Xây dựng đề án tổng thể phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Sáng 28-6, Ủy ban Dân tộc (UBDT) và Đại sứ quán Ireland tổ chức Hội thảo tham vấn các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ góp ý nội dung 'Đề án Tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS&MN) và đặc biệt khó khăn (ĐBKK) giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030'.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Phan Văn Hùng khai mạc hội thảo. Ảnh: Bích Nguyên

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Phan Văn Hùng khai mạc hội thảo. Ảnh: Bích Nguyên

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2019, UBDT đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng “Đề án Tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS&MN và vùng KT-XH ĐBKK giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030”.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh của đề án gồm: các xã vùng DTTS, biên giới, bãi ngang. Đối tượng thụ hưởng gồm: thôn, bản, xã, huyện, người dân và hộ gia đình. Đề án có nhiều chính sách tập trung vào 3 lĩnh vực lớn (phát triển kinh tế; văn hóa - xã hội; quốc phòng - an ninh). Đề án được xây dựng với nhiều điểm đổi mới so với cách xây dựng chính sách trước đây như: phân định lại vùng DTTS và miền núi; cách phân bổ vốn; tổng hợp toàn bộ chính sách lại thành 6 Nghị định của Chính phủ và thành lập Ban chỉ đạo Trung ương và địa phương.

Tham gia ý kiến về nội dung đề án, Nhóm công tác về DTTS (EMWG) cho rằng, Đề án hiện đang bám khá sát các Mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam cam kết. Đề án đã đề xuất khá nhiều giải pháp mang tính đổi mới như tổng kết, đánh giá ưu điểm, hạn chế, bất cập của tiêu chí phân định vùng DTTS&MN và vùng KT-XH ĐBKK theo trình độ phát triển, tiếp cận với cách phân định mới; đề xuất nhiều chính sách, cơ chế đặc thù như cơ chế chính sách đặc thù về tuyển dụng, đào tạo, có cơ sở hạ tầng, sinh kế, tăng thu nhập, trồng rừng, bảo vệ rừng, khởi nghiệp kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm….

Đại diện UBDT giới thiệu khái quát đề án. Ảnh: Bích Nguyên

Các đại biểu cũng cho ý kiến về một số điểm cần cải thiện, cần bổ sung trong đề án như: những tác động cụ thể của biến đổi khí hậu, rui ro thiên tai tới tình trạng KT-XH của vùng và nhóm DTTS; các giải pháp giải quyết bất bình đẳng giới; xác định quan điểm xây dựng đề án với những chính sách đặc thù hay chính sách lớn, tổng thể cho vùng DTTS &MN, đồng thời phải có chính sách đặc thù về phụ nữ DTTS...

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xay-dung-de-an-tong-the-phat-trien-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui/