Xây dựng di sản xuyên biên giới

Những dãy núi đá vôi trùng điệp ở Phong Nha - Kẻ Bàng tạo nên sự độc đáo về địa chất, địa mạo, môi trường và đa dạng sinh học. Việc xây dựng di sản xuyên biên giới cho chuỗi danh thắng này đang được gấp rút triển khai

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa phê duyệt danh mục cấp quốc gia, đặt hàng "Nghiên cứu xác định giá trị về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học phục vụ xây dựng hồ sơ Di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới của Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) và Khu Bảo tồn quốc gia (BTQG) Hin Nậm Nô (tỉnh Khammuane - Lào)" để tuyển chọn thực hiện theo kế hoạch năm 2020.

"Bảo tàng khoa học"

VQG Phong Nha - Kẻ Bàng trải rộng trên diện tích 123.326 ha thuộc 2 huyện Bố Trạch và Minh Hóa của tỉnh Quảng Bình, hình thành từ 450 triệu năm trước. Phần lớn diện tích VQG là núi đá vôi men theo rừng Trường Sơn vắt qua Khu BTQG Hịn Nậm Nô, hình thành khối núi đá vôi lớn nhất Đông Nam Á. Đây là nơi hội tụ những giá trị về địa chất, địa mạo, khí hậu, sinh học, cảnh quan và văn hóa - lịch sử độc đáo.

GS - nhà địa lý Lê Bá Thảo từng ước tính khối núi đá vôi này rộng đến 10.000 km2, có tuổi địa chất từ 380 triệu đến 240 triệu năm, nằm vắt vẻo trên đỉnh Trường Sơn, nơi có đường biên giới Việt - Lào. Trong đó, phía Quảng Bình, nơi có VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, chiếm gần phân nửa; phần còn lại thuộc Lào.

Từ lâu, các nhà khoa học đã đặt giả thuyết những dãy núi đá vôi trùng điệp và kỳ ảo ở Phong Nha - Kẻ Bàng là một mảnh vỡ của lục địa Úc, bị trôi dạt về phía Bắc. Bằng chứng là vào năm 1980, các nhà khoa học phát hiện tại núi đá vôi ở thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa một loài động vật tay cuộn hóa thạch Úc 30 triệu năm tuổi. Đó là loài veervesia suchana, nguồn gốc vùng Fitzoy phía Tây Bắc Úc.

Năm 1990, Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh bắt đầu các cuộc thám hiểm ở VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và đến nay đã ghi nhận có 369 hang động với tổng chiều dài 220 km. Trong đó, nhiều hang động như Phong Nha, Tiên Sơn, Thiên Đường... được ví như "bảo tàng khoa học", chứa đựng các thông tin về quá trình hình thành lớp vỏ trái đất từ hơn 400 triệu năm và có thể lâu hơn. Những hang động này giữ được nguyên vẹn các giá trị về địa chất - địa mạo, môi trường và đặc biệt có cảnh quan tuyệt đẹp với những khối thạch nhũ kỳ bí, lộng lẫy.

Đáng chú ý, Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới được công bố năm 2009 (dài 9.000 m, cao khoảng 200 m, rộng khoảng 150 m). Sơn Đoòng còn có những giá trị tiêu biểu, ít hang động nào có được: Khu rừng nguyên sinh, ngọc động, hố sụt lớn, hóa thạch hay các loài động vật thân mềm, thủy sinh, khối thạch nhũ khổng lồ được đặt tên là "đại bức tường Việt Nam" (The great wall of Vietnam).

Còn ở động Phong Nha, trong vài buồng đá, các nhà khảo cổ phát hiện một số miếu thờ thần với những bài văn khắc trên đá bằng chữ Chăm cổ. Đây chưa phải là chứng tích cổ duy nhất của con người ở vùng đất này, bởi thế giới hang động ở vùng Kẻ Bàng còn chưa được khám phá hết.

Bên trong các hang động ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nơi có nhiều giá trị về địa chất, địa mạo, môi trường...

Bên trong các hang động ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nơi có nhiều giá trị về địa chất, địa mạo, môi trường...

Bên trong các hang động ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nơi có nhiều giá trị về địa chất, địa mạo, môi trường...

Mở đường hợp tác bảo tồn

Được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2003, Phong Nha - Kẻ Bàng được đặc biệt chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị. Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng nghiên cứu để lập hồ sơ Di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới, kết nối Phong Nha - Kẻ bàng với Hịn Nậm Nô là một bước cụ thể hóa của công tác bảo tồn này.

Theo Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Bình và Khammuane là 2 trong số các tỉnh giữa Việt Nam và Lào tiên phong thúc đẩy việc hợp tác liên biên giới trong vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học. Việc hợp tác giữa VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và Khu BTQG Hin Nậm Nô là nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong tuần tra bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển sinh kế, du lịch...

Năm 1998, Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô chính thức hợp tác. Nhiều năm sau đó, các biên bản, thỏa thuận liên tục được ký kết giữa 2 tỉnh, 2 khu bảo tồn đã tạo ra khung pháp lý vững chắc để hướng tới sự hợp tác sâu sắc, nhằm nâng cao hiệu quả trong bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương của khu vực núi đá vôi mang tính liền kề; đồng thời thảo luận cụ thể về các phương án tăng cường hợp tác mang tính chiều sâu trong công tác quản lý.

Bộ Khoa học và Công nghệ đề ra mục tiêu là đánh giá được tổng thể về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, làm cơ sở để xây dựng hồ sơ Di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới.

Hồ sơ khoa học được tuyển chọn phải đề xuất được các giải pháp bảo tồn và phát triển các giá trị di sản ngoại hạng về địa chất, địa mạo, cảnh quan và đa dạng sinh học…; đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về di sản thiên nhiên thế giới của UNESCO; danh mục các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm ở khu vực.

Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, đánh giá 2 khu bảo tồn liền kề của sinh cảnh đá vôi rộng lớn, liên tục trong khu vực Đông Nam Á có tầm quan trọng đặc biệt. Cả 2 đều chứa đựng những giá trị lớn từ địa chất, địa mạo cũng như cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học mà hiếm nơi nào có được.

"Những giá trị về địa mạo, địa chất, môi trường và đa dạng sinh học cũng như giá trị tiềm ẩn của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã được ghi nhận, công bố trong những báo cáo cụ thể dựa trên các tiêu chí. Đây cũng chính là nhiệm vụ trọng tâm mà chúng tôi hướng tới. VQG Phong Nha - Kẻ Bàng chắc chắn còn tiềm ẩn nhiều điều lý thú về đa dạng sinh học cần nghiên cứu" - ông Thái nhìn nhận.

Đa dạng sinh học

Ngoài những giá trị về địa chất, địa mạo, môi trường, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng còn sở hữu những thông số hàng đầu về mặt đa dạng sinh học. Kết quả nghiên cứu cho thấy thực vật hiện có ở đây là 2.951 loài thuộc 1.006 chi, 198 họ, 62 bộ, 11 lớp, 6 ngành; trong đó 112 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 121 loài trong Sách đỏ IUCN... Có 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 66 bộ, 12 lớp, 4 ngành; trong đó 83 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 110 loài trong Sách đỏ IUCN...

Trong vòng 10 năm nay, các nhà khoa học đã phát hiện thêm nhiều loại động - thực vật quý hiếm xuất hiện ở VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Mới đây, các nhà khoa học đã công bố một loài thú nhỏ được cho là đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm được phát hiện tại khu vực mở rộng của VQG là "hóa thạch sống". Loài này có tên là chuột đá Trường Sơn.

Bài và ảnh: Hoàng Phúc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/xay-dung-di-san-xuyen-bien-gioi-20200306212609421.htm