Xây dựng chính quyền điện tử - giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả công việc của chính quyền các cấp

Chính quyền điện tử là chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) nhằm tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Cán bộ Trung tâm hành chính công huyện Thọ Xuân tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Tư Liệu

Trong những năm qua trên cơ sở thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn của các ban, bộ, ngành Trung ương, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản làm cơ sở pháp lý quan trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT để xây dựng chính quyền điện tử, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc, tiết kiệm thời gian và chi phí, mang lại hiệu quả thiết thực cho các cơ quan Nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân với một số kết quả trọng tâm đó là: Kết nối liên thông trục gửi nhận văn bản 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã, thời gian gửi nhận văn bản điện tử từ tỉnh đến xã chỉ còn tính bằng giây, hàng năm tiết kiệm cho việc gửi nhận văn bản trên 30 tỷ đồng; cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã; đã tích hợp 239 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 lên cổng dịch vụ công quốc gia (xếp thứ 2 sau Hà Nội); tích hợp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt và kết nối với cổng thanh toán quốc gia...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là: quá trình triển khai các dự án ứng dụng CNTT thường kéo dài qua nhiều năm, dẫn tới tình trạng thiếu đồng bộ; nguồn nhân lực thiếu và yếu; một số ứng dụng CNTT tự phát theo yêu cầu nhiệm vụ của từng ngành, từng đơn vị, dẫn đến khó khăn trong việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kết nối với hệ thống thông tin các bộ, ngành Trung ương còn gặp nhiều khó khăn; một bộ phận cán bộ (nhất là người đứng đầu) các ngành, các cấp chưa nhìn nhận đúng vai trò của ứng dụng CNTT, nên chưa quyết tâm, gương mẫu trong ứng dụng CNTT vào công việc, ngại thay đổi thói quen từ xử lý văn bản giấy sang điện tử; công tác về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng còn hạn chế...

Từ thực tiễn triển khai xây dựng chính quyền điện tử thời gian qua trên địa bàn tỉnh, chúng ta rút ra 5 bài học kinh nghiệm, đó là: (1) Môi trường pháp lý có vai trò quyết định, bởi CNTT là một lĩnh vực mới, tốc độ phát triển nhanh, chưa có tiền lệ. Vì vậy, việc nhận thức đúng về vai trò của CNTT trong điều kiện phát triển hiện nay để kịp thời hoàn thiện môi trường pháp lý sẽ thúc đẩy quá trình phát triển và ứng dụng CNTT, làm cơ sở để chính quyền các cấp chuyển từ hình thức làm việc giấy tờ sang điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử; nâng cao tỷ lệ tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính, dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh, góp phần đẩy mạnh CCHC, xây dựng một nền hành chính vì dân. (2) Hạ tầng CNTT phải đi trước một bước vì hạ tầng CNTT, các phần mềm dùng chung là nền tảng để triển khai các ứng dụng trong các cơ quan Nhà nước cũng như phục vụ người dân và doanh nghiệp. (3) Yếu tố con người là yếu tố quyết định sự thành công bởi lẽ sự thay đổi môi trường làm việc từ giấy tờ truyền thống sang môi trường điện tử là công việc khó, phức tạp, vì vậy, hiệu quả của việc ứng dụng CNTT tại từng cơ quan, đơn vị phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết tâm của người đứng đầu và vai trò của các bộ chuyên trách CNTT. (4) Phương thức triển khai xây dựng Chính quyền điện tử phải được triển khai, đầu tư tập trung nhằm tiết kiệm tài nguyên số, nhân lực, vật lực, qua đó tạo thành hệ thống đồng bộ, thuận lợi cho việc kết nối, liên thông, khai thác, chia sẻ thông tin, đảm bảo an toàn thông tin. (5) Thí điểm ở phạm vi hẹp trước khi nhân rộng do đây là lĩnh vực phát triển nhanh, chưa có mô hình chuẩn cho các đơn vị áp dụng, vì vậy cần ưu tiên lựa chọn những lĩnh vực, những giải pháp thiết thực để thí điểm trong phạm vi hẹp, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm, hoàn thiện để triển khai nhân rộng, đảm bảo hiệu quả.

Nhằm phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện, thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử gắn với phát triển các dịch vụ đô thị thông minh trên cơ sở lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển chính quyền điện tử; chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. Để thực hiện tốt định hướng trên, cần triển khai một số giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai xây dựng phát triển chính quyền điện tử. Trong đó, tiếp tục rà soát, bổ sung ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định để hoàn thiện cơ sở pháp lý và đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh như quy định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu; định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức; thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử... Nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp lớn về CNTT-TT đầu tư phát triển công nghiệp CNTT tại Thanh Hóa; cơ chế đối ứng thực hiện các đề tài khoa học của tỉnh cho các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đặc biệt lĩnh vực CNTT-TT để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mũi nhọn về CNTT-TT. Xây dựng cơ chế ưu đãi nhằm thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia CNTT và an toàn an ninh thông tin giỏi làm việc cho các cơ quan Nhà nước trên địa bàn.

Hai là, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, các nền tảng dùng chung, cơ sở dữ liệu của các ngành để xây dựng Chính quyền điện tử. Trọng tâm là phát triển hạ tầng viễn thông đồng bộ, triển khai mạng lõi viễn thông cấp vùng, liên vùng và phủ sóng thông tin di động 5G toàn tỉnh, kết nối băng rộng đến tất cả các doanh nghiệp, hộ gia đình; phát triển hạ tầng chính quyền số phục vụ cơ quan Nhà nước trên cơ sở kết hợp thế mạnh của mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng Internet, trung tâm dữ liệu của tỉnh để phục vụ kết nối liên thông, xuyên suốt 4 cấp chính quyền, sử dụng cơ chế mã hóa và công nghệ bảo đảm an toàn, an ninh; chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế.

Ba là, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân trong quá trình phát triển chính quyền điện tử tại địa phương tạo niềm tin cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ của chính quyền các cấp.

Bốn là, phát triển các Khu CNTT tập trung, xây dựng chính sách, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, đầu tư của các doanh nghiệp trong nước vào lĩnh vực công nghệ cao, tập trung ưu tiên cho các công nghệ tạo ra sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao; các sản phẩm phần cứng, thiết bị, linh kiện điện tử, công nghiệp phần mềm, nội dung số. Trước mắt là, hoàn thiện các phân khu chức năng Khu Công nghiệp CNTT tập trung 7,35 ha tại trung tâm TP Thanh Hóa để tạo điều kiện hoạt động cho các doanh nghiệp khởi nghiệp CNTT; tổ chức vườn ươm doanh nghiệp CNTT nhằm ươm tạo, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh cho các cá nhân, tổ chức có năng lực công nghệ và ý tưởng kinh doanh tốt.

Năm là, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu triển khai chính quyền điện tử tại địa phương. Trong đó, tăng cường phổ cập kiến thức CNTT trong xã hội (đặc biệt là Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa); tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng sử dụng và đảm bảo an toàn thông tin cho cán bộ chuyên trách CNTT nói riêng và cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Nhà nước của tỉnh. Nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển Chính quyền số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Xây dựng và triển khai Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đội ngũ chuyên gia giỏi lĩnh vực CNTT-TT, đảm bảo nhân lực cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, làm chủ và từng bước sáng tạo ra công nghệ cho chế tạo sản phẩm, dịch vụ mới.

Sáu là, bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng chính quyền điện tử. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích, chính sách ưu đãi để thu hút các nguồn nhân lực, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT phục vụ triển khai, phát triển Chính quyền điện tử. Huy động các nguồn lực ưu tiên xây dựng Chính quyền điện tử theo hình thức thuê dịch vụ CNTT, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo quy định hiện hành. Phấn đấu tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 tối thiểu trên 50%. 100% thủ tục hành chính sẵn sàng đưa lên mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hướng dẫn các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực.

Cùng với sự năng động và tiềm lực mới của nền kinh tế tỉnh nhà, phấn đấu trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong giai đoạn tới, ngành TT&TT sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, năng lực sáng tạo, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh, chỉ đạo đưa ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử phát triển lên một tầm cao mới; dùng CNTT để giải quyết các bài toán của người dân và doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa.

Đỗ Hữu Quyết

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/xay-dung-chinh-quyen-dien-tu-giai-phap-quan-trong-de-nang-cao-nbsp-hieu-qua-cong-viec-cua-chinh-quyen-cac-cap/126573.htm