Xây dựng hệ thống quản lý thuế hiện đại trong điều kiện hội nhập

Tiếp tục chương trình phiên họp, chiều 20-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Tại phiên họp, lý giải về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, qua đánh giá thực trạng việc thực thi Luật Quản lý thuế và qua kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc sửa đổi Luật ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết để hoàn thiện thể chế về quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế; đồng thời tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để góp phần thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, tạo cơ sở để xây dựng hệ thống quản lý thuế hiện đại trong điều kiện hội nhập.

Qua rà soát, có 108 điều quy định trong Luật Quản lý thuế hiện hành cần được điều chỉnh, chiếm khoảng 90% tổng số điều; mặt khác, có nội dung quan trọng đối với công tác quản lý thuế như: Nguyên tắc quản lý, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan liên quan, cải cách hành chính trong quản lý thuế, chứng từ điện tử, chống chuyển giá, xói mòn cơ sở thuế cần được bổ sung, sửa đổi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội.

Về cơ bản dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như Luật Quản lý thuế hiện hành. Theo đó, Luật quy định việc quản lý các loại thuế và các khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước do cơ quan quản lý thuế (bao gồm cả cơ quan thuế và hải quan) thu. Đồng thời, để bao quát tất cả các nguồn thu của ngân sách Nhà nước, dự thảo Luật quy định: Căn cứ theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan, Chính phủ quy định việc quản lý đối với các khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu.

Về nội dung, nguyên tắc quản lý thuế và các hành vi bị cấm, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, nội dung quản lý thuế được kế thừa các quy định hiện hành, đồng thời tại dự thảo Luật có bổ sung các nội dung, như không thu thuế; khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp; quản lý hóa đơn, chứng từ; hợp tác quốc tế về thuế; kế toán, thống kê về thuế…Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung một số nguyên tắc như: Áp dụng nguyên tắc bản chất quyết định hình thức trong việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế; áp dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Các quy định này góp phần sẽ tạo điều kiện tiếp cận với cơ chế quản lý thuế hiện đại và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Thẩm tra dự án luật về những hành vi bị nghiêm cấm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, để bảo đảm rõ ràng, minh bạch cần phân định rõ các nhóm hành vi bị nghiêm cấm đối với từng nhóm đối tượng là cán bộ quản lý thuế, người nộp thuế. Ngoài ra, dự thảo luật cũng chưa quy định hành vi bị cấm đối với cơ quan, tổ chức liên quan, do đó cần nghiên cứu, bổ sung nội dung này trong dự thảo luật.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo, đánh giá, làm rõ tình trạng số nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi lớn, nhưng không thực hiện biện pháp xóa nợ theo các quy định của pháp luật và đề xuất cơ chế để cụ thể hóa ngay trong dự thảo Luật sửa đổi lần này.

* Biểu quyết tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

Sau nội dung cho ý kiến về Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Theo đó, từ ngày 1-1-2019, thuế môi trường với xăng sẽ tăng lên 4.000 đồng, tăng 1.000 đồng/lít so với hiện nay; dầu hỏa sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng/lít, tăng 700 đồng so với hiện nay.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thuế môi trường với mặt hàng dầu hỏa đã giảm một nửa so với đề xuất Chính phủ đưa ra hồi tháng 5. Ngoài ra, thuế môi trường với dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu mazut cũng tăng lên 2.000 đồng/lít, từ mức 900 đồng hiện hành.

Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, nhằm giảm tác động tăng giá các mặt hàng này tới chỉ số giá tiêu dùng năm nay, bảo đảm mục tiêu kiềm giữ lạm phát dưới 4% năm 2018 của Chính phủ.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì phân tích, nếu điều chỉnh loại thuế này, mỗi năm ngân sách sẽ có thêm hơn 15.700 tỷ đồng, và đề nghị trong dự toán ngân sách năm 2019, khoản thu từ thuế môi trường sẽ được dùng chi cho bảo vệ môi trường.Trước đó, góp ý kiến dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc tăng thuế với các mặt hàng đầu vào thiết yếu như xăng, dầu... sẽ tác động thị trường giá cả. Do đó, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu đề nghị, với những mặt hàng này, Chính phủ nên có đánh giá tác động đầy đủ cả hiệu ứng xã hội sẽ bao quát, đầy đủ hơn.

Đồng tình với ý kiến trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh quan điểm, đưa tiền thuế môi trường vào ngân sách và chi lại cho hoạt động bảo vệ môi trường để xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường, nhằm bảo đảm cho người dân có môi trường sống trong lành, chứ không phải "thu chỗ này, chi chỗ khác".

* Bế mạc phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 27.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, sau 9 ngày làm việc nghiêm túc, hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành Chương trình phiên họp thứ 27 để cho ý kiến về 9 dự án luật, nhiều nội dung quan trọng và thông qua một số nghị quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo, dự án luật để tiến hành các bước tiếp theo hoặc gửi đến các vị đại biểu Quốc hội trước kỳ họp đúng thời hạn quy định; đồng thời, hoàn thiện dự thảo các nghị quyết để trình ký ban hành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý tại phiên họp 27 vẫn còn một số nội dung không đủ điều kiện phải rút khỏi chương trình. Bên cạnh đó, trên cơ sở xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng về tính cấp thiết và thực tế chuẩn bị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải bổ sung thêm 2 nội dung vào chương trình phiên họp. Đây cũng là vấn đề các cơ quan, tổ chức hữu quan cần tiếp tục lưu ý, rút kinh nghiệm để thực hiện nghiêm túc quy định trong việc chuẩn bị và tiến hành các phiên họp sau.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/xay-dung-he-thong-quan-ly-thue-hien-dai-trong-dieu-kien-hoi-nhap-550062