Xây dựng chính sách cạnh tranh: Yêu cầu cấp thiết

Sự ra đời của Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã khẳng định quan điểm của Chính phủ trong việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc xóa bỏ những rào cản, tạo thị trường cạnh tranh bình đẳng không hề đơn giản.

 Việc xóa bỏ những rào cản, tạo thị trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp là không hề đơn giản

Việc xóa bỏ những rào cản, tạo thị trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp là không hề đơn giản

Về các rào cản đối với doanh nghiệp (DN) muốn tham gia thị trường, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - khẳng định: “Đầy rẫy các bất công” và minh chứng, điều kiện kinh doanh (ĐKKD) vận tải hành khách yêu cầu một DN ở khu vực thành thị phải có tối thiểu 20 đầu xe ôtô và 10 xe nếu ở nông thôn.

“10 hay 20 chiếc ôtô không có ý nghĩa gì về mặt quản lý nhà nước mà chỉ tạo ra sự bất công khi DN muốn gia nhập thị trường” - ông Cung đánh giá và cho rằng, các ĐKKD này chỉ có lợi cho DN vốn lớn, còn những người ít vốn nhưng có sáng kiến kinh doanh tốt không có cơ hội tham gia thị trường.

Dẫn Nghị định số 03/2000/NĐ-CP của Chính phủ về “Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp”, Luật sư Trương Thanh Đức -Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO - chỉ rõ, nghị định đã quy định: “Các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành hoặc các cấp chính quyền địa phương ban hành mà không căn cứ vào luật, pháp lệnh, nghị định quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện… đều không có hiệu lực thi hành”.

Dù vậy, đến nay, số giấy phép con - điều kiện kinh doanh - do các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành trái luật vẫn không ngừng tăng. “Ngoài ĐKKD do các thông tư ban hành trái luật, thì còn có nghị định trái luật và ngay cả... luật trái luật” - ông Đức nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, một DN chuyên nhập khẩu bò, gà giống về Việt Nam chia sẻ với ông là bất kể khâu nào cũng phải có “lót tay”. Theo ông Doanh, chúng ta phải vận động để người dân hiểu được tình hình đầu vào bị biến dạng và không bình đẳng sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế, cản trở DN trong nước vươn lên.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ khẳng định, sự “tắc nghẽn” ở tầm cao nhất hiện nay chính là thể chế. Nếu giải quyết được vấn đề, môi trường kinh doanh sẽ thông thoáng hơn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, nước ta cải cách nền kinh tế đã 30 năm, dư địa cải cách đã chạm trần. Muốn tăng trưởng phải dỡ trần để tạo sức tăng trưởng mới. Cốt lõi của cải cách kinh tế lần này là tập trung xây dựng chính sách cạnh tranh. “Nghị quyết 19 của Chính phủ đã giao cho CIEM đến năm 2017 phải trình Đề án chính sách cạnh tranh toàn diện. Việc này như một kịch bản cải cách mới” - ông Nguyễn Đình Cung chia sẻ.

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xay-dung-chinh-sach-canh-tranh-yeu-cau-cap-thiet-73629.html