Xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn bản lĩnh, giỏi nghề

Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động để thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động, vì người lao động

Bên cạnh việc ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam cũng đã phê chuẩn 6/8 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Các tiêu chuẩn lao động quốc tế có ý nghĩa rất lớn với người lao động (NLĐ) và tổ chức Công đoàn (CĐ). Việc thực hiện các tiêu chuẩn này mang lại nhiều lợi ích và quyền cơ bản cho NLĐ, đồng thời thúc đẩy hoạt động của tổ chức CĐ đi vào thực chất, mang lại nhiều lợi ích cho đoàn viên. Đó là nhận định của các đại biểu tại hội thảo "Vai trò của tổ chức CĐ trong bối cảnh thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam", do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức mới đây tại TP HCM.

Cơ hội đan xen thách thức

Chia sẻ với đội ngũ cán bộ CĐ, ông Mai Đức Chính, nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết việc Việt Nam gia nhập CPTPP và EVFTA góp phần tăng nhanh số lượng lao động và doanh nghiệp (DN). Đây sẽ là nguồn phát triển đoàn viên và CĐ cơ sở dồi dào cho tổ chức CĐ. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, quan hệ lao động cũng sẽ diễn biến phức tạp hơn, NLĐ sẽ có nhu cầu được tổ chức CĐ quan tâm đến đời sống, việc làm; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức CĐ tập hợp, vận động NLĐ tham gia tổ chức của mình.

Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo

Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo

Việc tham gia các hiệp định cũng đòi hỏi hệ thống pháp luật của nước ta phải hoàn thiện, phù hợp thông lệ quốc tế. Trong đó, những quy định về quyền và nghĩa vụ không chỉ của NLĐ mà còn của DN, các cơ quan quản lý nhà nước về lao động đòi hỏi phải minh bạch và bảo đảm thực hiện nghiên túc, hiệu quả, nhờ đó CĐ phát huy được vai trò, hoạt động thuận lợi và thực hiện chức năng, nhiệm vụ tốt hơn. Tình hình mới cũng là cơ hội để tổ chức CĐ tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để có thể thu hút, tập hợp NLĐ vào tổ chức của mình.

Theo các đại biểu, song hành với các cơ hội, CĐ Việt Nam sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức trong bối cảnh mới. Cụ thể, số lượng đoàn viên, CĐ cơ sở có nguy cơ tăng chậm hơn trước. Một số địa bàn có khả năng giảm sút do có sự cạnh tranh giữa CĐ và các tổ chức đại diện NLĐ sắp được thành lập. "Thực tế, việc tuyên truyền, vận động thành lập CĐ cơ sở ở DN gặp khó khăn vì họ chờ cơ hội để thành lập tổ chức đại diện NLĐ, trong khi một số nhân tố theo đuổi mục tiêu thành lập tổ chức đại diện NLĐ nằm ngoài hệ thống CĐ có tư tưởng sai lệch, không thiện chí, cố tình tìm mọi cách chống phá để hạ thấp uy tín của tổ chức CĐ. Đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với tổ chức CĐ trong thời gian tới" - ông Mai Đức Chính phân tích.

Phải có cơ chế bảo vệ cán bộ Công đoàn

Trước những cơ hội và thách thức của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, theo các đại biểu, CĐ Việt Nam phải liên tục đổi mới để khẳng định giá trị và trở thành chỗ dựa vững chắc cho NLĐ.

Theo ông Lê Công Lập, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Shilla Bags International (tỉnh Long An), ưu tiên hàng đầu là xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ bản lĩnh, có kiến thức, trình độ chuyên môn, có tâm, có tầm. "Nên lựa chọn những người có kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở bởi họ là người hiểu rõ nhất tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của NLĐ và thực hiện có hiệu quả hơn việc thương lượng, đối thoại với giới chủ. Tự thân cán bộ CĐ cũng phải có ý thức trau dồi, nâng cao kiến thức và bản lĩnh chính trị để đáp ứng yêu cầu thực tiễn" - ông Lập góp ý.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Long An, chỉ ra rằng để thu hút những người có trình độ, tâm huyết làm việc cho tổ chức CĐ, cần có cơ chế bảo vệ cán bộ CĐ hiệu quả. "Nhiều cán bộ CĐ cơ sở có năng lực khi được chúng tôi thuyết phục trở thành cán bộ chuyên trách đã từ chối vì lo sợ nếu không trúng cử sẽ phải đối mặt với nguy cơ không có việc làm, mất thu nhập. Do vậy, nếu được bảo vệ tốt, họ sẽ toàn tâm toàn ý cho công việc" - bà Thúy phân tích. Cũng theo bà Thúy, số lượng cán bộ CĐ trong biên chế còn hạn chế trong khi khối lượng áp lực công việc khá lớn. Do vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần cho phép tuyển thêm lao động hợp đồng để có thể thực hiện tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.

Ông NGỌ DUY HIỂU, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:

Cán bộ Công đoàn phải là một chuyên gia thương lượng

Để thực hiện các công ước đã ký kết, nhiều tiêu chuẩn lao động quốc tế đã được Việt Nam đưa vào Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua ngày 20-11-2019. Cụ thể, đối với nhóm công ước về tự do hiệp hội và quyền thương lượng tập thể (Công ước 87 và 98), Bộ Luật Lao động có nội dung quy định về thành lập tổ chức của NLĐ tại DN và bổ sung nguyên tắc tự nguyện trong thương lượng tập thể và bỏ quy định vai trò đại diện đương nhiên của CĐ cấp trên cơ sở. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với sự hiện diện của nhiều tổ chức đại diện cho NLĐ, để củng cố và phát huy hơn nữa vai trò của CĐ trong bảo vệ quyền, lợi ích của NLĐ, xử lý thỏa đáng và kịp thời các vấn đề nảy sinh trong lĩnh vực lao động, việc làm, quan hệ lao động, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước, CĐ sẽ phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ. Trước tiên là phải nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ CĐ các cấp, họ phải thực sự là thủ lĩnh của công nhân lao động, nhất là ở cấp cơ sở. Cán bộ CĐ trong bối cảnh hội nhập phải là một chuyên gia về thuyết phục, tư vấn, thương lượng, đối thoại và dẫn dắt NLĐ.

Bài và ảnh: MAI CHI

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/xay-dung-doi-ngu-can-bo-cong-doan-ban-linh-gioi-nghe-20191126205432817.htm