Xây dựng chính quyền đô thị: Tinh giản để nâng cao hiệu quả hoạt động

Ngày 1/10, thảo luận tại Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, đa số các đại biểu nhất trí với báo cáo của Ban cán sự Đảng TP đề ra. Trong đó, nhấn mạnh về kinh tế xã hội của Thủ đô tiếp tục phát triển, tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Đồng thời, thống nhất không tổ chức HĐND cấp xã, phường, thị trấn được đề xuất trong Dự thảo Đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị

Thống nhất phương án không tổ chức HĐND cấp xã, phường, thị trấn

Theo Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Quang, khi không tổ chức HĐND cấp xã, phường, thị trấn thì việc tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách ở cấp huyện, đồng thời giảm số lượng đại biểu HĐND của khối UBND là hợp lý. Điều này giúp tăng tính chủ động và vai trò giám sát, đại diện của HĐND cấp quận, huyện, thị xã. Bí thư Huyện ủy Đông Anh cũng cho rằng, khi bỏ HĐND cấp xã, phường, thị trấn, không nên gọi là UBND xã, phường, thị trấn, mà gọi là Ủy ban hành chính.

Cùng quan điểm này, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam cho rằng, bản chất Dự thảo Đề án chính quyền đô thị không chỉ "chăm chăm" bỏ HĐND, mà là bỏ hẳn 1 cấp chính quyền ở xã, phường, thị trấn. Chỉ tổ chức ở đây một cơ quan đại diện hành chính để thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ nhất định.

Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND TP, khi đã không tổ chức HĐND thì không được gọi là UBND, bởi theo quy định Hiến pháp, UBND là do HĐND bầu ra, không thể do UBND cấp trên bổ nhiệm, do vậy ở cấp xã, phường, thị trấn nên gọi là Ủy ban hành chính hoặc cơ quan đại diện hành chính.

Từ thực tiễn hoạt động ở địa phương, Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm Trương Quang Thiều cho rằng, hiện nay HĐND phường, xã, thị trấn có 2 chức năng: Quyết định và giám sát, nhưng không thực chất và mang tính thủ tục nhiều. Nên không tổ chức HĐND cấp phường, xã, thị trấn là hợp lý. Khi đó, chức năng quyết định, giám sát và đại diện sẽ chuyển về HĐND cấp quận và HĐND cấp TP thực hiện.

Chủ tịch UB MTTQ TP Vũ Hồng Khanh

Chủ tịch UB MTTQ TP Vũ Hồng Khanh cho rằng, dự thảo Đề án nêu giữ nguyên 2 cấp chính quyền ở thành phố và quận, huyện, thị xã, có điều chỉnh một số chức năng, nhiệm vụ là rất đúng. Riêng với cấp xã, phường, thị trấn, ông Vũ Hồng Khanh cho rằng nên mạnh dạn hơn nữa, không nên tổ chức UBND hay cơ quan hành chính, mà chỉ là một cơ quan đại diện của quận, huyện, thị xã. Bởi thực tế chức năng, nhiệm vụ của cấp xã, phường, thị trấn cơ bản làm theo chỉ đạo của thành phố và cấp quận, huyện, thị xã. “Mục đích không chỉ nhằm giảm số lượng, mà quan trọng là tinh giản để nâng cao hiệu quả hoạt động” - ông Vũ Hồng Khanh nói.

Qua 13 ý kiến phát biểu, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung ghi nhận các ý kiến đã thống nhất với báo cáo đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2018, các nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2018.

Về đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP cho rằng các ý kiến đã cơ bản nhất trí với Dự thảo Đề án về nguyên tắc, nội dung, mục tiêu theo hướng cải cách hành chính bộ máy.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu xây dựng lộ trình phù hợp với các nội dung thực hiện. Chuẩn bị đội ngũ cán bộ thật chắc chắn để đáp ứng yêu cầu mới. Phối hợp với các bộ, ngành T.Ư để ban hành các quy định phù hợp. Có cơ chế giám sát chính quyền chặt chẽ, quản lý cán bộ thực hiện tốt các nội dung mà đề án đã đề ra.

Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú

Rà soát các công trình trọng điểm, dự án còn chậm

Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của TP Hà Nội 9 tháng đầu năm 2018, các đại biểu đều đồng tình với báo cáo đề ra và minh họa thêm kết quả của các đơn vị mình. Theo Bí thư huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Quang, công tác thu đấu giá quyền sử dụng đất của huyện dự kiến cuối năm vượt chỉ tiêu TP giao.

Cải cách hành chính thể hiện rõ ở việc phân cấp quyết liệt, tạo kỷ cương hành chính mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được đẩy mạnh, hạn chế được vi phạm mới phát sinh, xử lý dứt điểm những tồn đọng. Toàn huyện có 87 dự án cần GPMB, cơ bản đạt đúng theo tiến độ theo TP giao.

Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho biết, các chỉ tiêu của huyện cũng đều đạt và vượt so với chỉ tiêu. Huyện cũng đang trình hồ sơ để được công nhận thành huyện NTM. Tuy nhiên, theo Bí thư huyện ủy Phúc Thọ việc chuyển đổi cây lúa sang trồng cây dài ngày cần phải có quy hoạch và lộ trình, kế hoạch sử dụng đất nếu không sẽ vỡ kế hoạch, vì thế đề nghị Sở NNPTNT cần có hướng dẫn cụ thể. Đối với lĩnh vực nước sạch, trên địa bàn huyện có một số địa điểm cần TP và các sở ngành vào cuộc giúp đỡ.

Đối với tình hình ANTT ở địa phương, có một số nơi công an viên không “mặn mà” với công việc, xin nghỉ nên rất khó cho lãnh đạo địa phương. Vì thế, ông Hoàng Mạnh Phú đề xuất TP sớm triển khai chủ trương đưa công an chính quy về địa phương.

Về công tác giảm nghèo, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Khuất Văn Thành cho biết, các quận huyện chỉ đạo rất quyết liệt. Đến thời điểm này đã có 2 quận không còn hộ nghèo, khả năng chương trình giảm nghèo sẽ hoàn thành sớm chỉ tiêu Nghị quyết.

Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng

Năm 2018 là năm bản lề để hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền đều đang triển khai quyết liệt các nhiệm vụ.

Nhấn mạnh việc cần rà soát lại Nghị quyết của HĐND TP để làm sao thực hiện hiệu quả dưới cơ sở, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng đề nghị: TP rà soát các dự án còn chậm, công trình trọng điểm, nếu không thực hiện quyết liệt sẽ không hoàn thành các chỉ tiêu trong Nghị quyết HĐND. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến tình hình an ninh chính trị. Về vấn đề này, Bí thư Quận ủy Tây Hồ đề xuất thí điểm việc lắp đặt camera tại 1 quận, từ đó rút kinh nghiệm để nhân rộng triển khai, giải quyết tốt các vấn đề tai nạn giao thông, trộm cắp…

Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP Phạm Thị Thanh Mai lưu ý về chỉ tiêu cấp nước sạch nông thôn, trạm y tế chuẩn quốc gia cần tập trung thực hiện, nếu không sẽ không thể hoàn thành. Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội vẫn đang cao so với cả nước, đòi hỏi UBND TP chỉ đạo các ngành kiểm soát về giá 3 tháng cuối năm. Bà Phạm Thị Thanh Mai đề nghị quan tâm thêm vấn đề quản lý tự chủ của các đơn vị sự nghiệp; việc giao đất dịch vụ cũng cần tập trung trong 3 tháng cuối năm. Tiến độ giải ngân của các dự cũng cần lưu ý, đặc biệt là các công trình trọng điểm.

Cho rằng thực hiện kế hoạch đầu tư công đang bị chậm, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện đề nghị xem xét lại việc phân bổ vốn đầu tư công để tận dụng tối đa vốn ngoài ngân sách cho các công trình trọng điểm.

Thủy Tiên - Trần Long - Ảnh: Thanh Hải

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xay-dung-chinh-quyen-do-thi-tinh-gian-de-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-326444.html