Xây dựng cẩm nang khởi kiện và tố tụng cho cán bộ Công đoàn

Sáng 18-12, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo Cẩm nang Công đoàn (CĐ) khởi kiện và tham gia tố tụng giải quyết các vụ án tranh chấp lao động cá nhân và tập thể.

Tư vấn kiến thức pháp luật cho người lao động

Tư vấn kiến thức pháp luật cho người lao động

Tham dự có đại diện Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, TAND Tối cao, các trung tâm tư vấn pháp luật của CĐ; Viện Công nhân - CĐ. Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết việc xây dựng cẩm nang là một hoạt động trong dự án khung khổ quan hệ lao động mới (NIRF) giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và ILO. Cẩm nang có tính chất chỉ dẫn thực hành, do vậy cần phải được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, tổng kết kinh nghiệm quy trình, kỹ năng và cách thức tiến hành tố tụng trong các vụ án tranh chấp lao động. Cẩm nang sẽ được xây dựng thành 4 phần: Một số vấn đề chung về CĐ khởi kiện; quy trình khởi kiện; một số kỹ năng, kinh nghiệm; một số nội dung tham khảo.

Góp ý tại hội thảo, các đại biểu cho rằng cẩm nang phải được xây dựng theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng. Ngoài cập nhật, bổ sung sự thay đổi về chính sách pháp luật lao động, BHXH, BHYT hằng năm, cẩm nang cần đúc kết kinh nghiệm tham gia khởi kiện và tố tụng của các cấp CĐ trong từng sự việc cụ thể để cán bộ CĐ học tập, từ đó làm tốt hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động. Sau khi xây dựng xong cẩm nang, Tổng LĐLĐ Việt Nam nên phổ biến tới LĐLĐ tỉnh, CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở để góp phần thực hiện tốt công tác khởi kiện và tham gia tố tụng giải quyết các vụ án tranh chấp lao động.

T.Hương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/xay-dung-cam-nang-khoi-kien-va-to-tung-cho-can-bo-cong-doan-20181218211837602.htm