Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu trồng rừng

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, để tạo đà cho phát triển rừng sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập người trồng rừng, Sở NN&PTNT đã giao các đơn vị trực thuộc xây dựng cơ chế, chính sách, từ đó tham mưu TP hỗ trợ trồng rừng sản xuất gỗ lớn.

Theo số liệu qua rà soát, diện tích có rừng và chưa thành rừng của Hà Nội là hơn 27.162 ha được phân bố ở 7 huyện, thị xã (Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn), trong đó, rừng sản xuất trên 9.637 ha chủ yếu là keo, bạch đàn với trữ lượng gỗ 574.000 m3. Còn rừng trồng thuần loài, xen canh các loài cây khác gồm cây ăn quả, thông, lim, lát, long não, xoan, re, mỡ, tre, bương, vầu, luồng… trên 2.479 ha với tổng trữ lượng gỗ hơn 154.000 m3 và trên 251.000 cây tre, nứa.

Trồng rừng sản xuất gỗ lớn sẽ nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Ảnh: TL

Trồng rừng sản xuất gỗ lớn sẽ nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Ảnh: TL

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, diện tích trồng rừng sản xuất trên địa bàn TP chủ yếu là cây keo, bạch đàn hoặc áp dụng phương thức sản xuất kinh doanh gỗ nhỏ, khai thác rừng non với chu kỳ 5-6 năm, theo hình thức quảng canh, năng suất, chất lượng rừng còn thấp.

Ông Lê Minh Tuyên chia sẻ, dựa trên kết quả đo đếm, thu nhập bình quân của rừng trồng cây keo, bạch đàn là 59,8 triệu đồng/ha với chu kỳ 15 năm, trong khi rừng trồng không có cây keo, bạch đàn cho thu nhập gần 168 triệu đồng/ha, cao hơn 181% cho mỗi chu kỳ 25 năm…

Theo các chuyên gia, để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, hiệu quả kinh tế từ trồng rừng sản xuất, hướng tới chuyển đổi cơ cấu sản phẩm gỗ khai thác, tăng tỷ lệ diện tích rừng trồng gỗ lớn, Hà Nội cần tạo ra chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giống, thực hiện cách mạng về giống; chuyển dần tập quán sản xuất lâm nghiệp quảng canh sang thâm canh rừng; thay đổi thói quen trồng, khai thác rừng non (gỗ nhỏ) sang trồng, sản xuất kinh doanh gỗ lớn; gắn phát triển rừng sản xuất với việc thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp trên địa bàn TP theo hướng gia tăng giá trị, phát triển bền vững...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, từ thực trạng rừng trên địa bàn TP, thì việc hỗ trợ trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng cây giống chất lượng cao là cần thiết. Thực tiễn cho thấy, lợi ích từ việc trồng cây gỗ lớn để làm giàu rừng đã được chứng minh. Qua thí điểm một số mô hình trồng sản xuất gỗ lớn quy mô 2-5ha tại các địa phương, bước đầu ghi nhận chất lượng rừng tăng đáng kể.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, TP Hà Nội sẽ trồng mới 500 ha rừng, ưu tiên trồng các loài cây bản địa và cây lấy gỗ lớn chu kỳ dài có giá trị kinh tế cao. Địa bàn trồng mới sẽ được thực hiện tại khu vực đất trống thuộc 7 huyện, thị xã có rừng.

Để tạo đà cho phát triển rừng sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập người trồng rừng, Sở NN&PTNT đã giao các đơn vị trực thuộc xây dựng cơ chế, chính sách, từ đó tham mưu TP hỗ trợ trồng rừng sản xuất gỗ lớn.

Theo đó, điều kiện hỗ trợ, chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư có đất quy hoạch phát triển rừng sản xuất được cấp có thẩm quyền giao, cho thuê, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đã sử dụng đất ổn định trong vòng 3 năm trở lên không có tranh chấp, lấn, chiếm. Loài cây trồng thuộc danh mục cây trồng lâm nghiệp chính, có xuất xứ rõ ràng, được kiểm soát về chất lượng theo quy định về quản lý giống cây trồng.

Khi trồng rừng mới, phải thực hiện trồng hỗn giao với cây bản địa, tỷ lệ cây bản địa chiếm 40% hoặc trồng thuần loài cây bản địa và theo phương thức thâm canh…

Cũng theo ông Tạ Văn Tường, trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã đề cập cụ thể nội dung, mức hỗ trợ. Chẳng hạn như, trồng rừng mới đối với các loài cây gỗ lớn (khai thác sau 10 năm tuổi), hỗn giao với cây bản địa, mức hỗ trợ là 20 triệu đồng/ha; trồng thuần loài cây bản địa, mức hỗ trợ 30 triệu đồng/ha…

Ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh, mục tiêu mà ngành nông nghiệp Hà Nội kỳ vọng đó là tập trung trồng cây gỗ lớn để duy trì ổn định độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, bên cạnh đó, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người trồng rừng, thu hút lao động nhàn rỗi vào sản xuất lâm nghiệp, góp phần ổn định đời sống nông dân ở các địa phương có rừng.

Văn Biên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xay-dung-co-che-chinh-sach-ho-tro-chuyen-doi-co-cau-trong-rung-235538.html