Xây dựng hệ thống quan trắc môi trường trong kế hoạch quản lý chất lượng không khí

Đánh giá tính khả thi của việc xây dựng hệ thống quan trắc môi trường trong thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng không khí các cấp.

Tóm tắt: Những năm gần đây (tính đến năm 2022) Việt Nam đã có những chính sách nhằm quản lý chất lượng không khí (CLKK) ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố. Điển hình là Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng không khí giai đoạn 2021-2025 và chủ trương xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý CLKK cấp tỉnh, thành phố. Trong các kế hoạch này có nhiệm vụ xây dựng, lắp đặt các hệ thống quan trắc CLKK đảm bảo đánh giá được thực trạng CLKK ở Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành phố nói riêng. Bài viết này trình bày kết quả đánh giá tính khả thi của việc xây dựng hệ thống quan trắc CLKK dựa trên phân tích hiện trạng mạng lưới đã có, phân tích các văn bản pháp luật hiện hành và khả năng huy động nguồn lực quốc gia và địa phương.

Qua đó cho thấy, chỉ khi có những văn bản hướng dẫn cụ thể, có các bản kế hoạch quản lý CLKK các cấp đủ cơ sở khoa học và khi huy động được nguồn lực đủ lớn, cả nhân lực, thiết bị, kinh phí,… thì Việt Nam và các địa phương mới có hệ thống quan trắc CLKK đảm bảo đánh giá đúng CLKK giai đoạn 2020-2030 và giai đoạn tiếp sau.

Những năm gần đây (tính đến năm 2022) Việt Nam đã có những chính sách nhằm quản lý chất lượng không khí (CLKK) ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố. (Ảnh minh họa)

Mở đầu

Ngày 13 tháng 11 năm 2021 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số: 1973/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia vềquản lý chất lượng không khígiai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là KHQG) theo đề nghị của Bộ TN&MT. Các chương trình nhiệm vụ trong kế hoạch này có phần hạn chế và mỗi nhiệm vụ cũng không có tiêu chí đánh giá rõ ràng. Chỉ sau đó 5 tháng Chính phủ lại ban hành Quyết định số: 450/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2022 phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là CLQG) với một số chỉ tiêu khá cụ thể. Chẳng hạn, tại Phụ lục I quy định các chỉ tiêu giám sát và đánh giá chiến lược đến năm 2030 có mục II về các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách cơ bản được giải quyết, chất lượng môi trường từng bước được cải thiện, phục hồi. Trong mục II có chỉ tiêu Tỷ lệ số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức tốt và trung bình ở các đô thị đặc biệt (%) (xem bảng 1) với mức tỷ lệ này đến năm 2025 không thay đổi so với năm 2020 và đến năm 2030 cũng chỉ tăng 5% so với năm 2020. Nghĩa là đến năm 2025, mỗi năm chúng ta chấp nhận số ngày có CLKK ở các đô thị đặc biệt (Hà Nội chẳng hạn) dưới mức trung bình (theo giá trị AQI) từ khoảng 90 đến 100 ngày. Đến năm 2030 mức này có giảm nhưng người dân ở khu vực này vẫn phải chịu 70 đến 90 ngày với CLMT ở mức kém hoặc xấu, hoặc rất xấu hoặc nguy hại (theo quy định của TCMT đối với AQI). Như vậy, CLQG đã không dùng chỉ tiêu giảm giá trị trung bình năm của nồng độ chất ô nhiễm hay mức giảm phát thải chất ô nhiễm để đánh giá thành công của thực hiện CLQG. Và, với mức tiêu chí 75-80 % số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức tốt và trung bình thì CLKK ở các đô thị đặc biệt sẽ mức nào, đã bị ô nhiễm chưa vẫn là điều cần xác định rõ.

Bảng 1. Trích phụ lục I của CLQG 2022 [1].

Có lẽ do CLQG ra đời sau KHQG nên chỉ tiêu ở bảng 1 không được đề cập và tìm cách thực hiện.

Trong chương trình 3 của KHQG có mục c về: Hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống quan trắc môi trường không khí xung quanh tự động, liên tục; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo về chất lượng môi trường không khí; thiết lập các điểm quan trắc môi trường không khí theo Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường không khí xung quanh ở các đô thị đặc biệt và đô thị loại I trở lên do Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, các Bộ, Ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố liên quan là cơ quan phối hợp và thời gian thực hiện: đến 2025.

Trong công tác tổ chức thực hiện kế hoạch này, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh. Như vậy ngoài kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng không khí (QL CLKK) sẽ có kế hoạch cấp tỉnh, thành phố. Bộ TN&MT đã có công văn số: 3051/BTNMT-TCMT V/v hướng dẫn kỹ thuật xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh (sau đây gọi tắt là HDKT) gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Hiện nay, đã có một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành công tác lập và tiến tới thực hiện kế hoạch này. Người viết bài này đã được mời đọc và nhận xét hai thuyết minh lập đề cương lập KH QLMT cấp tỉnh và sau khi đọc, đối chiếu với hướng dẫn của Bộ TB&MT chúng tôi xin có một số ý kiến về tính khả thi của một vấn đề đặt ra trong bản hướng dẫn này, đó là vấn đề xây dựng hệ thống quan trắc môi trường.

Về tính khả thi của xây dựng hệ thống quan trắc môi trường

Trong nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam, vai trò của hệ thống quan trắc CLKK được đánh giá rất cao nhưng trong thực tế, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được hệ thống quan trắc có hiệu quả cao. Việt Nam cũng chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu CLKK đủ để đánh giá hiện trạng, xu thế nồng độ các chất ONKK đối với môi trường xung quanh. Chúng ta cũng không tiến hành đánh giá, chỉ rõ những hạn chế của công tác này để rút kinh nghiệm, xây dựng hệ thống quan trắc CLKK trong thời gian tới. Thật ra, năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2016 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030(sau đây gọi tắt là Quy hoạch 2016). Trong đó có Phụ lục số III về danh sách trạm QTMT với số trạm quan trắc môi trường không khí tự động đến năm 2030 chỉ là 36 trạm (bảng 2).

Bảng 2. Số trạm quan trắc môi trường không khí tự động theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2016 [2]

Đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ lại có Quyết định Số: 259/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 02 năm 2020 phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thời hạn lập quy hoạch này không quá 24 tháng kể từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt nên đến tháng 2/2022 đã phải có bản Quy hoạch mới. Hiện tại, chúng tôi tra trên mạng chưa thấy văn bản quy hoạch này nên Quy hoạch năm 2016 vẫn có hiệu lực, nghĩa là đến năm 2025 chỉ có 26 trạm quan trắc môi trường không khí tự động.

Không rõ quy hoạch với 36 trạm (năm 2030) ở bảng 2 được tính như thế nào, chỉ bao gồm trạm quốc gia hay cả các trạm do các địa phương (các tỉnh, thành phố) tự lắp đặt. Theo cổng thông tin của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (NCEM) ngày 7/5/2022 có 67 trạm đủ số liệu tính AQI từng giờ đồng nghĩa với việc đã có ít nhất 67 trạm quan trắc môi trường không khí tự động cố định ở Việt Nam. Riêng tỉnh nhỏ Bắc Ninh đã có 17 trạm loại này cộng với hơn 10 trạm của Quảng Ninh thì ở 2 tỉnh này đã có hơn 26 trạm rồi. Vì vậy, trong Quy hoạch năm 2016 cần làm rõ hơn cách tính các con số chỉ ra ở bảng 2.

Những tổng kết về quá trình xây dựng hệ thống quan trắc CLKK nêu trên ở Việt Nam cho thấy vẫn còn nhiều việc phải làm để nhanh chóng có hệ thống hoạt động tốt trong tương lai gần. Xin nêu một số điều kiện cần sớm xác định để thúc đẩy việc lập hệ thống quan trắc CLKK tự động, liên tục cố định, bao gồm:

1. Xác định nhanh những loại trạm do Quốc gia quản lý (quy mô quốc gia), kinh phí lắp đặt vận hành do ngân sách quốc gia cấp. Theo chúng tôi đó là các trạm nền quy mô quốc gia, quy mô miền, liên miền, trạm biên giới. Với khái niệm trạm nền: “đặt tại các khu vực có ít tác động nhất từ các nguồn khí thải” được quy định tại Điều 30 của Thông tư số: 10/2021/TT-BTNMT, ngày 30 tháng 6 năm 2021 (gọi tắt là TT 2021) thì trạm nền quy mô quốc gia, miền, liên miền nên đặt tại khu vực núi cao như Phan Xi Păng (Fansipan), Tam Đảo, Trường Sơn, Đà Lạt và tại một số đảo như Bạch Long Vĩ, Côn Đảo, Phú Quốc. Các trạm biên giới đặt theo hướng gió chủ đạo thổi vào Việt Nam như gió Đông Bắc và hướng gió Tây Nam. Các trạm này nên đặt dưới sự quản lý, vận hành của các trung tâm quan trắc lớn (như NCEM chẳng hạn). Ngoài các trạm nền loại này, một số trạm tổng hợp: “được đặt tại các khu vực có ảnh hưởng của nhiều nguồn tác động” có quy mô lớn cũng phải do quốc gia quản lý, chẳng hạn trạm đặt tại thành phố lớn, đông dân hay tại các Vùng kinh tế trọng điểm quốc gia.

2. Các tỉnh sẽ có hệ thống quan trắc CLKK riêng nhưng phải tích hợp, phù hợp với mạng lưới/ hệ thống quan trắc quốc gia. Hệ thống cấp tỉnh sẽ có đầy đủ các loại trạm quy định trong TT 2021 như trạm nền, trạm tổng hợp (quy mô cấp tỉnh), trạm dân cư, trạm ven đường và trạm công nghiệp. Kinh phí lắp đặt, vận hành hệ thống trạm cấp tỉnh sẽ do ngân sách cấp tỉnh chi trả. Tuy nhiên việc lập hệ thống trạm cấp tỉnh cũng phải theo nguyên tắc hiệu quả về chuyên môn, tiết kiệm chi phí, nghĩa là số trạm, vị trí đặt trạm phải được nghiên cứu, xem xét có cơ sở khoa học.

3. Phải dự toán được kinh phí lắp đặt hệ thống quan trắc CLKK cả ở quy mô quốc gia và quy mô cấp tỉnh. Phải nhận thức được về mức kinh phí cho hệ thống này không hề thấp, chi cho mua thiết bị, lắp đặt, đào tạo nhân lực vận hành ở Việt Nam cho mỗi trạm quan trắc CLKK tự động, cố định liên tục ở mức trên dưới 10 tỷ đồng (thời giá 2020). Sau đó, hàng năm phải chi phí cho vận hành, duy tu, bảo dưỡng cũng tốn vài trăm triệu cho một trạm. Tuy nhiên nếu chúng ta có cách tiếp cận đồng bộ, liên kết với một số công ty tư vấn, công ty cung cấp dịch nước ngoài thì có thể giảm đáng kể tổng kinh phí chi cho toàn bộ hệ thống. Kinh nghiệm từ Thái Lan cho thấy, ban đầu họ thuê luôn tư vấn lập quy hoạch, tiến hành lắp đặt và vận hành toàn bộ hệ thống trạm quan trắc CLKK tự động liên tục, tiếp đến xử lý kết quả, cung cấp dịch vụ cho nhiều đối tượng như cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu khoa học (trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học,...), đưa thông tin về CLKK đến cộng đồng,...

Sau vài năm, khi nhân viên bản địa đã nắm vững việc vận hành hệ thống thì mọi công việc điều hành mới chuyển về các cơ quan của Thái Lan. Một lợi ích mà Thái Lan thấy rõ khi tiếp cận như vậy là, họ đã có hệ thống cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, cung cấp thiết bị ngay tại Bangkok với đại lý của chính hãng. Khi gặp sự cố người Thái có thể yêu cầu nhân viên ở các đại lý, kiểm tra, chỉnh sửa hoặc thay thế để thiết bị hoạt động không bị gián đoạn lâu. Kinh nghiệm xây dựng hệ thống quan trắc CLKK tự động, liên tục của Malaysia cũng rất đáng được quan tâm, suy nghĩ và nghiên cứu áp dụng.

Trong một hội thảo tại Hà Nội vài năm trước đây, Công ty Thermo Fisher có nói ý định cung cấp 65 trạm cho Malaysia, công ty này sẽ chịu trách nhiệm vận hành toàn bộ hệ thống và cung cấp số liệu quan trắc cho Malaysia theo yêu cầu. Malaysia chỉ việc chi tiền, kiểm soát quá trình vận hành và nhận số liệu. Đây là phương án rất khả thi và nếu đàm phán tốt sẽ tiết kiệm được kinh phí phải chi trả. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, thuê quan trắc trọn gói như vậy có mất quyền chủ động không, có đảm bảo chất lượng số liệu không và có bảo mật số liệu được không nên trước khi quyết định lựa chọn phải xem xét kỹ.

Thật ra, ở Việt Nam cũng đã lắp đặt, vận hành nhiều trạm quan trắc CLKK tự động, cố định liên tục. Thành phố Hồ Chí Minh trước đây đã lắp đặt hệ thống 9 trạm, cụ thể:

- Tháng 6/2000, được sự tài trợ của UNDP và DANIDA, hệ thống 04 trạm, trong đó có 02 trạm quan trắc CLKK xung quanh (Tân Sơn Hòa – 56 Trương Quốc Dung và Thủ Đức) và 02 trạm quan trắc CLKK ven đường (Sở KH&CN – 244 Điện Biên Phủ và Trường THPT Hồng Bàng – Quận 5) quan trắc CLKK tự động được lắp đặt và đưa vào hoạt động.

- Tháng 11/2002, được sự tài trợ của NORAD, đã lắp đặt thêm 05 trạm gồm 03 trạm đo không khí xung quanh (UBND Quận 2, Công viên Phần mềm Quang Trung, Thảo Cầm Viên) và 02 trạm đo không khí ven đường (Bệnh viện Thống Nhất – Q. Tân Bình, Phòng GD Huyện Bình Chánh – Q. Bình Tân).

Tần suất đo của các trạm này liên tục 24/24 giờ, thông số đo đạc: PM10, SO2, NOx, CO, O3. Đã sử dụng phần mềm xử lý số liệu và công bố số liệu tới nhiều đối tượng, trong đó có các cộng đồng dân cư. Các nhà khoa học đã sử dụng số liệu của hệ thống này để đánh giá CLKK Thành phố Hồ Chí Minh và được báo cáo tại nhiều hội thảo, công bố trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Rất tiếc là, trong giai đoạn cuối, khi thiết bị hư hỏng đã không được sửa chữa, bổ sung và khi hệ thống các trạm ngừng hoạt động không có hệ thống khác thay thế nên cho đến nay Thành phố Hồ Chí minh không có hệ thống mới nào nữa.

Ở Hà Nội, cuối những năm 1990 của Thế kỷ XX và những năm đầu Thế kỷ XXI cũng có hệ thống trạm quan trắc CLKK tự động liên tục hoạt động (ít nhất là 5 trạm). Tuy nhiên, số liệu thu được chưa được sử dụng hiệu quả và sau đó các trạm bị hư hỏng dần. Đến nay (đầu 2022) Hà Nội chỉ có 3 trạm loại này, đều lắp đặt ở khu vực nội đô.

Như trên đã nêu, hiện nay ở một số tỉnh đã lắp đặt hệ thống với số lượng khá nhiều các trạm quan trắc CLKK tự động, liên tục, cố định. Ba tỉnh có số trạm nhiều nhất là Bắc Ninh (17 trạm), Quảng Ninh (15 trạm) và Hải Dương (10 trạm) đều nằm ở Vùng kinh tế trong điểm Bắc bộ. Số liệu các trạm này đã được sử dụng tính chỉ số chất lượng môi trường (AQI) từng giờ theo phương pháp NowCast và công bố trên cổng thông tin điện tử của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc.

Tuy nhiên, AQI từng giờ chỉ cho ta biết CLKK ngắn hạn còn CLKK dài hạn hơn phải tính đến nồng độ trung bình năm các chất ô nhiễm và tính tỷ lệ (%) các ngày có mức AQI khác nhau. Các kết quả tính toán như vậy chưa được thực hiện và công bố nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi có thấy một số kết quả tính nồng độ trung bình năm và tỷ số xuất hiện AQI theo mức khác nhau từ số liệu đo ở Bắc Ninh được trình bày trong báo cáo tổng kết một đề tài do Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường thực hiện năm 2021. Dưới đây xin trích rút một số kết quả tính chỉ với mục đích làm ví dụ cho khả năng sử dụng số liệu quan trắc.

Xem xét số liệu đo của17 trạm của Bắc Ninh, chỉ có 6 trạm có trên 80% số ngày có đủ số liệu tính trung bình ngày của PM2.5, đủ để tính giá giá trị trung bình các tháng và trung bình năm. Kết quả tính các giá trị này cho các trạm Đồng Nguyên, Phong Cốc, KCN Quế Võ 1, Tiểu học Đại Bái, Trung tâm Quan trắc và UBND Quế Võ được trình bày ở bảng 3.

Bảng 3. Giá trị PM2.5 trung bình tháng và năm (µg/m3) của các trạm có đủ tỷ lệ số liệu trên địa bàn Bắc Ninh năm 2020. Nguồn [3]

Bắc Ninh đã lắp đặt 17 trạm nhưng qua xử lý số liệu năm 2020 cho thấy, có rất nhiều trạm số liệu bị ngắt quãng khá lâu, nguyên nhân có thể là không kiểm tra, sử dụng số liệu liên tục hoặc thiết bị gặp trục trặc mà không được khắc phục ngay. Nếu các thiết bị trong các trạm ở Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương do cùng một đơn vị cung cấp thì có thể yêu cầu công ty, đơn vị ấy có đại lý cung cấp tư vấn, dịch vụ sửa chữa, duy tu thiết bị đặt ở gần các tỉnh này. Nếu để tình trạng như các trạm quan trắc ở Hà Nội trước đây do nhiều cơ sở cung cấp thiết bị, không có đại lý hỗ trợ nên khi gặp vấn đề hỏng hóc thiết bị phải tốn rất nhiều thời gian mới khôi phục hoạt động trở lại và khi đó thời gian bị gián đoạn số liệu sẽ dài hơn rất nhiều.

Từ số liệu thu được, nhóm nghiên cứu cũng đã tính AQI của những ngày có đủ số liệu. Cũng cần nhắc lại là AQI được đăng tải hàng giờ của các trang mạng được tính bằng phương pháp NowCast khác hẳn so với cách tính AQI của Mỹ (US EPA) và của Việt Nam đã công bố. Cách tính chỉ số chất lượng không khí ngày (VN_AQId) được chỉ rõ trong Quyết định số: 1459/QĐ-TCMT của Tổng cục Môi trường ngày 12 tháng 11 năm 2019 về việc ban hành Hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (VN_AQI). Cách tính trong quyết định này khá tương đồng với cách tính của Mỹ và một số quốc gia, vùng lãnh thổ (Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Công,...) nên có thể so sánh kết quả tính toán còn với những quốc gia có khác biệt về cách tính AQI thì không thể so sánh kết quả tính được. Xin trích dẫn yêu cầu tính VN_AQId của Việt Nam để có thể kiểm tra cách tính trong các nghiên cứu công bố, theo đó “giá trị AQI ngày được tính toán dựa trên các giá trị như sau:

- Thông số PM2.5 và PM10: giá trị trung bình 24 giờ.

- Thông số O3: giá trị trung bình 1 giờ lớn nhất trong ngày và giá trị trung bình 8 giờ lớn nhất trong ngày.

- Thông số SO2, NO2 và CO: giá trị trung bình 1 giờ lớn nhất trong ngày”.

Vì vậy chúng ta phải có đủ giá trị đo trung bình giờ trong ngày mới có thể tính được VN_AQId, khác hẳn với giá trị để tính AQI giờ bằng phương pháp NowCast. Bằng công cụ tính Excel, có thể tính được AQI từng ngày và tính tỷ lệ (%) số ngày trong năm ứng với các mức CLKK khác nhau, kết quả tính được chỉ ra ở hình 1. Từ đó tính được mức % CLKK ở mức tốt và trung bình, theo đó, có 01 trạm có tỷ lệ này dưới 70% (trạm Đồng Nguyên), có 3 trạm ở mức 70 - 80% và 2 trạm có mức trên 80% (KCN Quế Võ và UBND Quế Võ). Bằng cách tính như vậy còn có thể xác định những ngày liên tục có mức CLKK kém, xấu, rất xấu chẳng hạn tại trạm Đồng Nguyên có 3 đợt CLKK ở mức kém, xấu và rất xấu kéo dài liên tục10 ngày trở lên, đợt 1 từ ngày 18/02 đến ngày 27/02; đợt 2 từ ngày 04/11 đến ngày 14/11 và đợt 3 từ ngày 05/12 đến ngày 14/12.

Hình 1. Tỷ lệ (%) số ngày ứng với mức CLKK khác nhau theo số liệu tại một số trạm quan trắc liên tục, tự động, cố định ở Bắc Ninh.

Có lẽ, nên có chương trình/phần mềm xử lý tự động số liệu quan trắc để liên tục tính các đặc trưng CLKK từ các trạm loại này, khi đó có thể vừa kiểm soát được chất lượng số liệu vừa đánh giá được CLKK.

Kết luận

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đang tiến hành soạn thảo tài liệu và thực hiện: “Tư vấn lập quy hoạch bảo vệ môi trường thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”. Tuy nhiên, tra cứu trên mạng vẫn chưa thấy có văn bản Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Như vậy, văn bản quan trọng này vẫn chưa được soạn thảo, ban hành. Đây sẽ là hạn chế đối với công tác quản lý CLKK nói chung và xây dựng hệ thống quan trắc CLKK nói riêng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản yêu cầu và hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí của riêng mình. Đây là cách phân quyền, giao trách nhiệm cho các địa phương thực hiện quản lý CLKK của mình và nếu các địa phương làm tốt thì chắc chắn CLKK chung của cả Việt Nam cũng sẽ được cải thiện. Vì CLKK của một tỉnh, thành phố không chỉ phụ thuộc vào các hoạt động xảy ra tại địa phương đó mà chịu ảnh hưởng rất nhiều từ phát thải ở các địa phương khác nên sự điều phối của cơ quan trung ương rất cần thiết để bức tranh chung về CLKK của cả nước rõ nét hơn. Người dân vẫn đang chờ các cơ quan chức năng ban hành được những văn bản có hiệu lực, có khả năng thực thi cao để CLKK Việt Nam được nâng cao.

Tính khả thi của việc lập và thực hiện kế hoạch quản lý CLKK nói chung và hệ thống quan trắc CLKK nói riêng phụ thuộc nhiều yếu tố như những văn bản pháp luật hiệu quả, những nguồn lực lớn cần huy động và sự vào cuộc của nhiều thành phần xã hội. Vì vậy, cần được xem xét kỹ khi lập kế hoạch để có kết quả tốt khi thực hiện. Mong rằng những phân tích, gợi ý trong bài viết này sẽ góp phần nhìn nhận rõ hơn về những gì cần làm để chúng ta có mạng lưới quan trắc CLKK hoạt động tốt trong giai đoạn 2020 - 2030 và những năm tiếp sau.

Tài liệu tham khảo

[1]. Quyết định số: 450/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2022 phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

[2]. Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2016 phê duyệt Quy hoạch Mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

[3]. Báo cáo tổng kết Nhiệm vụ Môi trường: Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất phương pháp đánh giá sức chịu tải của môi trường không khí ở nước ta và thử nghiệm cho một khu vực, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, 2021.

Hoàng Xuân Cơ

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/xay-dung-he-thong-quan-trac-moi-truong-trong-ke-hoach-quan-ly-chat-luong-khong-khi-69233.html