Xây dựng đặc trưng văn hóa người Cô Tô

Những năm qua, đời sống văn hóa tinh thần của người dân Cô Tô ngày càng phong phú, những giá trị truyền thống tốt đẹp của người dân huyện đảo được phát huy; không ít giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn… Đó là những kết quả nổi bật của huyện sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Cư dân Cô Tô hiện nay chủ yếu là người dân có gốc từ các đảo của huyện Vân Đồn như Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng hoặc những tỉnh đồng bằng Bắc Bộ nghe theo tiếng gọi “đi xây dựng kinh tế mới” của Nhà nước từ những thập kỷ trước. Những ngày xa xưa ấy, khi Cô Tô mới chỉ là vùng đảo hoang sơ, kinh tế chỉ tập trung vào nghề biển và trồng lúa nước, khi mà mỗi mái nhà còn cách nhau cả một rặng rừng và điện lưới quốc gia còn chưa có, bà con nơi này đã quần tụ nhau và lập nên cộng đồng, và từ đời này qua đời khác, lưu truyền vẹn nguyên những đặc trưng văn hóa của người dân vùng biển: “Ăn to nói lớn” , “Ăn sóng nói gió” mà vẫn hiền lành, hồn hậu và mến khách.

Việc nhặt được của rơi trả lại cho khách đã trở thành "chuyện thường ngày" ở Cô Tô. Trong ảnh: Anh Nguyễn Văn Nam (áo đen) trao trả lại ví tiền cho 1 du khách Hà Nội đánh rơi trước sự chứng kiến của CBCS Công an huyện Cô Tô, ngày 12/6/2019. Ảnh: Hoàng Phương (Trung tâm TT&VH Cô Tô)

Việc nhặt được của rơi trả lại cho khách đã trở thành "chuyện thường ngày" ở Cô Tô. Trong ảnh: Anh Nguyễn Văn Nam (áo đen) trao trả lại ví tiền cho 1 du khách Hà Nội đánh rơi trước sự chứng kiến của CBCS Công an huyện Cô Tô, ngày 12/6/2019. Ảnh: Hoàng Phương (Trung tâm TT&VH Cô Tô)

Trở lại với Cô Tô sau nhiều năm, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi diện mạo đổi khác của huyện đảo vốn từng là nơi nghèo khó. Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế với sự chuyển dịch đúng hướng của các ngành du lịch, dịch vụ đã biến đảo Cô Tô thật sự trở thành Đảo Ngọc với tiềm năng phát triển cả về kinh tế, văn hóa, an ninh, xã hội. Tháng 10/2013 điện lưới quốc gia về với huyện đảo. Cùng với đó là sự phát triển về hạ tầng giao thông với những chuyến tàu hiện đại nối đảo với đất liền. Đây thật sự là tiền đề cho sự phát triển nhảy vọt của ngành du lịch – dịch vụ với hàng trăm nghìn lượt khách đến với Cô Tô mỗi năm.

Sự phát triển đi lên của kinh tế đã góp phần nâng cao mức sống cũng như nhận thức của người dân huyện đảo về việc xây dựng văn hóa con người Cô Tô, trên cơ sở khai thác văn hóa truyền thống vùng miền, gắn với thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử “văn hóa, du lịch Cô Tô”, Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long” và Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Ninh về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”…

Ngồi trên ban công nhà ngay tại trung tâm thị trấn Cô Tô, nhìn ra con phố tấp nập người và xe qua lại, ông Nguyễn Văn Lộc, 86 tuổi – một trong những người sống lâu năm nhất ở huyện đảo, bùi ngùi kể với tôi về những ngày tháng cũ: “Trước kia chỉ toàn biển và đồng lúa thôi, mà giờ đường sá đã san sát. Cô Tô đã khác hàng trăm hàng nghìn lần rồi. Người dân Cô Tô trước toàn đi biển mà giờ ai cũng biết làm du lịch. Ở đây bao nhiêu năm, quý nhất vẫn là tình cảm của bà con chòm xóm, thân quý và đùm bọc lắm…”

Người dân Cô Tô mang những nét đặc trưng văn hóa miền biển.

Sự nhìn nhận của những vị cao niên cũng như những phản hồi tích cực của du khách khi đến với Cô Tô đã cho thấy hiệu quả của những chủ trương đúng hướng của Đảng bộ và các cấp chính quyền huyện đảo trong việc xây dựng văn hóa con người Cô Tô, đó là tập trung vào việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ trong cộng đồng dân cư và từng cơ quan, đơn vị; đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi gia đình trong giáo dục, hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ; phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên; phát huy vai trò của Hội Văn học - Nghệ thuật huyện, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sỹ sáng tác những tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao phục vụ công chúng, góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, đấu tranh loại bỏ các sản phẩm văn hóa độc hại, phi truyền thống… Từ đây, những đặc trưng văn hóa của người dân Cô Tô dần được bảo tồn, lưu truyền và phát huy; thể hiện ngay trong những hành động giản đơn như nhặt được của rơi trả lại người mất, những căn nhà nơi phố đảo chẳng bao giờ phải khóa cửa hay lo lắng trộm cắp, mất mát… Hay trong những lần mưa bão, khi khách du lịch buộc phải ở lại Cô Tô, người dân huyện đảo sẵn sàng sẻ chia lương thực thực phẩm, đảm bảo nơi lưu trú và hỗ trợ hết mình để những du khách có thể an toàn trở về. Bởi những người dân vùng đảo không chỉ thân thiện mến khách mà còn tương thân, tương ái, đùm bọc và chia sẻ khó khăn.

Vào mùa cao điểm, hàng nghìn khách du lịch đổ về Cô Tô mỗi ngày .

Tuy nhiên trên thực tế, những đặc trưng văn hóa của người Cô Tô dường như vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của du khách cũng như khai thác tiềm năng du lịch, dịch vụ của vùng đất này. Theo anh Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch huyện Cô Tô, đa số người dân Cô Tô không phải là những người làm du lịch chuyên nghiệp. Họ cần được đào tạo, cần được cầm tay chỉ việc để từ đó nâng cao tay nghề, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của huyện đảo đồng thời trở thành những sứ giả lan truyền đi những thông điệp đẹp về mảnh đất và còn người Cô Tô.

Ông Dương Văn Đại, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cô Tô khẳng định, trên cơ sở những đặc trưng văn hóa của người dân huyện đảo, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy và chính quyền huyện Cô Tô, hoàn thành đề án Xây dựng văn hóa, con người Cô Tô năng động, sáng tạo, lành mạnh, văn minh, thân thiện để từng bước tạo dựng đặc trưng văn hóa địa phương, tạo thiện cảm với du khách, hài hòa giữa cả hai yếu tố bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Cô Tô trở thành trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao.

Mai Linh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202007/xay-dung-dac-trung-van-hoa-nguoi-co-to-2492276/