Xây dựng đô thị thông minh: Xu thế tất yếu

Cùng với việc số hóa công tác quản lý, TP. Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng thành phố thông minh nhằm tạo ra các kết nối trong giải quyết thủ tục hành chính, giảm chi phí giao dịch, minh bạch thông tin...

Băn khoăn của nhà đầu tư

Theo ông Matthew Lourey - Chủ tịch Hiệp hội thương mại Australia tại Việt Nam - nhà đầu tư luôn lo ngại tình trạng giao thông, tiến độ chậm trễ của dự án tàu điện ngầm. Nếu không giải quyết được những vấn đề này thì mong muốn đặt cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh của nhà đầu tư nước ngoài có khả năng sẽ giảm.

Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông thông minh

Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông thông minh

Đồng quan điểm, Phó Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Thương mại Tây Ban Nha tại TP. Hồ Chí Minh - ông Carlos Dominguez Agulleiro - cho rằng, nếu tình trạng thiếu chỗ đỗ xe không được cải thiện, tắc nghẽn giao thông ngày càng tăng nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ không chọn TP. Hồ Chí Minh là điểm đến bởi các hạn chế nêu trên sẽ làm DN tăng chi phí sản xuất, chi phí logistics...

Bên cạnh đó, hạ tầng của khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) cũng không được nhà đầu tư đánh giá cao. Về vấn đề này, đại diện Ban quản lý các KCX - KCN TP. Hồ Chí Minh thừa nhận, phần lớn KCX - KCN của thành phố thành lập từ thập niên 90 của thế kỷ trước nên hệ thống tiếp nhận và xử lý chất thải nói chung đã khá lạc hậu, gây khó cho DN hoạt động. Ngoài ra, hạ tầng phía ngoài KCX - KCN cũng đang bị quá tải.

Nâng cao sức cạnh tranh

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tại buổi gặp gỡ với các hiệp hội DN nước ngoài và DN FDI mới đây, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh thành phố sẽ ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng đô thị thông minh, giúp giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của DN, nhà đầu tư.

Cùng với Đề án đô thị thông minh, thành phố cũng xây dựng Kiến trúc chính quyền điện tử để có thể phục vụ người dân, DN tốt nhất các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính. Đến nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến mà thành phố áp dụng là 767 dịch vụ (mức độ 3: 655 dịch vụ; mức độ 4: 112 dịch vụ). TP. Hồ Chí Minh đã triển khai và kết nối liên thông văn bản điện tử tại 753 điểm, với số lượng văn bản điện tử liên thông hơn 3,6 triệu văn bản...

Về cơ sở hạ tầng giao thông thông minh, ngay từ đầu năm 2019, thành phố đã đưa vào hoạt động thử nghiệm trung tâm giám sát và điều khiển giao thông thông minh chia sẻ dữ liệu của 762 camera giám sát. Ngoài ra, trung tâm còn thu thập thông tin của 67.000 dữ liệu GPS (giám sát hành trình) của các loại xe kinh doanh vận tải như xe buýt, xe tải… Thời gian tới, Sở Giao thông vận tải sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng (ETC) thông qua nhận diện thẻ Etag; liên thông và thanh toán liên ngân hàng tại ba trạm thu phí BOT trên địa bàn.

PGS-TS. Lê Hoài Quốc - Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh:Để có thể xây dựng thành công thành phố thông minh, cần tìm hiểu mong muốn của người dân, DN; hình thành khung kiến trúc cụ thể.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xay-dung-do-thi-thong-minh-xu-the-tat-yeu-118058.html