Xây dựng đời sống văn hóa: Toàn dân phải chung tay

Tại phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' để tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Trịnh Thị Thủy cho biết, phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' là trụ cột vững chắc góp phần xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa ngày càng phong phú, lành mạnh.

Cần cụ thể hóa công tác vận động

Theo Bộ VHTT&DL, trong năm 2018, công tác quản lý và tổ chức lễ hội có chuyển biến tích cực. Một số lễ hội có yếu tố bạo lực, phản cảm được khắc phục. Nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật, thể thao truyền thống được phát huy, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Ban Chỉ đạo Trung ương đã thành lập 20 đoàn kiểm tra, giám sát nhằm đánh giá thực chất kết quả thực hiện phong trào tại địa phương.

Tại phiên họp, nhiều đại biểu cho rằng, cần vận động người dân thay đổi một số hành vi ứng xử không văn hóa, văn minh tại các địa điểm công cộng như nhà ga, sân bay, bến xe, các điểm vui chơi giải trí, công viên, trường học…Cụ thể, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, một số bộ phận người dân có hành vi, cử chỉ, lời ăn tiếng nói biểu hiện mong muốn về một cuộc sống hưởng thụ, không muốn đóng góp cho xã hội. Thực trạng đó đòi hỏi cần có những tác động cụ thể, tạo chuyển biến rõ ràng.

Cần thiết lập thói quen xếp hàng như một nếp sống văn hóa. ảnh: Bảo Thoa

Cần thiết lập thói quen xếp hàng như một nếp sống văn hóa. ảnh: Bảo Thoa

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đề xuất chọn vấn đề vệ sinh môi trường, rác thải là một điểm nhấn chuyển biến trong năm 2019. Theo thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, cần có các cuộc vận động cụ thể, có tiêu chí chấm điểm khu dân cư, làng bản về xả rác nơi công cộng, phân loại rác sinh hoạt tại từng gia đình, giữ vệ sinh môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đề cập đến giải quyết những vấn đề nóng liên quan đến an toàn giao thông. Theo Thứ trưởng, ý thức của người tham gia giao thông đang có nhiều vấn đề. Cần xây dựng thái độ ứng xử văn minh cho người làm việc trên phương tiện vận tải công cộng; xử lý nghiêm người sử dụng bia rượu, chất gây nghiện khi tham gia giao thông; vượt đèn đỏ, lấn làn…

Các ngành cùng vào cuộc

Ngày 8/3 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã có kết luận sau khi nghe Bộ VHTT&DL trình bày báo cáo tổng kết phong trào năm 2019, nhiệm vụ công tác năm 2019 cùng ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và đại biểu, tại Thông báo số 87/TB-VPCP. Kết luận nêu rõ:

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thay vì bàn chung chung hãy chọn những công việc cụ thể để tạo thói quen cho mọi người. Có những hành vi, thái độ ứng xử hàng ngày, thói quen dù rất nhỏ nhưng lại là yếu tố văn hóa, đạo đức; nếu lệch chuẩn thì cần chấn chỉnh, tạo sự thay đổi. Ví dụ như việc thiết lập thói quen không xả rác bừa bãi nơi công cộng; không chen lấn, xô đẩy khi xếp hàng… cần được xây dựng như một tiêu chí quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa.

Năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết đại hội XII của Đảng. Cùng với các phong trào thi đua yêu nước khác, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục khẳng định là phong trào bao trùm lên mọi lĩnh vực đời sống xã hội được Ban Chỉ đạo Trung ương, các cấp, các ngành thực hiện nghiêm, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Ban Chỉ đạo phong trào tại các địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai, tập trung vào quy trình bình xét các danh hiệu văn hóa, đảm bảo công khai, dân chủ, đúng trình tự, thủ tục quy định. Công tác kiểm tra, giám sát được Ban Chỉ đạo các cấp thực hiện nghiêm túc, kiên quyết loại bỏ bệnh hình thức, chạy theo thành tích, từng bước nâng cao nhận thức cho người dân về mục đích, ý nghĩa của phong trào trong xây dựng và phát triển đất nước. Một số địa phương có cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, nâng cao chất lượng phong trào. Vai trò của người có uy tín trong cộng đồng được đề cao.

Bên cạnh những mặt tích cực, một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của phong trào, coi việc thực hiện phong trào là của ngành văn hóa, do đó chưa vào cuộc quyết liệt; còn bị động, chưa sâu sát với nhiệm vụ được phân công. Công tác truyền thông thực hiện phong trào mặc dù đã được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm nhưng kết quả đạt được chưa cao.

Năm 2019 là năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ kính yêu, để phong trào thực sự đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo, các cấp, các ngành và các địa phương cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo sự chuyển biến và sức lan tỏa tích cực trong đời sống văn hóa cộng đồng. Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTT&DL rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, danh hiệu văn hóa phù hợp với thực tiễn trong thực hiện phong trào; chú trọng phổ biến những quy định mới trong các nghị định của Chính phủ về văn hóa, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ứng xử văn hóa, văn minh trong gia đình và cộng đồng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT&DL, các bộ, ngành liên quan phát động phong trào giáo dục văn hóa trong nhà trường, quy tắc ứng xử văn minh cho học sinh, sinh viên trong nhà trường như: Xếp hàng, tập thể dục, thể thao, ý thức tham gia giao thông, bỏ rác đúng nơi quy định..., từ đó nhân rộng ra toàn xã hội.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT&DL, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức hội thảo hoặc phát động cuộc thi tìm hiểu về văn hóa ứng xử và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nhằm hình thành được bộ quy tắc ứng xử trong từng ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm xây dựng nếp sống văn hóa chuẩn mực trong đời sống xã hội, qua đó góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, con người Việt Nam phù hợp với các chuẩn mực ứng xử văn minh của thế giới.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ VHTT&DL, các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh việc thực hiện văn hóa giao thông, lồng ghép với các hoạt động của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương tăng cường phối hợp với cơ quan thường trực, các cơ quan liên quan tổ chức tốt việc truyền thông thực hiện phong trào.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng ở địa phương phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, các Hội Văn học Nghệ thuật của địa phương tăng cường công tác thông tin, xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về thực hiện phong trào, khơi dậy ý thức trách nhiệm cộng đồng, tinh thần tiết kiệm trong mỗi người dân,... nhằm nhân rộng, lan tỏa trong đời sống xã hội những giá trị tốt đẹp, đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/xay-dung-doi-song-van-hoa-toan-dan-phai-chung-tay-88417.html