Xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra 'công tâm, thạo việc' theo tư tưởng Hồ Chí Minh

'Công tâm, thạo việc' vừa là yêu cầu cơ bản, vừa là biểu hiện rõ nhất của người cán bộ cách mạng 'vừa hồng, vừa chuyên' theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề này đã, đang và sẽ là kim chỉ nam cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra trong tình hình mới.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ “công tâm, thạo việc”

Kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm của V.I.Lênin về xây dựng đội ngũ cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, sau khi đã có đường lối, chủ trương đúng đắn, thì quyết định thắng lợi của cách mạng là vấn đề cán bộ, bởi: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1). Từ đó, Người đặt ra yêu cầu rất cao về phẩm chất và năng lực của cán bộ. Một trong những phẩm chất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra đối với người cán bộ là phải “công tâm”, Người cho rằng: “Về tư cách mà nói, mỗi người một tư cách khác nhau: Một số là những người tài giỏi; một số là những bậc lão thành, có danh vọng được nhân dân tín nhiệm. Tuy vậy, họ giống nhau ở chỗ đều là những nhân sĩ thiết tha yêu nước, liêm khiết, trung thực, công tâm”(2). Để cán bộ thực sự “thạo việc”, trong tác phẩm "Đời sống mới", Người vừa chỉ ra biểu hiện của sự “công tâm” và vừa chỉ ra phương thức làm việc của người cán bộ làm sao để đảm bảo sự công tâm: “Mình là người làm việc công, phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình. Phải trung thành với Chính phủ, với đồng bào. Chớ lên mặt làm quan cách mệnh”(3).

Người còn yêu cầu đội ngũ cán bộ không những phải “công tâm” mà còn phải “thạo việc”; nói cách khác, họ phải có cả phẩm chất và năng lực - vừa “hồng”, vừa “chuyên”, Người nhấn mạnh: “Cán bộ của làng phải là người trong sạch, công bình, thạo việc, có thể làm gương cho dân làng; có thể hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung”(4). Thạo việc ở đây được thể hiện trước hết ở phong cách lãnh đạo, quản lý; phương thức làm việc khoa học và luôn đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ; trái hẳn với việc đòi hỏi phải làm theo như kiểu rập khuôn máy móc; càng không phải là cách làm việc hình thức, qua loa, mà là đòi hỏi sự gương mẫu rất cao độ, rất sáng tạo và rất cầu thị của mỗi cán bộ; năng lực này trở thành yêu cầu cấp thiết trong đời sống chính trị - xã hội hiện nay.

Ở những lĩnh vực khác nhau, đối tượng khác nhau, Người cũng chỉ ra cách thức để làm việc hiệu quả. Đối với cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hiện cho được nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách: “Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn”(5). Đối với cán bộ quân sự, Người huấn thị: “Người khéo dùng binh do phán đoán mà biết trước ai thắng ai bại. Người cầm quân bên nào tốt bên nào xấu, tướng bên nào giỏi, quân lại, bên nào thạo việc hơn, lượng tiền bên nào đầy đủ hơn, binh lính bên nào luyện tập hơn, bộ đội bên nào chỉnh tề hơn, xe ngựa bên nào khoe khoang hơn, hình thế bên nào hiểm trở hơn, nhân dân bên nào đồng lòng hơn. Do đó có thể phán đoán bên nào thắng bên nào bại”(6). Đối với cán bộ quản lý hợp tác xã, Người hướng dẫn: “Cách làm việc của tổ đại khái như sau: Ai thạo việc gì, chuyên làm việc ấy; làm thì làm tập thể. Như vậy, đã nâng cao được năng suất, lại tiết kiệm được sức lao động... Mà được như thế, là vì cán bộ công bằng, không tự tư tự lợi. Đó là một gương mẫu về tổ chức và lãnh đạo, mà tất cả cán bộ ta ở nông thôn cần noi theo, để đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống của nhân dân”(7). Đối với thanh niên, Người chỉ dẫn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”(8). Đối với cán bộ thanh tra, một mặt, Người đánh giá rất cao nhiệm vụ của ngành: “Thanh tra là một nhiệm vụ vẻ vang và quan trọng; nó theo dõi, xem xét việc chấp hành đúng đắn đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ”(9); mặt khác, Người cũng đặt ra yêu cầu rất cao về phẩm chất và năng lực của đội ngũ này: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”(10).

2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh “công tâm, thạo việc” vào xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra trong tình hình mới

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”, trước hết là phải “công tâm, thạo việc” đang là mối quan tâm hàng đầu, quyết định sự sống còn của Đảng và Nhà nước ta, trong đó có ngành Thanh tra, nhất là khi: “Phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và việc đào tạo, sử dụng cán bộ còn nhiều mặt hạn chế. Tính thượng tôn pháp luật, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm”(11); đặc biệt, trong bối cảnh năm 2020 toàn Đảng đang chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng lại càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra “công tâm, thạo việc” theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau.

Một là, quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh “công tâm, thạo việc” vào xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra. Tiếp tục nghiên cứu nội dung, yêu cầu, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra “công tâm, thạo việc” theo tư tưởng Hồ Chí Minh để vận dụng và đưa vào nghị quyết, chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ của toàn ngành. Trong đó, cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ Thanh tra, để cán bộ Thanh tra nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò trách nhiệm của mình, thực sự là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận đấu tranh chống tiêu cực, tổ chức và hướng dẫn cho nhân dân thực hiện đúng kỷ cương, chấp hành pháp luật Nhà nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hai là, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong ngành Thanh tra. Phát huy vai trò tiền phong của tổ chức Đảng, nêu cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ chủ trì và đảng viên chủ chốt; thường xuyên phát động phong trào thi đua yêu nước trong ngành, nhân lên điển hình tiên tiến, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống và nâng cao trình độ mọi mặt gắn liền với khuyến khích lợi ích vật chất, tinh thần cho cán bộ, thanh tra viên.

Ba là, tích cực, bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ cán bộ thanh tra hiện có và sớm có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ thanh tra kế cận để sử dụng lâu dài. Nhất quán và thực hiện nghiêm nhiệm vụ hàng đầu trong các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”(12) trong ngành Thanh tra. Trong công tác này phải đổi mới phương thức, tuyển dụng theo phương châm bám sát yêu cầu nhiệm vụ, rèn luyện thử thách qua hoạt động thực tiễn, nâng cao trình độ lý luận chính trị, giác ngộ đạo đức cách mạng, hiểu biết pháp luật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, gắn lý thuyết với thực hành. Tăng cường phối hợp giữa các bộ phận, trong cơ quan, trong ngành, giữa các Đoàn thanh tra, các tổ chức thanh tra với các cơ quan điều tra, cơ quan bảo vệ pháp luật, trao đổi phổ biến kinh nghiệm hoạt động, xây dựng cơ chế phối hợp trong hoạt động thanh tra, điều tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bốn là, gắn các hoạt động thanh tra, điều tra với công tác đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ thanh tra; lựa chọn người có đủ đức, đủ tài vào phụ trách các công việc chủ chốt, mũi nhọn để phát huy ảnh hưởng tích cực trong cơ quan, đơn vị. Bồi dưỡng cán bộ thanh tra có phương pháp tư duy biện chứng khi tiến hành các hoạt động công vụ, nghệ thuật ứng xử, giao tiếp với dân; trình độ hiểu biết xã hội, nhận thức pháp luật nói chung và các văn bản qui định của ngành thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, để cán bộ thanh tra tự tin khi giao tiếp với nhân dân.

Tài liệu tham khảo:

(1), (3), (4), (5), (6), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.309; tr.123; tr.119-120; tr.315; tr.699; tr.473

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, tr.482

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, tr.112

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, tr.622

(9) Sđd, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, tr.35

(11), (12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.263; tr.51

TS. Hà Sơn Thái

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/xay-dung-doi-ngu-can-bo-thanh-tra-cong-tam-thao-viec-theo-tu-tuong-ho-chi-minh_t114c67n158663