Xây dựng Hà Nội sáng, xanh, sạch, đẹp (Tiếp theo và hết ) (*)

Bài 3: Nỗ lực hơn nữa để đáp ứng nhu cầu người dân

Một trong những vấn đề đang được dư luận quan tâm là việc xử lý tình trạng ô nhiễm sông Tô Lịch. Hiện thành phố vẫn chưa tìm được giải pháp có tính bền vững mặc dù đã thử nghiệm một số phương pháp, như dùng chế phẩm sinh học Redoxy 3C hay thử nghiệm phương pháp xử lý nước ô nhiễm của Nhật Bản. Căn nguyên là do Hà Nội chưa xây dựng được hệ thống thu gom nước thải. Nước thải sinh hoạt vẫn chảy chung với đường thoát nước mưa rồi đổ thẳng ra các sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, Nhuệ…, khiến các con sông đang "chết dần". Trong khi đó, một số nhà máy lại chưa hoạt động hết công suất. Ðiển hình như Nhà máy xử lý nước Hồ Tây chỉ xử lý 8.000 m3/ngày đêm, trong khi công suất thiết kế là 15.000 m3/ngày đêm; nhà máy Bắc Thăng Long - Vân Trì công suất 42.000 m3/ngày đêm, song chỉ hoạt động với 15% công suất thiết kế. Nguyên nhân vẫn do chưa hoàn thành hệ thống đường ống thu gom nước thải.

Tình trạng úng ngập khi xảy ra mưa lớn tuy giảm đáng kể trong khu vực bốn quận nội đô, nhưng lại xuất hiện khá thường xuyên ở khu vực phát triển đô thị nóng phía tây thành phố, như các khu đô thị Geleximco (huyện Hoài Ðức), khu đô thị Văn Phú (quận Hà Ðông)… Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hệ thống thoát nước Hà Nội mới chỉ được đầu tư đồng bộ tại khu vực nội thành thuộc lưu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5 km2, gồm các quận Ba Ðình, Hoàn Kiếm, Ðống Ða, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ và một phần quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, bảo đảm thoát nước khi xảy ra mưa có cường độ 300 mm/hai ngày. Khu vực tả, hữu sông Nhuệ, quận Long Biên, Hà Ðông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và một số khu đô thị mới vẫn xảy ra tình trạng úng ngập cục bộ do chưa thực hiện đồng bộ giữa xây dựng đô thị mới với hệ thống thoát nước theo quy hoạch.

Ðối với công tác cấp nước, từ sự cố nhiễm dầu thải tại nguồn nước Nhà máy Nước mặt sông Ðà cho thấy những bất cập trong công tác quản lý nguồn nước. UBND thành phố đã có ý kiến chỉ đạo về bảo đảm an ninh nguồn nước, nhưng vấn đề quan trọng là công tác triển khai trên thực tế.

Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội nạo vét cống ngầm nhằm bảo đảm tiêu thoát nước mùa mưa. Ảnh: THANH HẢI

Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội nạo vét cống ngầm nhằm bảo đảm tiêu thoát nước mùa mưa. Ảnh: THANH HẢI

Việc thu gom rác thải được các cơ quan chức năng thực hiện kịp thời. Những dịp lễ, Tết, lượng rác thải tăng đột biến, nhưng vẫn được thu gom nhanh chóng. Cùng với đó, ý thức người dân được cải thiện khiến rác thải ít khi bị tồn đọng. Các con phố phong quang, sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, chủ yếu rác thải được xử lý bằng hình thức chôn lấp, lượng rác thải được xử lý bằng các phương thức khác, hợp vệ sinh hơn mới chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Phó Trưởng phòng Hạ tầng - Kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Văn Quý cho biết: "Mỗi ngày, trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 6.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 11% số rác thải được thu gom, xử lý bằng phương pháp đốt (không phát điện); còn lại phần lớn được chuyển đến các khu xử lý rác để chôn lấp. Ðến năm 2020, lượng chất thải rắn dự kiến tăng lên 8.500 tấn/ngày đêm. Nếu không thúc đẩy các dự án xử lý rác thải tiên tiến thì sẽ tạo sức ép rất lớn cho vấn đề "đầu ra" của đô thị". Trong khi đó, hai bãi chôn lấp rác thải lớn nhất của Hà Nội là Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì) đều sắp phải đóng cửa, không thể tiếp nhận thêm.

Hiện tại, đã có năm dự án xử lý rác được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó, ba dự án đang triển khai, gồm: Dự án Nhà máy Ðiện rác Sóc Sơn, công suất 4.000 tấn rác thải/ngày đêm, đặt tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn. Dự án này dùng công nghệ đốt rác để phát điện, công suất 75 MW. Nhà đầu tư cam kết đến cuối năm 2020 dự án sẽ tiếp nhận đốt thử. Dự án Xử lý rác thu hồi điện Xuân Sơn (tại Khu xử lý chất thải Xuân Sơn) có công suất 1.000 tấn rác thải/ngày đêm, áp dụng công nghệ đốt rác phát điện, công suất 15,5 MW. Dự án Khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng (công suất 500 tấn rác thải/ngày đêm), xử lý bằng phương pháp khí hóa. Tuy nhiên, cả ba dự án đều chưa khởi công, nếu không đẩy nhanh tiến độ các dự án, Hà Nội dễ rơi vào tình trạng không biết đổ rác ở đâu. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Ðồng Phước An cho biết, các chủ đầu tư đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ. Các sở, ngành, đơn vị liên quan cũng quyết liệt thực hiện nhiệm vụ được giao, thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc chủ đầu tư... nhằm giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc; phấn đấu để các dự án sớm khởi công, đi vào vận hành trong năm 2021.

Công tác chiếu sáng của Hà Nội đã có nhiều đổi mới, song, tỷ lệ sử dụng bóng đèn led mới chiếm vài phần trăm, chủ yếu vẫn sử dụng đèn cao áp sodium, tiêu tốn nhiều điện năng. Việc thay thế là cần thiết, nhất là khi Công ty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội đã chủ động được công nghệ tích hợp cảm biến vào đèn led. Tuy nhiên, việc đầu tư thay thế hệ thống bóng đèn cao áp sodium trên diện rộng lại đòi hỏi đầu tư lớn.

Hiện nay, Việt Nam cùng thế giới đang bước vào thời đại công nghệ 4.0. Hệ thống chiếu sáng đô thị, hệ thống thoát nước đã được quản lý bằng công nghệ hiện đại và đem lại hiệu quả tích cực. Nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với đầu tư hạ tầng đồng bộ, Hà Nội cũng cần khẩn trương ứng dụng các phần mềm, để tăng cường hiệu quả quản lý trong nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến hạ tầng đô thị. Ðiều này cũng phù hợp với mô hình xây dựng thành phố thông minh mà Thủ đô đang hướng đến.

Chương trình số 06-Ctr/TU của Thành ủy về "Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016 - 2020" đang đi vào giai đoạn nước rút. Thành phố đã có nhiều thành tựu trong cải thiện bộ mặt đô thị, nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, cuộc sống luôn đổi thay, nhất là những thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh, gia tăng dân số cơ học cao như Hà Nội. Ðiều này đòi hỏi các sở, ban, ngành phải triển khai quyết liệt, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công các dự án về hạ tầng. Bên cạnh đó, trong mỗi giai đoạn, việc xây dựng các giải pháp phát triển hạ tầng cần có tầm nhìn dài hạn, đáp ứng tốt nhu cầu của cuộc sống người dân.

VIỆT HƯNG, NGỌC THANH

----------------------------

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra các ngày 29-11, 3-12-2019.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/42483302-xay-dung-ha-noi-sang-xanh-sach-dep-tiep-theo-va-het.html