Xây dựng đội ngũ cán bộ xứng tầm, đáp ứng yêu cầu hội nhập

'Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí'…

Đó là chân lý đó đã được minh định từ ngàn xưa. Đến thời hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn coi “đầu tiên là công việc đối với con người” và “Vì lợi ích trăm năm trồng người”, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Những ngày mùa thu lịch sử tháng Tám của 73 năm về trước, chớp lấy thời cơ lịch sử, Việt Minh đã lãnh đạo toàn dân vùng lên giành chính quyền. Chỉ trong 2 tuần, chính quyền cách mạng được thành lập trong cả nước. Chế độ thực dân, phong kiến đã tồn tại hàng trăm năm bỗng chốc sụp đổ trước làn sóng cách mạng long trời lở đất. Khi so sánh tương quan lực lượng, nhiều nhà sử học trong và ngoài nước không khỏi ngạc nhiên bởi lực lượng cách mạng quá non trẻ, thô sơ phải đối đầu với các thế lực thực dân, phát xít, phong kiến mạnh gấp bội phần.

Ấy là nhờ đội ngũ cán bộ của Việt Minh đã thấm nhuần đường lối, phương pháp cách mạng và nắm bắt được nguyện vọng, khơi dậy được ý chí và nguồn sức mạnh của toàn dân tộc. Những cán bộ Việt Minh – hầu hết đều còn rất trẻ, được vũ trang bởi lòng yêu nước và quyết tâm giành độc lập, tự do, đã huy động được sức mạnh của toàn dân tộc vào cuộc chuyển mình của lịch sử.

Trong sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước cũng vậy. Ngay khi cuộc kháng chiến chống Pháp mới bắt đầu, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang để chống giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định phải đào tạo đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp kiến quốc. Từ những năm 1946-1947, trong hoàn cảnh vận nước gian nan, sự nghiệp kháng chiến đứng trước những thử thách hiểm nghèo nhưng đã hình thành một số trường thiếu sinh quân.

Từ những chiếc nôi này, từ năm 1950, nhiều học sinh lên đường sang nước bạn Trung Quốc nhập học tại Khu học xá Trung ương (đóng tại tỉnh Quảng Tây); một số khác sang Liên Xô và các nước Đông Âu để được đào tạo qua nhiều bậc học… Tiếp đến những năm 1960, thêm nhiều lớp thanh niên, học sinh được đưa đi đào tạo tại các nước bạn. Sau này, họ đều trở thành những người hữu ích, góp phần không nhỏ và thắng lợi của sự nghiệp thống nhất, kiến thiết đất nước.

Được giáo dục, rèn luyện và thấm nhuần lí tưởng, vững vàng niềm tin, họ không chỉ gương mẫu, xông pha đi đầu, đối diện và vượt qua thử thách mà còn huy động, dẫn dắt quần chúng hăng hái góp sức mình vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Thực tế đó là bài học về xây dựng đội ngũ cán bộ, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo cách mạng tiền bối. Từ những lớp bồi dưỡng của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, đến những trường thiếu sinh quân, Khu học xá Nam Ninh, các trường học trong và ngoài nước… đặc biệt là thông qua thực tiễn công tác, chiến đấu, sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ qua các thời kì là nền tảng của những thành tựu to lớn trong sự nghiệp chấn hưng dân tộc, dựng xây đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bên cạnh những thuận lợi còn có nhiều khó khăn, thách thức. Nghị quyết Hôi nghị Trung ương 7 (khóa XII) xác định rõ: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững.

Trong mọi đường hướng phát triển, các quốc gia đều coi con người là trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động cơ của sự phát triển. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khẳng định, trong công tác cán bộ, phải tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, thường xuyên đổi mới công tác cán bộ phù hợp với tình hình thực tiễn. Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới; thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân; đặt trong tổng thể của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài.

Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu tổng quát: Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc…

Muốn đạt được mục tiêu trên, công tác cán bộ giữ một vai trò cực kì quan trọng, đặt ra nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ. Theo đó, Đại hội XII của Đảng xác định phải: Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo hướng mở, hội nhập, xây dựng xã hội học tập, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân…

Nhìn sang các nước láng giềng, những hình mẫu thành công như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… đều đặc biệt coi trọng nhân tố con người trong mọi chính sách phát triển. Có tầm nhìn, chiến lược phù hợp để chăm lo sự nghiệp “trồng người”, xây dựng đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của mỗi nước.

Do vậy, công tác cán bộ trong những năm tới cần bám sát nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, đào tạo cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, tham khảo, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm của những nước tiên tiến để xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự vừa hồng, vừa chuyên trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phải chớp lấy thời cơ cách mạng công nghiệp 4.0.

Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới; thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân; đặt trong tổng thể của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài.

An Khang

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/19-8-xay-dung-doi-ngu-can-bo-xung-tam-dap-ung-yeu-cau-hoi-nhap-506455/