Xây dựng chuỗi thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tạo sự khép kín từ khâu sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và lợi ích của người dân cũng như đơn vị kinh doanh. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Theo thống kê của các địa phương, đơn vị, đến nay trên địa bàn tỉnh có 47.961 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc phạm vi quản lý của ngành NN&PTNT. Trong đó, có 47.330 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản và 631 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Nhiều sản phẩm an toàn từ nông nghiệp bán tại Vinmart Hạ Long.

Nhiều sản phẩm an toàn từ nông nghiệp bán tại Vinmart Hạ Long.

Để xây dựng chuỗi sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, thời gian qua Sở NN&PTNT đã có nhiều hoạt động cụ thể. Trong đó, đơn vị đã chủ động hướng dẫn các địa phương nhân rộng và mở rộng chuỗi cung ứng nông sản an toàn, đảm bảo gia tăng cả 3 tiêu chí về số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát an toàn và số điểm bán sản phẩm, nhằm tăng thị phần cung ứng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, tăng giá trị sản phẩm và lợi nhuận cho cá nhân, doanh nghiệp tham gia chuỗi. Các sản phẩm đưa ra thị trường được quan tâm xác thực có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và liên kết chuỗi để bao tiêu sản phẩm vào các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, như: Vinmart, Big C, MM Mega Market... Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng định hướng, hỗ trợ các đơn vị, cá nhân kinh doanh chủ động đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Trứng gà Tân An- một trong những sản phẩm OCOP của địa phương được người dân ưa chuộng.

Việc phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông, lâm, thủy sản tập trung, chủ lực, có lợi thế của tỉnh gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp ngày càng được nhân rộng theo hướng mở rộng sản xuất an toàn. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 14 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại các đơn vị chủ lực cấp tỉnh và các địa phương. Bà Lê Thị Thà, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều), cho biết: Đơn vị được xác nhận là cơ sở sản xuất sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với các sản phẩm như rau, củ, quả và các sản phẩm từ nông nghiệp chế biến chất lượng cao. Để thực hiện liên kết sản xuất thực phẩm an toàn, đơn vị luôn quan tâm tới chất lượng sản phẩm và đảm bảo ATTP. Từ đó, hợp tác xã đã định hướng phát triển theo từng năm để đầu tư thành chuỗi hoạt động khép kín từ các khâu chọn con giống, nuôi trồng sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường. Đơn vị cũng dần hoàn thiện đầu tư về công nghệ, máy móc để cho ra thị trường những sản phẩm an toàn, khoa học và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, một trong những tiêu chí để xây dựng chuỗi sản phẩm cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn là đưa sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 403 sản phẩm OCOP và 191 sản phẩm đạt từ 3 đến 5 sao, trong đó có 301 sản phẩm OCOP thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Song song với đó, công tác kiểm tra, giám sát ATTP, thẩm định chuyên ngành và ký cam kết sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản cũng đảm bảo kịp thời và chính xác. Đặc biệt, việc nâng cao nhận thức, định hướng sản xuất cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng về ATTP cũng được triển khai đồng bộ với việc mở các lớp đào tạo, tập huấn, tuyên truyền về những nguy cơ tiềm ẩn mà sản phẩm kém chất lượng có thể mang tới trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

Nhiều sản phẩm từ nông nghiệp của các địa phương tham gia Hội chợ OCOP - Hè 2020.

Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Sở luôn chú trọng tham mưu, xây dựng các cơ chế, chính sách và chỉ đạo triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo kiểm soát tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình sản xuất ATTP, phát triển nhân rộng mô hình áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, triển khai các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại... Do đó, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đã từng bước chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả và nâng cao giá trị, gắn sản xuất với thị trường...

Việc nhân rộng, mở rộng các chuỗi sản phẩm cũng đã góp phần đảm bảo được nguồn cung thực phẩm an toàn, gắn kết với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, thúc đẩy xuất khẩu nông sản thực phẩm. Hiện nay, Sở NN&PTNT đang xây dựng Đề án phát triển chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Hy vọng đề án triển khai sẽ sớm mang lại hiệu quả thiết thực.

Nguyễn Huế

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202006/xay-dung-chuoi-thuc-pham-nong-lam-thuy-san-an-toan-2488159/