Xây dựng Chính phủ điện tử: Hiện thực hóa mục tiêu

Xây dựng thành công Chính phủ điện tử (CPĐT) tiến tới Chính phủ số và nền kinh tế số, là mục tiêu Việt Nam đang hướng tới. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo việc nâng cao chỉ số CPĐT theo phương pháp đánh giá của Liên Hợp quốc.

Việt Nam ở đâu trong bảng xếp hạng?

Tại Việt Nam, CPĐT được bắt tay xây dựng từ những năm 2000, gắn với quá trình đổi mới thể chế, cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, theo nhận xét của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tốc độ thực hiện rất chậm, kết quả còn rất hạn chế.
Năm 2016, Chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam được Liên Hợp quốc xếp hạng thứ 89/193 quốc gia, tăng 10 bậc so với năm 2014. Chỉ số CPĐT được tính toán dựa trên 3 lĩnh vực quan trọng nhất là dịch vụ công trực tuyến (OSI), chỉ số hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI). Trong báo cáo mới nhất Chỉ số phát triển CPĐT 2018 của Liên Hợp quốc, Việt Nam được đánh giá cải thiện cả 3 chỉ số thành phần. Từ vị trí 89 năm 2016, Việt Nam tăng 1 bậc về chính phủ điện tử, nhưng chỉ khiêm tốn xếp ở vị trí thứ 6 trong ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Brunei. Và trong hơn 15 năm qua, Việt Nam luôn ở mức trên dưới 100, mức trung bình thấp của Bảng xếp hạng. Nguyên nhân chủ yếu là do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện và nguồn nhân lực chất lượng cao còn rất thiếu. Nền tảng cho CPĐT là cơ sở dữ liệu quốc gia được xây dựng với tốc độ chậm, các hệ thống thông tin dữ liệu cũng chưa được kết nối thông suốt.

 Đăng ký giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Thanh Xuân. Ảnh: Thanh Hải

Đăng ký giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Thanh Xuân. Ảnh: Thanh Hải

Theo đánh giá của Văn phòng Chính phủ (VPCP), còn nhiều nội dung triển khai CPĐT chưa được như mong đợi như: Còn rào cản trong cơ chế đầu tư ứng dụng CNTT; việc triển khai ở một số nơi còn mang tính hình thức; việc xây dựng triển khai các cơ sở dữ liệu Quốc gia, hạ tầng CNTT làm nền tảng phục vụ phát triển CPĐT còn chậm; các hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa có kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; chưa bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp; việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn mang nặng tính thủ công, giấy tờ...
Chính phủ bắt nhịp nhanh hơn với 4.0
Theo dự thảo “Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025” đặt mục tiêu, đến hết năm 2020, Việt Nam nằm trong Nhóm 4 quốc gia đứng đầu ASEAN về Chỉ số phát triển CPĐT của Liên Hợp quốc. Đây không chỉ là “cuộc đua” hình thức, xếp hạng đơn thuần mà liên quan trực tiếp đến người dân, DN, đến tín nhiệm của quốc gia trong thu hút đầu tư, cạnh tranh của nền kinh tế, trong đàm phán các cam kết thương mại quốc tế.

Theo báo cáo của VPCP, trong quý II/2018, đã có hơn 2.400 dịch vụ mức độ 3, 4 được các bộ, ngành, địa phương xây dựng và vận hành, nâng tổng số dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 cả nước đang cung cấp lên gần 50.000 dịch vụ. Dịch vụ công trực tuyến mức 4 là mức cao nhất, cho phép người dân và Chính phủ giao dịch hoàn toàn qua môi trường mạng, kể cả việc nộp phí. Trong tổng số gần 50.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, số dịch vụ do địa phương cung cấp là 47.774 dịch vụ, chiếm tới 96,8%; tổng số dịch vụ công do bộ, ngành cung cấp là 1.578, chiếm 3,2%.

Theo World Bank, tham gia CPĐT, lợi ích thu được sẽ là giảm thiểu tham nhũng, tăng cường tính công khai, sự tiện lợi, góp phần vào tăng trưởng và giảm chi phí... Trên thế giới, Estonia, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Israel đang là những quốc gia dẫn đầu, nhanh chóng nắm bắt những lợi thế của chính phủ số. Trong đó, Estonia được biết tới như "quốc gia số hóa" thành công nhất trên thế giới. Việc áp dụng CPĐT kết hợp kinh tế số giúp cho 99% dịch vụ công tại nước này được hỗ trợ trực tuyến, GDP tăng 2% mỗi năm. Tại Hàn Quốc, chỉ riêng việc áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã giúp tiết kiệm tới 8 tỷ USD/năm.
Tại Việt Nam, đến nay, tất cả các tỉnh, TP trên cả nước đã kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới VPCP, hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất thông suốt từ T.Ư tới các địa phương, cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan. Riêng với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã hoàn thiện liên thông có sử dụng chữ ký số. Nhiều dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 đã được thực hiện. Tuy vậy, tại nhiều địa phương hiện vẫn còn một số hạn chế như: Nhận thức của một số đơn vị, cán bộ công chức về việc triển khai ứng dụng CNTT chưa cao, nhân lực CNTT còn thiếu và yếu. Ngoài ra, các vấn đề cơ chế, kinh phí, nguồn lực cho CPĐT cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Thủ tướng yêu cầu Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần đồng tâm hiệp lực để hành động thành công. CPĐT phải gắn liền trách nhiệm người đứng đầu. Để xây dựng thành công CPĐT đang rất cần tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ từ cấp T.Ư tới các địa phương. “Việt Nam đang thiết lập Ủy ban quốc gia về CPĐT do Thủ tướng là Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo các thành viên khác của Ủy ban là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các bộ liên quan, đồng thời có sự tham gia của khu vực tư nhân để phát huy hiệu quả hợp tác công tư trong triển khai nhiệm vụ này” -Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

"Chính phủ xác định, xây dựng CPĐT là nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm. Để thực hiện nhiệm vụ, cần nhanh chóng xây dựng thể chế việc kết nối phi tập trung về chia sẻ dữ liệu, chia sẻ thông tin. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhiều thách thức, nhưng WB tin tưởng sẽ thành công và bày tỏ sự sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ trong toàn bộ quá trình này. " - Trưởng ban Phát triển số (WB) Samia Melhem

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xay-dung-chinh-phu-dien-tu-hien-thuc-hoa-muc-tieu-323320.html