Xây dựng cửa khẩu thông minh thúc đẩy giao thương biên giới

Với lợi thế giáp với Trung Quốc cả ở trên đất liền và trên biển, giao thông thuận lợi, hạ tầng phát triển, tỉnh Quảng Ninh ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của mình trong việc thúc đẩy, kết nối giao thương xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước ASEAN. Hiện, chính quyền hai bên biên giới đang tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng để thúc đẩy hơn nữa thương mại xuyên biên giới.

Cửa khẩu Bắc Luân II (thành phố Móng Cái) là một trong những lối thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu sôi động nhất của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Long

Cửa khẩu Bắc Luân II (thành phố Móng Cái) là một trong những lối thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu sôi động nhất của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Long

Cửa ngõ trung chuyển sôi động

Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, với vị trí địa kinh tế, nằm trong khu vực phát triển năng động của cả nước và toàn thế giới, tỉnh Quảng Ninh là cửa ngõ giao thương quan trọng và sôi động nhất giữa Việt Nam với ASEAN. Quảng Ninh là điểm đầu khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai”, là cầu nối trung chuyển, giao lưu hàng hóa, khoa học công nghệ, đầu tư giữa Đông Bắc Á - Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Quảng Ninh là địa phương có hạ tầng giao thông cơ bản hoàn chỉnh, tạo thuận lợi cho cả 5 phương thức vận tải: Đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển, hàng không hiện đại - thuận lợi - hiệu quả và an toàn, đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của mình trong việc thúc đẩy, kết nối giao thương XNK hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thứ 3 với thị trường Trung Quốc, trong đó, có một lượng lớn hàng hóa nông, lâm, thủy sản. Cụ thể, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa qua các cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh đạt trên 5,6 tỷ USD, trong đó, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản XK đạt gần 1,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 20% trong kim ngạch XK. Kim ngạch nhập khẩu qua địa bàn tỉnh năm 2022 đạt trên 10,4 tỷ USD.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, giao thương qua các cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) sôi động bậc nhất về hoạt động XNK hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hiện, Quảng Tây là thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản chính của Việt Nam, chiếm gần 50% giá trị nhập khẩu. Bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết, một số nhóm mặt hàng như thủy sản, trái cây, cà phê của Việt Nam đều nằm trong số 10 quốc gia XK lớn nhất vào Trung Quốc; nhiều mặt hàng như cá tra, cá ba sa, cá mực, quả thanh long, quả vải, hạt điều chiếm thị phần gần như tuyệt đối về khối lượng cũng như kim ngạch nhập khẩu.

Đối với thành phố Móng Cái hiện nay, hoạt động thông quan hàng nông sản, thủy sản và các sản phẩm nông thủy sản được triển khai tại tất cả các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn và có triển vọng ngày càng gia tăng cả về chủng loại, sản phẩm hàng hóa cùng như số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK. “Thời gian qua, lượng hàng nông sản, thủy sản và các sản phẩm nông thủy sản Việt Nam XK vào thị trường Trung Quốc qua lối thông quan này đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 60%/năm. Riêng năm 2021, lượng hàng nông sản, thủy sản XK đạt xấp xỉ 1 triệu tấn, tăng 157% so với cùng kỳ năm 2020. 2 tháng đầu năm 2023 đạt 116.275 tấn, tăng 122% so với cùng kỳ năm 2022” - bà Ngọc thông tin.

Hiện đại hóa cửa khẩu để đẩy mạnh giao thương

Ông Hoàng Vệ, Phó Cục trưởng Cục Thương vụ và Quản lý cửa khẩu thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc cho hay, ngày 1/11/2022, Trung Quốc và Việt Nam cùng ra “Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam”. Tuyên bố đề cập đến sự cần thiết phải tăng cường truyền thông chính sách và chia sẻ kinh nghiệm giữa hai bên, phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới và thúc đẩy hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực logistics cũng như các lĩnh vực khác. Tiếp tục thúc đẩy cung ứng lẫn nhau và XK nhiều hơn nữa các mặt hàng nông sản, thực phẩm chất lượng cao giữa hai nước. Thúc đẩy thông thương thông suốt tại các cửa khẩu biên giới của hai nước, duy trì chuỗi cung ứng thông suốt, tạo sự đồng thuận quan trọng để hàng hóa được thông quan thuận lợi.

Hiện nay, hoạt động thông quan hàng nông sản, thủy sản và các sản phẩm nông thủy sản được triển khai tại tất cả các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Long

Ông Hoàng Vệ khẳng định, sẽ tích cực hợp tác với Móng Cái để thực hiện các công việc khác nhau, trong đó có việc cải thiện thuận lợi hóa thủ tục hải quan, từ đó, tăng cường giao lưu hàng hóa qua lại cửa khẩu Móng Cái và Đông Hưng một cách thiết thực, phát triển kinh tế cửa khẩu của hai địa phương. Ông cho biết thêm, sắp tới, thành phố Đông Hưng sẽ thực hiện chính sách “Vành đai - Con đường”, trở thành điểm xuất phát từ vùng biển phía Tây của Trung Quốc. “Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy nhập khẩu nông sản, xây dựng môi trường kinh doanh tốt giữa thành phố Đông Hưng và Móng Cái. Chúng tôi sẽ phối hợp với phía Việt Nam xây dựng “Cửa khẩu trí tuệ” và “Hai thành phố trí tuệ” - ông Hoàng Vệ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hoàng Vệ, phía Trung Quốc sẽ đẩy nhanh xây dựng khu dịch vụ toàn diện cửa khẩu Đông Hưng (cầu Bắc Luân II), nâng cao hơn nữa năng lực kiểm tra cửa khẩu, năng lực thông quan và hiệu quả thông quan, bảo đảm khai thác cửa khẩu an toàn, hiệu quả, ổn định. Đẩy nhanh xây dựng “cửa khẩu thông minh” và “cặp chợ biên giới thông minh”, thúc đẩy thông minh hóa vận hành, quản lý cửa khẩu và cặp chợ biên giới, áp dụng rộng rãi các công nghệ mới nổi vào vận tải phối hợp khu vực, đảm bảo an ninh và dịch vụ thông minh, nâng cao khả năng tích hợp nền tảng dịch vụ thông tin toàn diện.

Đồng thời, tích cực hợp tác với thành phố Móng Cái thúc đẩy Tập đoàn Kiểm nghiệm và chứng nhận Trung Quốc - Chi nhánh Quảng Tây thành lập phòng lab tại lối mở Km3+4 Hải Yên để hỗ trợ doanh nghiệp. Nâng cao hơn nữa mức độ kết nối, đẩy nhanh việc xây dựng cầu phao mới trong Khu cặp chợ thương mại biên giới Đông Hưng/lối mở Km3+4 Hải Yên, thúc đẩy việc xây dựng cửa khẩu đường sắt Đông Hưng và cầu Bắc Luân III, phát huy hết vai trò quan trọng của cửa khẩu Đông Hưng trong việc xây dựng hành lang đất liền - biển mới ở phía Tây.

Ông Tô Vạn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Tây, đến từ Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư công nghiệp Đông Đằng cho biết, công ty đang xúc tiến thành lập Trung tâm Giao dịch thủy sản Việt Nam tại Phòng Thành Cảng. Hiện, chính quyền thành phố Phòng Thành Cảng đã khởi công xây dựng kho lạnh thủy sản giai đoạn một diện tích 600 mẫu, khả năng lưu trữ 200.000 tấn thủy hải sản. Kho lạnh giai đoạn 2 diện tích 1.000 mẫu, có thể lưu trữ 600.000 tấn thủy hải sản cũng đã khởi công. Sắp tới, thủy hải sản Việt Nam có thể vào thị trường Trung Quốc với số lượng lớn, thời gian nhanh chóng. Trung tâm Giao dịch thủy sản Việt Nam tại thành phố Phòng Thành Cảng cũng sẽ là nơi các bên mua-bán có thể trực tiếp gặp gỡ, giao dịch, tăng mức độ yên tâm.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-dung-cua-khau-thong-minh-thuc-day-giao-thuong-bien-gioi-post459941.html