Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập

Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng, chỉ những người có thẩm quyền mới được khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Theo Dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp thứ 26 vừa qua, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập và đề nghị quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn trong lưu giữ, khai thác cơ sở dữ liệu này.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập vì thực tế hiện nay bản kê khai đã được lưu giữ tại cơ quan phụ trách công tác tổ chức cán bộ; Ý kiến khác đề nghị xây dựng website về dữ liệu kiểm soát tài sản, thu nhập do Thanh tra Chính phủ quản lý và người dân có quyền truy cập.

UBTVQH nhận thấy, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập là phù hợp, nhằm bảo đảm cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập thuận tiện, hiệu quả. Do đây là các dữ liệu có liên quan đến quyền tài sản, quyền nhân thân của cán bộ, công chức, viên chức nên việc quản lý, cho phép khai thác thông tin phải rất chặt chẽ, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt để góp phần phòng chống tham nhũng. (Ảnh minh họa)

Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng, chỉ những người có thẩm quyền mới được khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Đồng thời bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về việc bảo vệ, lưu trữ, khai thác cơ sở dữ liệu này.

Cụ thể, theo Dự thảo, Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập là tài sản quốc gia phải được bảo vệ chặt chẽ, an toàn, lưu trữ lâu dài. Việc cung cấp thông tin về cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của người có thẩm quyền theo quy định. Yêu cầu cung cấp thông tin này phải được thực hiện bằng văn bản và nêu rõ lý do, mục đích sử dụng.

Về quy định thanh toán không sử dụng tiền mặt, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn việc thanh toán không sử dụng tiền mặt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thanh toán không sử dụng tiền mặt. Ý kiến khác cho rằng, quy định này không khả thi, có ý kiến lại đề nghị cân nhắc mức tối thiểu phải thanh toán qua tài khoản từ 5 triệu đồng trở lên…

UBTVQH nhận thấy, việc thanh toán không sử dụng tiền mặt đang được Chính phủ triển khai thực hiện thông qua Đề án thanh toán không sử dụng tiền mặt. Vì vậy, dự thảo Luật chỉ quy định các nội dung cơ bản, mang tính nguyên tắc, định hướng, trên cơ sở đó giao cho Chính phủ tổ chức thực hiện bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức, có ý kiến đề nghị bổ sung việc cấm lợi dụng chuyển đổi vị trí công tác để trù dập cán bộ, công chức, viên chức hoặc để vụ lợi. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung quy định này.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị không liệt kê các lĩnh vực công tác phải định kỳ chuyển đổi mà giao cho Chính phủ quy định vì việc liệt kê có thể dẫn đến vừa thừa, vừa thiếu tính bao quát. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã ghép Điều 26 và Điều 27 Dự thảo thành Điều 26 “Vị trí công tác và thời hạn phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác”.

Đồng thời quy định chung các vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi và giao cho Chính phủ quy định thống nhất về chuyển đổi vị trí công tác trong Bộ, ngành, địa phương mình. VKSNDTC, TANDTC, Kiểm toán Nhà nước… quy định về chuyển đổi vị trí công tác trong ngành mình để bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực khác nhau.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/xay-dung-co-so-du-lieu-quoc-gia-ve-kiem-soat-tai-san-thu-nhap-120873.html