Xây dựng chính sách, pháp luật trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Ngày 24-6, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia 'Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam'.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu khẳng định, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Nhà nước ta đã có nhiều chính sách quan trọng, đồng thời dành nhiều ưu tiên, nguồn lực cho phát triển khoa học – công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đứng trước nhiều thách thức và một trong số đó là hệ thống pháp luật hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong những lĩnh vực liên quan đến quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư mạo hiểm, Fintech, tài sản mã hóa, quản lý thuế, bảo hộ dữ liệu cá nhân, chữ ký số và giải quyết tranh chấp trực tuyến.

Thực tế cho thấy, muốn phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thập niên tới, việc chủ động tiếp cận và ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong quản trị cuộc sống mỗi người dân, quản trị doanh nghiệp và quản trị quốc gia là chọn lựa đúng đắn.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu khai mạc hội thảo

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu khai mạc hội thảo

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng cho rằng, phản ứng chính sách của chúng ta trước một số hiện tượng kinh tế-xã hội mới phát sinh từ việc ứng dụng những công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư có phần còn chậm và chưa thực sự chủ động.

Đó là việc chưa kịp thời hoàn thiện thể chế điều chỉnh mô hình kinh tế chia sẻ, chưa kịp thời hoàn thiện chính sách, pháp luật về khai thác, sử dụng dữ liệu cá nhân phục vụ lợi ích chung của cộng đồng, chưa kịp thời thiết kế các quy định điều chỉnh hiện tượng người dân sở hữu, mua bán một số loại tài sản mã hóa...

Vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm nhận diện những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Từ đó, xác định nhu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Các diễn giả trao đổi tại hội thảo

Đồng thời, nâng cao nhận thức và tạo tiền đề cần thiết cho sự phối hợp của các Bộ, Ngành, doanh nghiệp và người dân trong quá trình hoàn thiện pháp luật, và đề xuất các định hướng lớn trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam để khai thác những lợi ích từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời ứng phó những mặt trái do cuộc cách mạng công nghiệp này mang lại.

Trong phiên làm việc buổi sáng, hội thảo đã thảo luận về 3 chuyên đề: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra trong xây dựng Chính phủ điện tử và đô thị thông minh; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với vấn đề tiếp cận công lý và an ninh mạng; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu hoàn thiện pháp luật dân sự, kinh tế.

Các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề pháp lý mới phát sinh; đánh giá mức độ thích ứng của hệ thống pháp luật Việt Nam trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đề xuất các định hướng lớn cũng như các giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan tới quyền tài sản, sở hữu trí tuệ, đầu tư mạo hiểm, Fintech, tài sản mã hóa, áp dụng cơ chế thử nghiệm trong phạm vi hạn chế (sandbox), quản lý thuế, bảo hộ dữ liệu cá nhân, chứng cứ số, giải quyết tranh chấp trực tuyến…

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xay-dung-chinh-sach-phap-luat-truoc-yeu-cau-cua-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40-152894.html