Xây dựng đặc khu:Chính sách bó hẹp, nhà đầu tư sẽ không mặn mà

Theo Phó TT Vương Đình Huệ, đây là lần đầu VN thử nghiệm mô hình đặc khu nhưng xác suất thành công rất cao.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời báo chí

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) được đánh giá khi ban hành sẽ tạo động lực rất lớn cho những nơi được áp dụng chính sách. Chiều mai (22/11), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự luật này. Hiện, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về tổ chức mô hình và cơ chế giám sát để đảm bảo quyền lực tại các đặc khu được kiểm soát.

Xác suất thành công rất cao

Trao đổi với báo chí, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, việc thành lập 3 đặc khu: Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) không chỉ có tác động đến 3 địa phương này mà còn tác động lan tỏa, đầu tàu kéo tăng trưởng cho cả nước. Mặc dù mỗi đặc khu có đặc thù, mức độ khác nhau nhưng sau khi thử nghiệm chính sách mới, chính sách đột phá ở đây thành công thì có thể nhân ra theo phạm vi vùng hoặc cho cả nước.

Về mô hình chính quyền địa phương, cơ quan soạn thảo dự án Luật là Bộ KH&ĐT đưa ra hai phương án. Phương án 1: Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức Trưởng đặc khu. Bên cạnh Trưởng đặc khu có Hội đồng đặc khu, thực hiện chức năng giám sát. Nhân dân, HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng tham gia giám sát Trưởng đặc khu. Phương án 2: Quốc hội quyết định thành lập đặc khu. Tổ chức chính quyền địa phương một cấp tại đặc khu gồm HĐND và UBND. Theo quan điểm của ban soạn thảo, phương án 1 thể hiện được sự đột phá, song lại có thể dẫn đến lạm quyền nếu không có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ. Trong khi đó, phương án 2 chưa tạo được bước đột phá, chưa tương thích với tính chất đặc biệt của đặc khu.

Theo Phó Thủ tướng, đây là lần đầu Việt Nam thử nghiệm mô hình đặc khu nhưng xác suất thành công rất cao. Việt Nam là lần đầu nhưng thế giới đã có quá nhiều kinh nghiệm và thành công. Bên cạnh đó, các địa phương cũng rất chủ động trong xây dựng mô hình đặc khu kinh tế của mình, nhất là Quảng Ninh đã nghiên cứu khu vực và quốc tế ít nhất 5 năm và vẫn liên tục cập nhật, rút kinh nghiệm từ các mô hình trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng - đại diện cơ quan soạn thảo đánh giá, hiện đang có làn sóng đầu tư vào Việt Nam rất lớn, đây là cơ hội để đón nhận làn sóng đó. Theo ông, khi thành lập các đặc khu, điều quan trọng nhất là tạo ra một không gian đầu tư, một thể chế cạnh tranh.

Để tạo quyền tự chủ cho các đặc khu kinh tế, Bộ trưởng Dũng cho biết có 2 phương án. Thứ nhất là không tổ chức UBND và HĐND, làm sao dành quyền tự chủ, chịu trách nhiệm, thẩm quyền trong điều hành hàng ngày của trưởng đơn vị. Thứ hai, Ban soạn thảo cũng đã tính đến phải có giám sát từ UBND cấp tỉnh, HĐND tỉnh, giám sát từ các Bộ ngành T.Ư, của Chính phủ theo ngành dọc và theo chiều ngang để có cơ chế giám sát lại các cơ quan của đặc khu và trưởng đặc khu.

Muốn thành công phải có cơ chế đặc thù

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng - đại diện cơ quan thẩm tra chia sẻ: Mới đây, khi khảo sát tại Vân Đồn (Quảng Ninh), đoàn khảo sát đã thấy nơi đây thu hút thêm được trên 53.000 tỷ đồng, dù xây dựng đặc khu ở đây cho đến nay vẫn mới chỉ là chủ trương. “Đây là một tín hiệu rất đáng mừng khi chúng ra đưa ra chủ trương xây dựng đặc khu”, ông Hoàng nói.

Tuy nhiên, ông Hoàng lưu ý về mô hình, phải có một cơ chế quản lý đặc biệt, khác với những đơn vị hành chính hiện nay và phải cụ thể. “Tôi ủng hộ phương án trưởng đặc khu, cơ chế như thế mới có thể đảm bảo được các công việc đặt ra cho đặc khu vận hành. Một trong các yếu tố thành công của đặc khu là phải có cơ chế đặc thù, có một phương thức quản lý khác để giải quyết giấy tờ, thủ tục hành chính một cách nhanh gọn, thuận lợi cho nhà đầu tư”, ông Hoàng nêu quan điểm và cho rằng, cũng không nên lo ngại việc kiểm soát quyền lực hay Trưởng đặc khu sẽ lạm quyền, bởi chúng ta còn có nhiều kênh giám sát.

Trước một số ý kiến băn khoăn khi Luật quy định cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư có việc cho thuê đất lên đến 99 năm, trong khi 3 nơi dự kiến xây dựng đặc khu đều là những vị trí nhạy cảm về an ninh, quốc phòng, ông Hoàng cho rằng đây là lo ngại chính đáng và cũng đã được tính đến, chuẩn bị trước các điều kiện. “Từ lo ngại này, chúng ta nghiên cứu kỹ và xác định nên cho thuê chỗ nào, không cho thuê chỗ nào để có quy hoạch rõ ràng. Còn nếu ta xác định xây dựng đặc khu mà không cho họ thuê đất lâu dài thì họ sẽ không đầu tư”, ông Hoàng phân tích và cho rằng nên mạnh dạn làm và có cơ chế kiểm soát.

“Đủ cơ chế để giám sát, kiểm soát quyền lực”

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang - nơi dự kiến xây đặc khu Phú Quốc cho biết, tỉnh đã đề xuất phương án mô hình tổ chức bộ máy hành chính của đặc khu theo hướng thiết chế Trưởng đặc khu cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và trưởng khu hành chính, không phải là một cấp chính quyền địa phương. Mô hình này không tổ chức HĐND và UBND. Đặc khu được chia thành các khu hành chính (chuyển từ 9 xã, thị trấn sang thành 9 khu hành chính). Cùng với đó, thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Trưởng đặc khu. Bí thư cấp ủy cơ sở, đồng thời là trưởng khu hành chính.

Cùng với đó, hợp nhất các cơ quan thuộc huyện ủy, cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Phú Quốc, các phòng, ban chuyên môn thuộc BQL Khu kinh tế Phú Quốc thành 8 ban chuyên môn trực thuộc Trưởng đặc khu; Hợp nhất MTTQ huyện và các tổ chức chính trị-xã hội thành cơ quan có tên gọi là MTTQ và các đoàn thể.

Về lo ngại quyền lực tập trung vào một người dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền, ông Nghị cho rằng, Luật đã quy định cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực khá rõ ràng. Ngoài ra, để giải quyết, sắp xếp lại bộ máy nhân sự khi áp dụng mô hình đặc khu, ông Nghị cho biết tỉnh đã chỉ đạo xây dựng đề án riêng và thành lập ban chỉ đạo để đánh giá lại toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức. Dự kiến trong tháng 12 này, Tỉnh ủy sẽ xem xét và cho ý kiến chỉ đạo cụ thể về việc này.

Hoài Thu

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/xay-dung-dac-khuchinh-sach-bo-hep-nha-dau-tu-se-khong-man-ma-d233738.html