Xây dựng chiến lược thương hiệu cho thực phẩm Việt Nam

Công tác xây dựng thương hiệu và marketing xuất khẩu trong ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam chưa có giá trị gia tăng cao và chưa giành được vị trí vững chắc trên thị trường nhất là thị trường ngoài nước.

Cuộc hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều ngành hàng, doanh nghiệp. Ảnh: Phan Thu.

Ngày 27-10, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tổ chức hội thảo "Xây dựng chiến lược thương hiệu quốc gia ngành thực phẩm Việt Nam".

Theo Cục Xúc tiến thương mại, ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam có tiềm năng lớn do Việt Nam có nguồn thực phẩm phong phú. Thực phẩm là một trong những ngành hàng có tiềm năng rất lớn của Việt Nam, là ngành được chú trọng nâng cao giá trị gia tăng và tăng cường các hoạt động hỗ trợ để đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn tới.

Ông Julian Lawson Hill, chuyên gia thương hiệu của CBI nhận định, thực phẩm của Việt Nam rất khác so với các nước, có hương vị độc đáo và rất ngon. Việt Nam có khí hậu đặc biệt nên có thể trồng các loại rau quả khác với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận, công tác xây dựng thương hiệu và marketing xuất khẩu trong ngành còn nhiều hạn chế, hoạt động xuất khẩu của ngành thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận thu về từ xuất khẩu thấp. Các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam chưa có giá trị gia tăng cao và chưa giành được vị trí vững chắc trên thị trường nhất là thị trường ngoài nước.

Một hạn chế khác được vị chuyên gia của CBI nêu ra là những “tai tiếng” mà Việt Nam gặp phải khi xuất khẩu về vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm...

Trên thực tế, có nhiều sản phẩm của Việt Nam đã từng bị đối tác nước ngoài cảnh bảo về vấn đề an toàn thực phẩm như chè, thủy sản, gạo...

Bà Lê Thị Bích Thu, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, đối với sản phẩm lúa gạo, Việt Nam vẫn đang thiếu giống lúa chất lượng cao. Trong khi đó, ở khâu gieo trồng người nông dân vẫn sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên để lại tồn dư trong sản phẩm gây nguy cơ mất an toàn.

Vị đại diện của Hiệp hội Chè Việt Nam cũng thừa nhận, mặt hàng chè vướng "tai tiếng" liên quan đến dư lượng kháng sinh nên uy tín bị giảm sút, ảnh hưởng ngay đến nỗ lực xuất khẩu trong nhiều năm của ngành chè.

Với những tiềm năng của ngành công nghiệp thực phẩm, ông Julian Lawson Hill cho rằng, Việt Nam cần xây dựng chiến lược thương hiệu thực phẩm Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu và bổ sung giá trị gia tăng vào sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc từ Việt Nam hoặc chế biến ở Việt Nam.

Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược xây dựng thương hiệu cho ngành thực phẩm của mình như xác định đối tượng mục tiêu, xu hướng, nhu cầu kể cả việc nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, ý nghĩa logo thương hiệu…

Phan Thu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/xay-dung-chien-luoc-thuong-hieu-cho-thuc-pham-viet-nam-53072.html