Xây dựng được thành phố thông minh phải có công dân thông minh

Ông Pereric Hogber, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho rằng, không thể xây dựng thành phố thông minh nếu đô thị ấy không có những người dân thông minh.

Môi trường để người dân thử nghiệm các ý tưởng sáng tạo

Tham dự phiên tọa đàm “Thành phố thông minh, góc nhìn của các nhà lãnh đạo”, trong khuôn khổ ASOCIO 2018 - Hà Nội diễn ra hôm nay (18/9), chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng Thành phố thông minh tại Thụy Điển, ông Pereric Hogber, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết thành phố thông minh phải tạo ra môi trường để cho người dân thử nghiệm các ý tưởng sáng tạo của mình.

Về lĩnh vực này, Thụy Điển là nơi có nhiều đổi mới. Tại Thụy Điển có giải pháp hiệu quả trong lĩnh vực giao thông công cộng, hạn chế tối đa những phương tiện cá nhân trên đường phố. Đó là đánh thuế cao xe tư đi vào các phố cổ; khuyến khích kết hợp đưa ra ứng dụng xe buýt vừa chạy trên mặt đất vừa chạy trên nước; kết nối tốt các phương tiện công cộng như tàu trên cao, tàu điện ngầm; chia sẻ chuyến đi giữa các xe tư để hạn chế tối đa phương tiện tham gia giao thông…

ông Pereric Hogber, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị

Kinh nghiệm của Thụy Điển cũng cho thấy sự phối kết hợp công-tư là rất quan trong như giữa nhà nước, khối tư nhân và các trường đại học. Điều này sẽ giúp các ý tưởng mới qua sàng lọc để ra thị trường. Ông Pereric Hogber cũng cho biết, Thụy Điển là quốc gia tạo ra môi trường khởi nghiệp thuận lợi cho các doanh nghiệp. “Thành phố thông minh là Thành phố biết tận dụng công nghệ mới và số hóa để có thể đơn giản hóa quy trình, mang lại chất lượng cao nhất cho người dân và môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp”, ông Pereric Hogber nhấn mạnh.

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam đánh giá, Hà Nội đã là thành phố thông minh nhưng cần có quy hoạch tốt hơn nữa về giao thông, di chuyển thông minh, giảm phát thải nhà kính, sử dụng lưới điện thông minh, phương tiện giao thông sử dụng nhiên năng lượng tái tạo… và phải hỏi người dân xem thực sự họ cần gì?

Theo ông Pereric, không thể xây dựng thành phố thông minh nếu đô thị ấy không có những người dân thông minh. Vậy làm thế nào để có những người dân thông minh? Ông Pereric gợi ý: “Thụy Điển đã cung cấp dịch vụ băng thông rộng, hỗ trợ các hộ gia đình mua máy tính để công dân tự học tập và thích nghi. Nhờ vậy, Thụy Điển đã có những công dân thành thạo về công nghệ, có nền giáo dục thông minh và không dùng đến tiền mặt”.

Ông Rechard Ker, Trưởng nhóm sáng tạo và Thương mại hóa, Cyberview (Malaysia) thì cho rằng, khi xây dựng một giải pháp cho Thành phố thông minh thì phải tư duy như một doanh nghiệp khởi nghiệp. Thành phố cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp rộng khắp thông qua việc hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng, tổ chức đối thoại với các cơ quan, xây dựng thành phố như một phòng thí nghiệm để nuôi nấng các ý tưởng khởi nghiệp.

Đặc biệt, thành phố Cyberjaya rất quan tâm tới việc đào tạo những công dân thông minh.

“Chúng tôi không dạy bài học khô khan cho trẻ em mà dạy trẻ chơi trò chơi để có đam mê từ nhỏ. Đồng thời dạy chúng đừng làm việc một mình, phải giữ suy nghĩ và làm việc như công ty khởi nghiệp…Thúc đẩy cộng đồng thông minh không chỉ công nghệ, mà cần tương tác giữa mọi người ở cộng đồng; Xây dựng thành phố kinh tế thông minh và thường xuyên truyền thông về xây dựng thành phố thông minh thông qua việc tổ chức triển lãm để mọi người biết, ủng hộ”- ông Richard Ker nói.

Thông tin về nội dung này, ông Nguyễn Ngọc Kỳ- Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông Hà Nội cho hay, việc xây dựng thành phố Hà Nội thông minh được ưu tiên vào việc đẩy mạnh cải cách hành chính. Công nghệ sẽ hỗ trợ cho quá tình này diễn ra thuận lợi hơn.

“Hà Nội đã triển khai vườn ươm doanh nghiệp, đây là sự chuẩn bị cho thành phố thông minh. Nói cho cùng, thành phố thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp phát triển thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình thành phố thông minh như Cyberjaya thì còn nhiều việc phải làm”- ông Nguyễn Ngọc Kỳ nói.

Ông Jay Jenkins, Trưởng bộ phận Công nghệ Google Cloud Đông Nam Á phát biểu tại Hội nghị

Hà Nội đã có nhiều yếu tố hạ tầng của thành phố thông minh

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị, ông Jay Jenkins, Trưởng bộ phận Công nghệ Google Cloud Đông Nam Á đánh giá, Hà Nội đã gần như là một Thành phố thông minh. Ông cho hay, thực tế Google đã đầu tư hạ tầng thông minh ở Hà Nội gần 10 năm. Mỗi ngày, hàng triệu người Hà Nội đều đóng góp vào bộ dữ liệu ở Google Maps về đường phố và giao thông. Những dữ liệu này được xử lý tại Trung tâm dữ liệu của Google và hữu ích với hàng trăm nghìn người sử dụng điện thoại thông minh (Smartphone).

Bên cạnh đó, Google cũng có bộ dữ liệu xử lý về những địa điểm tại Việt Nam với hàng trăm nghìn địa chỉ được thống kê trên Google Maps và Google My Business – từ địa chỉ, giờ mở cửa cho tới phản hồi. “Như vậy, có rất nhiều yếu tố cơ sở hạ tầng thành phố thông minh đã có sẵn và Hà Nội có thể tận dụng những điều đó”, ông Jay Kenkins nhấn mạnh.

Dẫn ra một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, dự kiến đến năm 2050 thế giới sẽ có 2/3 dân số sống ở các đô thị, trong đó châu Á và châu Phi được đánh giá là có tốc độ phát triển nhanh nhất, ông David Wong, Chủ tịch Tổ chức công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) cho biết, ASOCIO cũng từng đề cập về xu hướng xây dựng Thành phố thông minh là chủ đạo trong trong quá trình chuyển đổi số ở châu Á. Vì vậy, cần đặt ra vấn đề giữa các thành phố này phải kết nối với nhau để thông minh hơn. Thành phố thông minh không chỉ kết nối với nhau về mặt số mà còn để giải quyết được những vấn đề như đã nêu.

Ông David Wong bày tỏ đồng tình với Hà Nội đặt ra kế hoạch xây dựng Thành phố thông minh làm 3 giai đoạn (đến năm 2030) trong đó tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi: Y tế, giao thông, du lịch - các vấn đề mà khi xây dựng Thành phố thông minh được đặt ra. Ông David Wong mong muốn hỗ trợ các đô thị như Hà Nội xây dựng Thành phố thông minh.

Hạnh Nguyên

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/xay-dung-duoc-thanh-pho-thong-minh-phai-co-cong-dan-thong-minh-d2055459.html