Để nâng cao năng suất lao động, cần quan tâm tới đào tạo nghề

Ngày 24/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Diễn đàn Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ với đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII với chủ đề: 'Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước'. Cùng tham dự Diễn đàn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành và 950 đại biểu tham dự hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống tiền lương tối thiểu theo giờ

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội có vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống chính trị đất nước, đang phát huy vai trò tích cực trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, đi thẳng vào chủ đề, nêu rõ các giải pháp, gợi mở cho Chính phủ những ý tưởng, sáng kiến, cách làm để cả nước cùng nỗ lực, chung tay nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn.

Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giải đáp những câu hỏi của đại biểu liên quan đến vấn đề chính sách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội.

Về hệ thống chính sách tiền lương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiền lương tối thiểu. Đây chính là sàn thấp nhất, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Đây cũng là căn cứ để thảo luận, ký kết hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể. Tiếp đó, đây là cơ sở để chúng ta điều tiết thị trường lao động. Tới đây, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống tiền lương tối thiểu theo giờ. Chính phủ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo việc xây dựng hệ thống tiền lương tối thiểu này được thực thi trong thực tế.

Về chính sách bảo hiểm xã hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sẽ hướng tới việc tạo ra một hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội đa tầng, hướng đến bảo hiểm toàn dân.Tầng thứ nhất là trợ cấp tuổi già: Trong điều kiện tuổi thọ ngày càng tăng thêm, điều kiện ngân sách ngày càng khá hơn, thì chúng ta sẽ hướng tới việc có thể giảm bớt tuổi trợ cấp và tăng tiền trợ cấp lên. Tầng thứ hai là bảo hiểm căn bản: Bao gồm bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện. Ngoài ra là chế độ bảo hiểm hưu trí bổ sung gắn với thị trường. “Một điều chỉnh nữa là chúng ta sẽ rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm để được hưởng lương. Ví dụ, chế độ chính sách trước đây là 20 năm thì lộ trình tới đây rút xuống còn 15 năm và tiến tới chúng ta chỉ cần đóng đủ 10 năm bảo hiểm xã hội là sẽ được hưởng lương hưu”- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin.

Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định Chính phủ rất quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội, nhất là các thiết chế của công đoàn cho người lao động, như trường học, nhà ở cho công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. “Chúng tôi đang thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội dành một phần trong đầu tư công để hỗ trợ lãi suất cho nhà ở xã hội. Nếu chúng ta có một đồng hỗ trợ lãi suất, chúng ta có thể huy động được 10 đồng qua các ngân hàng thương mại. Cùng với đó, còn một kênh nữa là qua Ngân hàng chính sách Việt Nam. Đây là những thiết chế về văn hóa, an sinh. Chúng tôi hy vọng trong nhiệm kỳ này, với những việc rất đột phá, rất mới, chúng ta sẽ gặt hái được kết quả. Chúng tôi cũng tin tưởng với sự đồng hành của Công đoàn và Chính phủ, chúng ta sẽ đạt được những kết quả tốt hơn” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị Tổng LĐLĐVN tích cực phối hợp với cơ quan của Chính phủ để rà soát, hoàn thiện pháp luật và thể chế. Đồng thời cần phát triển nâng cao năng lực, vị thế của công đoàn cơ sở, để “phủ sóng” được nhiều hơn với cả doanh nghiệp FDI, tư nhân, là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi của NLĐ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin về những cải cách bảo hiểm xã hội.

Năng suất lao động thấp do chất lượng nguồn nhân lực

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch CĐCS, LĐLĐ tỉnh Quảng Nam Cao Thị Thắm: “Chính phủ sẽ có định hướng chính sách và ứng dụng công nghệ như thế nào để giúp người lao động thích ứng với nền kinh tế có sức cạnh tranh cao và tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0?”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Vấn đề giúp người lao động thích ứng với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là mối quan tâm của toàn xã hội. Các đồng chí là thành viên Chính phủ như Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã nói nhiều vấn đề này.

4.0 giống như bao cuộc cuộc cách mạng khác - ban đầu đều có những khó khăn, bỡ ngỡ nhất định. Nhưng cuối cùng, chúng ta vẫn vượt qua và đi lên. 4.0 đặt ra vấn đề nếu không thận trọng thì máy móc hay trí khôn nhân tạo sẽ chi phối loài người. Đây là những cảnh báo được các nhà khoa học đưa ra. Phó Thủ tướng cho rằng: “Những thành tựu trong cuộc Cách mạng 4.0 đều do con người tạo ra. Chúng ta thận trọng, sáng tạo, làm chủ công nghệ, ắt sẽ thắng lợi. Với người lao động Việt Nam trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, thuận lợi có, khó khăn có, nhưng chúng ta phải giữ được môi trường ổn định, giữ được hòa bình. Phải nâng cao được năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường kinh doanh, quản lý quản trị, tăng cường chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin về cuộc cách mạng 4.0.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá, tình hình kinh tế vĩ mô của đất nước trong những năm qua có chuyển biến rất lớn. Bắt đầu từ Quý 2/2017, nền kinh tế của chúng ta bắt đầu có sự đổi chiều và tăng trường với tốc độ cao hơn. Có nhiều nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất, Chính phủ đã tích cực đổi mới thể chế - đây là khâu có tính chất đột phá. Thứ hai, quá trình hội nhập kinh tế đem lại cơ hội phát triển cho đất nước. Nguyên nhân thứ ba là thành tựu của khoa học công nghệ. Tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều thách thức, trong đó có chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động.

Ông Bùi Sỹ Lợi đặt câu hỏi với Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: “Khảo sát về vấn đề nhà ở, chúng tôi đánh giá rất cao vấn đề giải quyết nhu cầu về nhà ở theo Hiến pháp và Luật Nhà ở. Đến nay cơ bản đã giải quyết xong vấn đề nhà ở cho người nghèo, nhà ở cho người có công. Tuy nhiên, trong đề án của Chính phủ phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở của công nhân, chúng ta phấn đấu đến năm 2020 xây dựng được 50.000 ngôi nhà công nhân lao động, nhưng đến nay chúng ta mới đạt hơn 10%… Xin Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đề nghị Quốc hội có gói hỗ trợ 30.000 tỉ giống như trước đây, để có thể đáp ứng nhu cầu nhà ở cho giai cấp công nhân…”

Đồng thời, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng chia sẻ đến Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, năng suất lao động của Việt Nam thấp nguyên nhân do chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay đạt 27% qua đào tạo, nhưng chỉ có 21% qua đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên và có cấp chứng chỉ. Trong khi đó, Việt Nam phải tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp và sử dụng nguồn quỹ của bảo hiểm thất nghiệp (khoảng 67.000 tỉ đồng). Chúng ta không chỉ đào tạo mới mà phải đào tạo lại, để tạo ra nguồn lao động vừa có chất lượng đầu vào cao, vẫn có thể chuyển đổi được cơ cấu để đáp ứng được quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (thứ tư, từ trái qua) chia sẻ tại Diễn đàn

Tăng cường hơn nữa công tác đào tạo nghề

Tại Diễn đàn này, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã nêu nhiều vấn đề liên quan tới năng suất lao động; quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ và công tác đào tạo lao động.

Bộ trưởng cho rằng có 5 vấn đề lớn dẫn tới năng suất lao động còn thấp như việc vẫn tồn tại nhiều loại hình kinh tế khó thống kê như: Kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp, kinh tế phi chính thức, kinh tế tự sản tự tiêu và một bộ phận nữa vẫn chưa quan sát được do số liệu chưa đầy đủ.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân năng suất lao động thấp là do người lao động chưa qua đào tạo, một bộ phận nhà máy, công xưởng chỉ ở mức 2.0, chưa kết nối được công nghệ thông tin, trình độ của lực lượng lao động cũng vậy. Tuy nhiên, tại các cơ sở kinh doanh cá thể, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo lại khá cao 59,9%. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho năng suất lao động thấp.

Để nâng cao năng suất lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần quan tâm tới đào tạo nghề. "Cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo nghề do những tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại cả thời cơ và thách thức. Bên cạnh đó, tập trung cao vấn đề đào tạo nghề đối với số lao động chuyển nghề mới hoặc người lao động làm nghề cũ nhưng phải có tay nghề cao hơn; chú trọng đào tạo chuyển nghề cho lao động nông thôn"-Bộ trưởng nêu giải pháp.
Chia sẻ về vấn đề tiền lương trong doanh nghiệp, Bộ trưởng cho hay, thời gian tới, Nhà nước không can thiệp vào quá trình xây dựng thang bảng lương của các doanh nghiệp. Nhà nước chỉ quy định mức lương tối thiểu để người sử dụng lao động và người lao động tự thỏa thuận, từ đó sẽ đặt ra xu hướng mới trong công tác công đoàn. Bên cạnh tổ chức công đoàn sẽ có các tổ chức của người lao động. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ trình vấn đề này trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng: Đây là tổ chức đơn thuần về mặt kinh tế giữa người lao động với nhau, không phải tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, chỉ hoạt động trong khuôn khổ của doanh nghiệp đó.

Phối hợp chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN được triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất, góp phần chăm lo tốt hơn cho người lao động.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nêu một số câu hỏi và chia sẻ đển Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Nói về những thách thức, khó khăn của đất nước; chia sẻ với khó khăn của người lao động, Thủ tướng cho rằng cần nhận rõ những khó khăn, thách thức, nguy cơ để dũng cảm vượt qua bằng tinh thần, trí tuệ Việt Nam, bằng bản lĩnh người đảng viên, đoàn viên công đoàn cách mạng. Đó là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ chống phá, "diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch", "tự chuyển hóa", "tự diễn biến" xa rời lý tưởng của Đảng. Đó là nguy cơ tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực xã hội, làm suy yếu Đảng, chính quyền. Nguy cơ về bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước, nhất là chủ quyền biển đảo trước âm mưu, thủ đoạn các nước lớn. Trong khi đó, một bộ phận người dân thu nhập còn thấp, đời sống khó khăn; phần lớn công nhân phải làm thêm giờ mới đủ trang trải cuộc sống. Tình trạng vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội còn nhiều; các thiết chế phục vụ công nhân thiếu trầm trọng.

Thủ tướng mong muốn, công nhân, viên chức, lao động cả nước mỗi người một tay, góp sức chung tạo thành sức mạnh cả dân tộc, tham gia nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Công đoàn Việt Nam cần quan tâm đầu tư xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động ứng phó với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, về nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động, về công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật và nghề nghiệp cho đoàn viên, người lao động, về xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu mới… Tập trung hơn nữa vào nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, có giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý thức công dân, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương phối hợp với Công đoàn Việt Nam, hỗ trợ công đoàn trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhất là việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, vấn đề quản lý nhà nước của ngành và địa phương, hỗ trợ đất đai, tài chính xây dựng các thiết chế công đoàn…

NGỌC ANH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/xay-dung-giai-cap-cong-nhan-lon-manh-d81856.html