Xây dựng đời sống văn hóa gắn với Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc vùng Tây Bắc

Phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' (TDĐKXDĐSVH) ở các tỉnh Tây Bắc với những cách làm sáng tạo đã thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào.

(Cinet) – Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) ở các tỉnh Tây Bắc với những cách làm sáng tạo đã thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào.

Nói đến văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc là nhắc đến kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc. Được hình thành từ nhiều đời, gắn với đời sống, sản xuất và quá trình di chuyển trong lịch sử, nên văn hóa truyền thống của đồng bào còn là kho tàng tri thức bản địa. Theo dòng chảy lịch sử, văn hóa truyền thống của đồng bào chịu tác động của nhiều yếu tố, nhất là sự sâm lấn của văn hóa ngoại và những thay đổi về điều kiện sản xuất do biến đổi khí hậu đã làm cho văn hóa truyền thống đang trở nên mai một. Trước tình hình và yêu cầu đặt ra, Phong trào TDĐKXDĐSVH ở các tỉnh Tây Bắc với những cách làm sáng tạo đã thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào; đồng thời lấy văn hóa truyền thống làm hạt nhân để xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, văn minh, phù hợp với yêu cầu xây dựng đất nước trong tình hình mới.

Một trong những giải pháp trong thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH xây dựng đời sống văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là hình thành, duy trì và tổ chức tốt hoạt động của Câu lạc bộ (CLB). Với đặc thù sinh hoạt văn hóa cộng đồng với thiết chế văn hóa hiện có, hoạt động CLB đã cho thấy rất hiệu quả bằng nhiều hình thức khác nhau như; sinh hoạt văn hóa thông qua các buổi giao lưu nghệ thuật dân ca, tổ chức các lớp học chữ viết của đồng bào dân tộc Thái, dân tộc Mông. Tổ chức các cuộc thi hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, thi kể chuyện dân gian bằng chữ viết của đồng bào; trưng bày và giới thiệu các mô hình lễ hội dân gian gắn với giới thiệu các kinh nghiệm dân gian trong sản xuất, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường thiên nhiên. Nhờ vậy, các hoạt động của CLB luôn phong phú, gắn bó được các thành viên tham gia và thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Điều đặc biệt, hoạt động của CLB đã thu hút được một bộ phận lớn thành viên trong độ tuổi thanh thiếu niên tham gia nên phát huy được sức lan tỏa đến mọi tầng lớp trong cộng đồng. Hoạt động của CLB không chỉ khôi phục, phát triển các giá trị truyền thống của văn hóa bản địa mà làm cho cộng đồng yêu tiếng nói, chữ viết, những tập tục văn hóa tốt đẹp, điều chỉnh các hành vi theo chuẩn mực đạo đức, nhất là trách nhiệm trong việc giữ gìn môi trường thiên nhiên, xây dựng tinh thần đoàn kết, cùng giúp nhau phát triển kinh tế.

Cùng với các hoạt động CLB, Phong trào TDĐKXDĐSVH còn tập trung khai thác, phát huy những giá trị của tri thức bản địa về y học như các phương pháp chữa bệnh theo bài thuốc dân gian; trong lựa trọn hình thức sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên; trong bảo vệ và chăm sóc vốn rừng; trong giáo dục con, cháu tuân theo đạo hiếu truyền thống. Thông qua việc phát huy tri thức bản địa, để tiếp tục tìm tòi, phát triển kinh nghiệm dân gian thành tri thức mới, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bổ sung, hoàn thiện, nâng tầm tri thức dân gian thành tri thức thời đại. Nhờ vậy mà một số lượng lớn các tác phẩm văn học dân gian, kinh nghiệm dân gian được phiên dịch từ chữ viết của đồng bào dân tộc Thái, Mông được phổ biến trong các hoạt động của CLB, tạo ra nét đặc sắc, làm sinh động các hoạt động văn hóa, giúp cộng đồng hiểu sâu sắc hơn nữa về truyền thống lịch sử của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh việc bảo tồn, phát triển văn hóa phi vật thể, những công trình kiến trúc văn hóa cũng được đồng bào quan tâm bảo vệ, tôn tạo để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Từng công trình đều được gắn và phân trách nhiệm rõ cho nhóm cộng đồng quản lý, bảo vệ, kịp thời tôn tạo từ chính nguồn lực đóng góp của cộng đồng. Do vậy, hầu hết điểm di sản văn hóa, kiến trúc văn hóa đều được cộng đồng giữ gìn như tài sản của mình; bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội và các CLB thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề tại đây, vì vậy các hoạt động của Phong trào TDĐKXDĐSVH không chỉ phát huy rất tốt giá trị giáo dục mà còn giúp cho chính cộng đồng nâng cao được ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa vật thể và coi đó là bổn phận của bản thân, của cộng đồng.

Lên với vùng Tây Bắc, cùng với nét đặc trưng của tình người, tình đất nơi đây, với những sản vật vô cùng phong phú thì văn hóa Tây Bắc là một trong những “đặc sản” không thể lẫn vào đâu được. Rõ ràng điều này không thể tự nhiên mà có, mà chính là ý thức, sự sáng tạo trong triển khai thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH, biết đặt nội dung Phong trào để khơi dậy lợi thế về giá trị văn hóa truyền thống là cách làm hay của cán bộ làm công tác Phong trào ở nơi đây. Với những kết quả đạt được, thiết nghĩ rất cần được nghiên cứu, đút rút thành kinh nghiệm, kiến thức để phổ biến, nhân rộng góp phần nâng cao hiệu quả Phong trào trong cả nước./.

Lê Thị Thảo

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/van-hoa-co-so/xay-dung-doi-song-van-hoa-gan-voi-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-cac-dan-toc-vung-tay-bac-354917.html