Xây dựng cơ chế tài chính phù hợp với trình độ phát triển của các đô thị trung tâm

(CT) - Chiều 31-10, Ðại hội thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ V, giai đoạn 2021-2025, được trang trọng tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu truyền hình tại các tỉnh, thành trên cả nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và hơn 700 đại biểu là chiến sĩ thi đua, điển hình tiên tiến đại diện cho hơn 70.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành tham dự.

Tại điểm cầu TP Cần Thơ, lãnh đạo Sở Tài chính, Cục Hải quan, Cục Thuế và Kho bạc Nhà nước Cần Thơ đến dự.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại Ðại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực vượt khó, những thành tích nổi bật của ngành Tài chính, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thủ tướng lưu ý ngành Tài chính cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, giữ vững ổn định tài chính, khắc phục hậu quả lũ lụt ở miền Trung và phòng chống dịch bệnh COVID-19, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo đời sống người dân. Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế tài chính, trong đó tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình, cơ chế chính sách tài chính quốc gia; xây dựng cơ chế tài chính phù hợp với trình độ phát triển của các đô thị trung tâm, các vùng kinh tế trọng điểm; khuyến khích tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của chính quyền địa phương, tăng cường vai trò điều tiết ngân sách, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương. Tiếp tục cải cách hành chính, từng bước xây dựng chính phủ điện tử; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh nhằm nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức đối với người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Giai đoạn 2016-2020, các phong trào thi đua yêu nước đã được phát động và triển khai sâu rộng trong toàn ngành. Bộ Tài chính đã phát động 5 phong trào thi đua thường xuyên với các nội dung thi đua và giải pháp hành động cụ thể gắn liền với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế đất nước và hướng tới mục tiêu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, chỉ tiêu tài chính - ngân sách được giao. Các cơ quan, đơn vị trong ngành đã phát động hơn 500 phong trào thi đua mỗi năm và đạt được kết quả nổi bật. Tiêu biểu là kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân tăng khoảng 10,5%/năm. Tính chung, quy mô thu NSNN giai đoạn 2016-2020, ước gấp 1,63 lần so với giai đoạn 2011-2015. Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN, từ mức bình quân 68,7% giai đoạn 2011-2015 lên bình quân 81,5% giai đoạn 2016-2020.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ngành Tài chính cũng đã quyết liệt chỉ đạo và tổ chức triển khai đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; tích cực đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập. Từ năm 2016 đến 2019, đã có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.056 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỉ đồng. Ðồng thời đã thực hiện thoái 24.769 tỉ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, thu về 171.072 tỉ đồng.

Q. THÁI

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/xay-dung-co-che-tai-chinh-phu-hop-voi-trinh-do-phat-trien-cua-cac-do-thi-trung-tam-a126986.html