Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và bản lĩnh chính trị

Theo VKSND tối cao, mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng là nhằm trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ; đồng thời nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, bản lĩnh chính trị và năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND theo quy định của pháp luật.

Trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ

VKSND tối cao vừa có công văn gửi thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng các VKSND cấp cao và Viện trưởng VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị góp ý kiến đối với dự thảo Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành KSND.

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Quy chế nêu rõ: Quy chế này quy định về đối tượng, mục tiêu, nội dung và việc quản lý, tổ chức, thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo hợp đồng không xác định thời hạn trong ngành KSND.

Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức VKSND các cấp; viên chức của các đơn vị sự nghiệp thuộc VKSND tối cao.

Việc cử đi đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ VKS quân sự các cấp được thực hiện theo Quy chế đào tạo, bồi dưỡng của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các quy định tại Quy chế này.

Người lao động trực tiếp làm các công việc quy định tại Điều 1 Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp mà được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì được tham gia học tập, bồi dưỡng theo yêu cầu của cơ quan, đơn vị sử dụng người lao động.

Về mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, theo dự thảo Quy chế là nhằm trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức và hoạt động nghề nghiệp của viên chức; nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, bản lĩnh chính trị và năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND theo quy định của pháp luật.

Phù hợp với nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực ngành KSND

Về nguyên tắc đào tạo, bồi dưỡng, dự thảo Quy chế nêu rõ: Đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm; gắn với công tác sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của ngành KSND.

Đào tạo, bồi dưỡng được xác định là một công tác quan trọng để nâng chất đội ngũ cán bộ trong ngành KSND

Đào tạo, bồi dưỡng được xác định là một công tác quan trọng để nâng chất đội ngũ cán bộ trong ngành KSND

Thực hiện cơ chế phân cấp trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật và của ngành KSND; xác định rõ trách nhiệm của từng cấp VKS, từng đơn vị và cơ chế phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Việc chọn, cử và quản lý công chức, viên chức đi học được thực hiện công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ, đề cao ý thức tự học và việc lựa chọn chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức.

Đơn vị giới thiệu công chức, viên chức đi học phải đảm bảo việc đi học của công chức, viên chức không làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị. Số lượng công chức, viên chức đi học trong giờ hành chính của mỗi đơn vị trong cùng 1 năm không vượt quá 20% tổng số biên chế hiện có của đơn vị; đối với hình thức đào tạo tại chức và hình thức đào tạo không tập trung thì không vượt quá 25% tổng số biên chế hiện có của đơn vị.

Khuyến khích việc tự học tập của cán bộ, công chức, viên chức; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng theo quy hoạch; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số hoặc đang công tác tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Khuyến khích công chức, viên chức, người lao động đăng ký học các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong nước học ngoài giờ hành chính và tự túc kinh phí đào tạo, bồi dưỡng. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với vị trí việc làm hiện tại hoặc phù hợp với yêu cầu công tác của đơn vị.

Tăng cường quan hệ hợp tác với các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở trong nước và ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Cũng theo dự thảo Quy chế, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đó là kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, phát huy tính tự giác, chủ động và tư duy sáng tạo của người học, tăng cường trao đổi thông tin, kiến thức và kinh nghiệm giữa giảng viên với học viên và giữa các học viên; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghề thông qua thực hành công việc.

Ngoài các nội dung trên, dự thảo Quy chế còn đề cập đến các nội dung khác như: Hình thức, nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng; yêu cầu đối với chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức biên soạn chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và giảng viên; quyền lợi, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và kinh phí đào tạo, bồi dưỡng; việc quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng…

Công văn của VKSND tối cao nêu rõ: Đề nghị các đơn vị, VKSND các cấp góp ý kiến bằng văn bản vào dự thảo Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành KSND và gửi về VKSND tối cao (qua Vụ Tổ chức cán bộ) trước ngày 14/10/2019 để tổng hợp, hoàn thiện Quy chế và báo cáo Lãnh đạo VKSND tối cao xem xét, quyết định.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/xay-dung-doi-ngu-can-bo-chuyen-nghiep-du-pham-chat-va-ban-linh-chinh-tri-76740.html