Xây dựng danh mục sách bổ trợ các môn học

Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, đánh giá việc xây dựng danh mục sách tham khảo phục vụ dạy, học trong nhà trường là cơ hội tiềm năng cho các đơn vị xuất bản.

Chiều 15/10, ông Lê Hoàng có cuộc họp với đại diện các đơn vị xuất bản. Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam giới thiệu danh mục chủ đề của các môn học theo từng khối lớp học để các đơn vị cùng xây dựng danh mục sách tham khảo đọc mở rộng trong trường học.

Ông Lê Hoàng cho hay theo khung chương trình giáo dục phổ thông mới, từng lớp, từng môn có những chủ đề riêng. Hội Xuất bản Việt Nam đã dựa theo chủ đề từng môn, từng lớp để xây dựng danh mục chủ đề, gợi ý cho các nhà xuất bản, công ty đề xuất sách phù hợp.

Tuy nhiên, nếu căn cứ theo danh mục chủ đề cụ thể của từng môn ở mỗi khối lớp thì rất khó cho các nhà xuất bản đề xuất tựa sách phù hợp. Bởi vì, một quyển sách có thể có nhiều chủ đề khác nhau và phù hợp nhiều khối lớp.

 Ông Lê Hoàng khuyến khích các đơn vị xuất bản, phát hành tìm hiểu khung chương trình giáo dục phổ thông mới để đề xuất những đầu sách phù hợp. Ảnh: M.N.

Ông Lê Hoàng khuyến khích các đơn vị xuất bản, phát hành tìm hiểu khung chương trình giáo dục phổ thông mới để đề xuất những đầu sách phù hợp. Ảnh: M.N.

Trong cuộc họp, đại diện các nhà xuất bản đã cùng nhau nêu ý kiến và bàn bạc những vấn đề bất cập để cùng xây dựng danh mục chủ đề sách tham khảo trong nhà trường.

Thay vì đề xuất sách tham khảo theo một chủ đề, các đơn vị đề xuất có thể xây dựng một nhóm các chủ đề liên quan, gần gũi với nhau.

"Thay vì mỗi quyển sách, các nhà xuất bản chỉ giới thiệu cho học sinh của một khối lớp nhất định, họ có thể giới thiệu, khuyến nghị theo trình độ đọc của học sinh. Ví dụ, trình độ đọc bậc 1 có thể phù hợp học sinh lớp 1, 2, 3. Sau đó, chúng ta liệt kê những đầu sách của nhóm chủ đề, theo trình độ đọc đó thì nó phục vụ cho bao nhiêu môn học", ông Lê Hoàng nói.

Nếu xây dựng danh mục sách tham khảo theo hướng như vậy thì giáo viên, nhân viên thư viện dễ dàng lọc và giới thiệu cho học sinh. Các nhà xuất bản cũng dễ dàng lập danh mục sách.

Sau cuộc họp này, đại diện các nhà xuất bản và Hội Xuất bản Việt Nam sẽ tiếp tục bàn bạc, xây dựng danh mục sách tham khảo hợp lý để cung cấp nguồn xuất bản phẩm phục vụ cho việc dạy và học.

Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam nhận định các nhà xuất bản rất chú tâm với việc xây dựng danh mục sách tham khảo. Bởi vì, người làm xuất bản luôn nghĩ đến thị trường tiêu thụ sách của mình. Trường học, học sinh cũng là người tiêu thụ. Các nhà xuất bản đang tìm những tựa sách cụ thể đáp ứng nhu cầu của học sinh, giáo viên. Đây cũng chính là công việc khai thác thị trường tiềm năng.

Ông Trần Anh Tuấn, đại diện Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Giáo dục Sài Gòn, hào hứng với việc lập danh mục đầu sách tham khảo phù hợp để đưa vào trường học.

"Lâu nay, các đơn vị xuất bản, phát hành sách rất khó tiếp cận trường học, giáo viên, ngoài Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Thậm chí, chúng tôi tặng sách, giáo viên còn không dám nhận vì sợ. Hiện nay, các công ty, nhà xuất bản đã có cơ hội tiếp cận một cách bình đẳng, miễn là chúng ta có những tựa sách đáp ứng được nhu cầu của giáo viên, nhà trường", ông Tuấn nói.

Minh Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xay-dung-danh-muc-sach-bo-tro-cac-mon-hoc-post1142311.html