấu, SSCĐ, làm chủ VKTBKT… giúp người học tư duy sát với thực tiễn đơn vị.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HOÀNG VIỆT (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/xay-dung-hoc-vien-hai-quan-theo-mo-hinh-nha-truong-thong-minh-572403