Xây dựng đô thị thông minh: Giải pháp cho các vấn đề đô thị

Tốc độ đô thị hóa gia tăng mạnh mẽ kéo theo những áp lực lớn về ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng hay ô nhiễm môi trường. Sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông (ICT) và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động của dịch vụ đô thị và hóa giải những thách thức kể trên - là cách đang được nhiều nước tiến hành. Các đô thị Việt Nam cũng cần đi theo hướng này.

Sử dụng công nghệ thông tin là cách được nhiều nước tiến hành để hóa giải thách thức của đô thị hóa. Ảnh: Thái Hiền

Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam quá nhanh

Theo dự báo, đến năm 2050, 70% dân số thế giới sẽ sống ở các đô thị. Tại Việt Nam hiện có 813 đô thị (2 đô thị đặc biệt, 19 đô thị loại I, 23 đô thị loại II và hơn 700 đô thị loại III, IV, V) với tỷ lệ đô thị hóa đang tăng rất nhanh, khoảng 37,5%. Trong đó, chỉ riêng hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã chiếm xấp xỉ 30% dân số đô thị trên toàn quốc. Điều này đang tạo áp lực vô cùng lớn lên hệ thống công trình cơ sở hạ tầng và không gian sống.

So với các nước trong khu vực, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam có tốc độ khá cao, cả về quy mô, số lượng. Song đáng lưu ý là, chất lượng tăng trưởng đô thị chưa cao, thể hiện rõ nét qua nhiều mặt như: Hệ thống hạ tầng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, dân số; chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân và các hoạt động kinh tế. Khả năng ứng phó biến đổi khí hậu của các đô thị chưa cao. Bên cạnh đó, công tác quản lý phát triển đô thị chưa hiệu quả; năng lực quản lý đô thị các cấp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển...

Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng lợi thế của công nghệ thông tin và truyền thông, hướng tới mô hình đô thị thông minh được xem là giải pháp hiệu quả mà cả Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cũng như một số tỉnh, thành phố tại Việt Nam đang thực hiện. Bộ Xây dựng cho biết, đến thời điểm này, đã có gần 20 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đang triển khai hoặc khởi động các đề án về đô thị thông minh như: Đà Nẵng, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Nguyên, Kiên Giang...

Hướng tới đô thị thông minh và bền vững

Tại hội thảo “Xây dựng đô thị thông minh - hướng đến phát triển bền vững” do Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) phối hợp với Công ty Sơn AkzoNobel tổ chức mới đây, ông Larry Ng - Giám đốc Phát triển kiến trúc và Thiết kế đô thị (Cục Tái thiết phát triển đô thị - Bộ Phát triển quốc gia Singapore) đã chia sẻ những kinh nghiệm, bài học về giải pháp xây dựng mô hình đô thị thông minh của Singapore - một trong những quốc gia tiên phong trong ứng dụng giải pháp đô thị thông minh và đã đạt được nhiều thành tựu. Ông Larry Ng cho rằng, phát triển đô thị thông minh không thể áp dụng nguyên mô hình của thành phố này sang thành phố khác, của đất nước này sang đất nước khác. Bởi mỗi nơi có điều kiện, môi trường, văn hóa khác nhau. Do đó, cần hiểu rõ người dân thành phố đó cần gì, các điều kiện nội tại của thành phố, để đưa ra giải pháp thích hợp nhất.

Trên thế giới, nhiều thế hệ thành phố thông minh đã được các nước lựa chọn xây dựng phù hợp với điều kiện nội tại: Thành phố Stockhom (Thụy Điển) sử dụng ứng dụng giao thông thông minh vào giờ cao điểm đã làm giảm lưu lượng giao thông 20%, giảm thời gian đi lại gần 50%, giảm phát thải khí nhà kính 10%. Thành phố thông minh Barcelona (Tây Ban Nha) đã tiết kiệm 47 triệu USD/5 năm cho chiếu sáng, thu thêm 67 triệu USD phí đỗ xe, tiết kiệm 199 triệu USD nhờ làm việc từ xa, tạo thêm 1,6 tỷ USD doanh thu di động, tạo mới 56 nghìn việc làm, thu hút 1.500 công ty mới...

Ông Trần Quốc Thái - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết: Có 3 giai đoạn phát triển đô thị thông minh: Hiện đại hóa đô thị áp dụng các gói giải pháp ICT; Phát triển đô thị thông minh phục vụ các tầm nhìn, mục tiêu của Nhà nước và giai đoạn 3 chú trọng sự tham gia của người dân, hướng tới phát triển đô thị thông minh bền vững. Tại Việt Nam, một số thành phố đang ở giai đoạn 2 của tiến trình này. Ông Trần Quốc Thái cũng cho biết thêm, Bộ Xây dựng đang đề xuất Đề án “Phát triển đô thị thông minh Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là đề án quan trọng của quốc gia, cần sự tham gia tích cực của tất cả các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tại Hà Nội, xây dựng thành phố thông minh cũng đang được tích cực triển khai, nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Trong đó, Hà Nội đặt ra nhiệm vụ trong giai đoạn 2016-2020 hoàn thành cơ bản việc xây dựng chính quyền điện tử. Đến nay nền tảng của chính quyền điện tử thành phố đã từng bước được củng cố, hoàn thiện giúp cho bộ máy chính quyền thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Hiện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các mục tiêu như xây dựng trung tâm giám sát điều hành tập trung thành phố, xây dựng hệ thống an toàn an ninh phân tích dữ liệu, phát triển hệ thống giao thông thông minh...

Đô thị thông minh bền vững là đô thị sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao hiệu quả vận hành các dịch vụ cũng như khả năng cạnh tranh của đô thị. Đồng thời, bảo đảm đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về kinh tế, xã hội và môi trường.

Dạ Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/905147/xay-dung-do-thi-thong-minh-giai-phap-cho-cac-van-de-do-thi