Xây dựng hệ thống cửa khẩu, cảng biển hiện đại, đưa đất nước hội nhập thế giới

Hệ thống cửa khẩu, cảng biển của nước ta giữ vai trò quan trọng trong giao lưu, thông thương hàng hóa với các quốc gia khác, đặc biệt là trong giai đoạn đất nước đang hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới. Giữ vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, cảng biển, BĐBP đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng cho du khách, hàng hóa lưu thông.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây, BĐBP Thừa Thiên Huế cấp giấy lên bờ cho khách du lịch. Ảnh: Ngọc Bình

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây, BĐBP Thừa Thiên Huế cấp giấy lên bờ cho khách du lịch. Ảnh: Ngọc Bình

Hệ thống cửa khẩu, cảng biển ngày càng hoàn thiện

Nước ta có vùng biển rộng, bờ biển dài, với nhiều eo, vũng, vịnh sâu nằm gần các đô thị lớn, trung tâm du lịch biển, đảo và các khu vực sản xuất hàng hóa... Vùng biển nước ta cũng gần với các con đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất trên thế giới, chính vì vậy, việc phát triển hệ thống cảng biển có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, hội nhập thế giới.

Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới nhiều hải cảng quy mô quốc gia và quốc tế trên phạm vi cả nước, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế biển.

Hiện nay, cả nước có 272 bến cảng, tổng chiều dài cầu cảng đạt 92,2km với tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm, hệ thống cảng biển gắn liền với các trung tâm, các vùng kinh tế lớn của cả nước. Đặc biệt, đã hình thành các cảng biển lớn với vai trò là đầu mối phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa và tạo động lực phát triển toàn vùng như: Cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; cảng biển Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn gắn với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; cảng biển thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai gắn với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ; cảng biển Cần Thơ, An Giang gắn với vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.

Một số cảng biển đã và đang được đầu tư với quy mô hiện đại mang tầm vóc quốc tế như cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, cảng biển Hải Phòng. Các cảng này đã và đang thực hiện vai trò cảng cửa ngõ quốc tế và đảm nhận chức năng trung chuyển.

Sự phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời gian qua đã được nâng lên về nhiều mặt, là động lực quan trọng giúp kinh tế biển ngày một phát triển. Trong đó, về quy mô cảng: So với năm đầu tiên thực hiện quy hoạch (năm 2000), hệ thống cảng biển Việt Nam đã tăng lên 4,4 lần về chiều dài bến cảng. Năng lực bến cảng được quan tâm, nâng cấp cải tạo để tiếp nhận các tàu có trọng tải ngày càng lớn hơn.

Hầu hết các cảng tổng hợp, đầu mối khu vực, bao gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghi Sơn, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An đã được đầu tư mới và cải tạo nâng cấp cho phép tiếp nhận tàu có trọng tải lớn phù hợp với xu thế phát triển của đội tàu biển thế giới.

Nhiều bến cảng đầu tư mới với quy mô hiện đại cho phép tiếp nhận tàu trọng tải lớn đến hàng trăm nghìn tấn như các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và bến cảng Lạch Huyện - Hải Phòng. Đây là cơ sở quan trọng, khẳng định năng lực cảng biển Việt Nam, tạo tiền đề để các hãng tàu sử dụng cảng biển Việt Nam làm mắt xích trong chuỗi hải trình toàn cầu.

Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển Việt Nam không ngừng được nâng cao chất lượng dịch vụ, xếp dỡ tại cảng biển, do đó, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển ngày một lớn. Những dịch vụ cảng biển ngày càng hoàn thiện, thủ tục hành chính cho tàu biển không ngừng được cải thiện, rút ngắn thời gian chờ đợi tàu.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

BĐBP là lực lượng giữ vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, cảng biển. Trong những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã luôn tích cực, chủ động tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý biên giới tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý nói chung, tại cửa khẩu cảng nói riêng. Qua đó, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động lưu thông xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, cảng biển trên toàn quốc.

Tổ công tác của Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Áng - Sơn Dương, BĐBP Hà Tĩnh tuần tra tại khu vực cảng. Ảnh: Minh Toàn

Cụ thể, BĐBP đã tích cực, chủ động tham mưu Bộ Quốc phòng báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ công tác kiểm soát xuất nhập cảnh và cải cách thủ tục hành chính tại cảng biển. Triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tập trung đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin, xây dựng Cổng thông tin thủ tục biên phòng điện tử và đầu tư trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại để thực hiện chuyển đổi phương thức giải quyết thủ tục hành chính từ thủ công sang điện tử.

Từ ngày 1-7-2018 đến nay, thủ tục biên phòng điện tử đã được thực hiện theo Cơ chế một cửa quốc gia tại tất cả các cửa khẩu cảng trên toàn quốc (34 cửa khẩu cảng biển, 2 cửa khẩu cảng thủy nội địa). Thủ tục biên phòng điện tử đã đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.

Người làm thủ tục có thể ở bất cứ nơi nào có mạng internet thực hiện khai báo và nhận kết quả hoàn thành thủ tục biên phòng điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, không phải nộp hồ sơ giấy; thủ tục biên phòng điện tử được hoàn thành trước khi tàu đến, rời cảng và ngay sau khi cập cảng an toàn, tàu được phép bốc dỡ hàng hóa, thuyền viên, hành khách được phép đi bờ; tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, chi phí cầu bến neo đậu, hao mòn máy móc phương tiện; nâng cao năng lực xếp dỡ hàng hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cảng khai thác tối đa công năng của cầu, bến cảng; hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thủ tục biên phòng và người làm thủ tục, tránh phát sinh tiêu cực.

Thực hiện thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cấp, kiểm soát các loại giấy phép tại cửa khẩu cảng trên Cổng thông tin biên phòng điện tử. Các thủ tục hành chính tại cửa khẩu, cảng biển cơ bản đã chuyển sang phương thức điện tử mức độ 3 và 4, được đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh ngiệp, người dân thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước trong quá trình hội nhập.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-dung-he-thong-cua-khau-cang-bien-hien-dai-dua-dat-nuoc-hoi-nhap-the-gioi-post436809.html