'Bài học nghìn tỷ từ việc đào kênh rạch đã… lấp'

(ĐSPL) - Hồ Bình Tiên, kênh Hàng Bàng (quận 6) bị san lấp để xây dựng các khu dân cư, kéo theo đó là khu vực các quận, huyện: 6, 8, Bình Chánh, TP.HCM… bị ngập nặng.

Đây là minh chứng cho thấy tình trạng ngập úng một cách nặng nề khi các tuyến kênh rạch, hồ chứa nước bị lấp đi. Điều đáng nói, trên địa bàn TP.HCM đang có hàng trăm con kênh, rạch tương tự đã bị lấp và TP đang phải chi hàng ngàn tỷ đồng để… đào lại các dòng kênh đã lấp.

Đã sai thì phải sửa

TP.HCM có trên 3.000 tuyến kênh rạch với tổng chiều dài trên 5.000km, thế nhưng trong số này có hàng trăm tuyến đã bị san lấp. Điều đáng nói, các tuyến kênh rạch lấp đi lại được thay bằng các cống hộp để làm dự án nhà ở, khu dân cư như ở các quận 2, 7, 8, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức, Bình Tân... Điển hình nhất là con kênh Hàng Bàng.

Các chuyên gia cho rằng, việc san lấp, làm biến mất các dòng kênh, rạch, hồ chứa nước là một nguyên nhân quan trọng làm cho TP.HCM thường xuyên bị ngập.

Các chuyên gia cho rằng, việc san lấp, làm biến mất các dòng kênh, rạch, hồ chứa nước là một nguyên nhân quan trọng làm cho TP.HCM thường xuyên bị ngập.

Kênh Hàng Bàng, theo các tài liệu mà PV có được thì từng là một con kênh khá rộng lớn, với ghe thuyền đi lại, neo đậu tấp nập, tạo nên khung ảnh trên bến dưới thuyền cho khu vực quận 5, 6. Dòng kênh này chạy từ Lò Gốm (quận 6) đến kênh Vạn Tượng (quận 5) với chiều dài 1,4km. Thế nhưng, thời điểm năm 2000, đoạn kênh Hàng Bàng tại khu vực đường Bình Tiên đến Phạm Đình Hổ (quận 6) dài khoảng 600m bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Lúc này, giải pháp được đưa ra để chống ô nhiễm chính là san lấp kênh, lắp đặt cống hộp. Khi công trình thi công xong, người dân tiếp tục lấn chiếm xây dựng hàng trăm ngôi nhà ở hai bên con kênh này, chỉ còn lại lối đi rộng chừng 3m. Việc san lấp này đã hao tốn khoảng 1.000 tỷ đồng. Hiện nay, dòng kênh này đang được đào lại với chiều rộng 11m như ban đầu, hai bên sẽ xây dựng bờ kè, trồng cây xanh tạo bóng mát. Để thi công công trình này, toàn bộ khu nhà nằm giữa đường Bãi Sậy và Phan Văn Khỏe (chạy song song với kênh Hàng Bàng) với gần 1.000 hộ dân bị giải tỏa trắng. Việc đào lại và thực hiện các hạng mục thi công khác liên quan tới dòng kênh này cũng có tổng số vốn lên tới 3.000 tỷ đồng

Ông Võ Văn Vân, Trưởng ban bồi thường Giải phóng mặt bằng quận 6 cho biết: “Việc đào lại kênh Hàng Bàng sẽ giảm tải nước cho kênh Lò Gốm, đồng thời giảm ngập cho nhiều khu vực kế cận. Không chỉ thế, việc đào lại con kênh còn giảm thiểu tình trạng ô nhiễm do rác tuồn xuống cống hộp gây ùn ứ, tạo mảng xanh, không gian cho người dân, chỉnh trang đô thị...”.

Lấp vẫn hoàn… lấp

Dù vậy, tình trạng san lấp trên địa bàn TP.HCM vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt là các dự án bất động sản. Điển hình như tại sông Vàm Thuật (quận 12) đang có nhiều dự án san lấp để xây dựng các khu biệt thự. Theo ghi nhận của PV, tại đây, hiện đang san lấp mặt bằng và được chủ đầu tư chào bán 3 tỷ đồng/căn biệt thự.

Hay như dự án Riviera Point (quận 7) khi thi công cũng đã san lấp một phần con rạch Cả Cấm. Theo con số của phòng Quản lý đô thị quận 7, trước khi dự án này thi công, rạch Cả Cấm kết nối với 6 rạch con khác với chiều dài gần 500m, nhưng sau khi dự án thi công, con rạch này đã bị lấp khoảng 3.000m2.

Tương tự, rạch Bà Hiện ở quận 9 có chiều dài khoảng 1,5km nối với rạch Ông Cài hiện nay gần như cũng biến mất sau năm 2002 khi một số công ty san lấp gần 34.000m2 để triển khai các dự án bất động sản. Rồi rạch Đuôi Trâu (đoạn qua phường Tân Tạo, quận Bình Tân) trước đây có chiều rộng tới 6,5m nhưng nay chỉ còn 1 – 2m do bị san lấp, lấn chiếm...

Theo con số mà PV nắm được, trong vòng 15 năm qua, TP.HCM đã mất đi gần 50 tuyến kênh rạch với diện tích trên 16ha. Bên cạnh đó, hồ Bình Bình Tiên có diện tích 7,4ha, một trong những hồ chứa nước quan trọng của TP cũng đã bị san lấp xây dựng khu dân cư Bình Phú. Báo cáo của sở Xây dựng TP.HCM cũng cho thấy, từ năm 2007 đến nay, có gần 160 dự án bất động sản được cấp phép san lấp kênh rạch, sông.

Trong đó, có 48 dự án đã và đang triển khai với số lượng rạch nhánh, rạch cụt được cấp phép san lấp lên tới con số là 129, khối lượng san lấp là 92%.

Trao đổi với PV, PGS.TS Lưu Đức Cường, chuyên gia về quy hoạch đô thị thông tin: “Từ năm 2003 đến 2009, khả năng chứa nước của TP đã giảm đi 10 lần. Bên cạnh đó, mặt đất bị bê tông hóa đã khiến khả năng thấm nước mưa trung bình từ 50% xuống còn 15%, làm gia tăng đáng kể lượng nước chảy tràn bề mặt và gây ngập lụt”. Trước thực trạng đáng báo động này, các chuyên gia cho rằng, cần phải có giải pháp mạnh, nếu không TP.HCM sẽ đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến ngập nước đô thị.

T.T

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/bai-hoc-nghin-ty-tu-viec-dao-kenh-rach-da-lap-a170845.html