Xây dựng các 'tuyến đường xanh' - giải pháp thiết thực hỗ trợ nông dân trong đại dịch Covid-19

Để làm được 'tuyến đường xanh', các bộ ngành và địa phương cần thống nhất xây dựng nhóm công tác liên ngành (công thương, y tế, nông nghiệp, vận tải, công an) ở trung ương để thống nhất chương trình phân công phối hợp các địa phương liên quan cùng tham gia lên kế hoạch và giám sát hoạt động điều phối chung.

Một trong những tác động nghiêm trọng nhất của đại dịch Covid-19 với các nền kinh tế toàn cầu là sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng hàng hóa. Xưa nay, thị trường tiêu thụ đầu ra vẫn là nỗi lo thường trực của nông dân Việt Nam, đến đại dịch lần này, thảm họa gián đoạn hệ thống tiêu thụ nông sản có thể xóa sạch công sức và tiêu tán tiền của họ. Tình trạng “ngăn sông, cấm chợ” có thể xảy ra khi vùng sản xuất nông nghiệp xuất hiện dịch, có thể khi thị trường tiêu thụ bị phong tỏa vì dịch mà cũng xuất hiện khi các địa phương trên đường lưu thông kiểm soát phòng dịch.

Cuối tháng 2 năm nay, dịch bùng phát ở Hải Dương. Có siêu thị, chuỗi bán lẻ, có doanh nghiệp ngừng mua sản phẩm từ tỉnh có dịch dù đã hợp đồng từ đầu vụ, nhiều địa phương không cho vận chuyển nông sản qua, kể cả việc sang tải ở chốt giáp ranh. Tới 90% sản lượng rau Hải Dương trồng để xuất khẩu nhưng ra được cảng Hải Phòng thì phải có hợp đồng, đơn hàng rõ địa điểm sản xuất, giao hàng, nhận hàng; xe tải phải phòng, chống dịch theo quy định; lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR và xác nhận của Hải Dương trong 3 ngày, trở về phải ở tập trung và xét nghiệm... nông dân Hải Dương đã điêu đứng vì hàng hóa bị ngăn chặn.

Trước tình hình đó, nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện đã tự giác kết nối thu mua nông sản với các hợp tác xã và nông dân, huy động lái xe tự nguyện, kết hợp với sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, chính quyền các địa bàn ở Hà Nội và một số địa phương lân cận, chuyển nông sản về, bán trên các điểm tiêu thụ nông sản tại vỉa hè, ven đường phố, đưa vào siêu thị, cơ quan, khu trung cư đỡ đần cho nông dân. Tuy hàng hóa bán được phần nào nhưng giá rất rẻ và vẫn không xử lý hết hàng ứ thừa phải bỏ hỏng.

Cuối tháng 5, dịch lại bùng phát ở tỉnh Bắc Giang đúng vào mùa vải chín, tỉnh và các bộ ngành liên quan đã chủ động nhiều phương án tiêu thụ sản phẩm chủ lực này. Các đối tượng F1 được cách ly tập trung ngoài vùng trồng vải, các chốt kiểm soát người, phương tiện ra vào địa bàn được xây dựng, lái xe, lao động, thương nhân được xét nghiệm nhanh. Tỉnh thành lập 2 tổ công tác tại cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai hỗ trợ thông quan sang Trung Quốc và liên kết đưa vải vào các tập đoàn phân phối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại. Tuy thế, các đoàn xe vận chuyển vải cũng có lúc gặp khó khăn khi lưu thông đến nơi tiêu thụ và đi tới cửa khẩu. Đối với các nông sản khác, nhu cầu này càng cấp bách hơn.

Thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế là thách thức lớn, áp lực lớn cho người đứng đầu từng địa bàn. Ngay trong một địa phương, khi xảy ra dịch bệnh, giữa bộn bề mối lo, những người lãnh đạo thường ưu tiên giải quyết các khó khăn cho các doanh nghiệp lớn, tập trung vào các khu công nghiệp có tầm quan trọng về kinh tế cho địa phương về đóng góp tăng trưởng, nguồn thu ngân sách, dễ bùng phát dịch hơn là đi xử lý một lô các loại nông sản đủ chủng loại nằm rải rác. Cho nên việc kiểm soát chặt chẽ, dù có gây ách tắc lưu thông hàng hóa, đi lại con người của các địa phương khác lại càng dễ bị đặt dưới ưu tiên đảm bảo an toàn cho phạm vi quản lý của mình.

Nguyên tắc trách nhiệm giải trình theo nguyên tắc khen thưởng đi kèm kỷ luật với người đứng đầu và các cá nhân cụ thể khi xảy ra lây lan dịch bệnh trên địa bàn tất sẽ khiến một số lãnh đạo địa phương lấy mục tiêu “an toàn là trên hết”, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện đi qua để tránh lây lan dịch bệnh, biến địa phương mình trở thành “lãnh địa riêng”. Không có địa phương nào tuyên bố cấm hẳn lưu thông nhưng các thủ tục quy định rườm rà, mất thời gian và chi phí tốn kém đủ triệt tiêu mọi nhiệt huyết hỗ trợ những nông dân đang gồng mình chịu đựng bốn bề khó khăn.

Nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT gần đây cho thấy trong lúc toàn dân thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh thì nông dân là nhóm hầu như không được hưởng một chính sách hỗ trợ trực tiếp nào, với các chính sách hỗ trợ có liên quan thì chỉ một tỷ lệ rất nhỏ đến tay nông dân. Để thiết thực giúp đỡ những người làm nên kỳ tích kinh tế to lớn nhất của thời kỳ đổi mới này, nếu chưa có chính sách hỗ trợ xin hãy cố gắng tháo gỡ khó khăn cho họ. Khi giao mục tiêu kép cho các địa phương cần phải đi kèm với cơ chế phối hợp, đảm bảo lợi ích tổng hợp liên vùng, cả quốc gia, bảo vệ mọi đối tượng xã hội, đặc biệt là đông đảo người sản xuất nông nghiệp nhỏ thì mới tránh được tình trạng trên, đảm bảo thông thoáng sản xuất kinh doanh cho cả nền kinh tế, đảm bảo ổn định chính trị xã hội lâu dài.

Từ bài học của Hải Dương trước đây phải liên tục kêu gọi “giải cứu”, cho đến việc tổ chức tiêu thụ vải thiều bài bản hơn ở Bắc Giang vừa qua, cho thấy nhiệm vụ xác lập “tình trạng bình thường mới” trong bối cảnh các đợt dịch hay ổ dịch mới có thể bùng phát ở bất cứ đâu và tình hình dịch COVID-19 kéo dài đòi hỏi các nỗ lực liên ngành, song song với phân định trách nhiệm của người đứng đầu từng địa phương. Từ tư duy giải cứu bị động phải chuyển sang cơ chế chủ động, căn cơ và dài hạn hơn trong công tác tổ chức sản xuất, lưu thông hàng hóa, di chuyển lao động, chuyên gia.

Hai ba năm trước đây trên địa bàn Đồng Nai và một số địa phương đã xảy ra vụ án “logo xe vua” khi các nhóm tội phạm liên kết với các cán bộ cảnh sát giao thông biến chất tạo ra các nhãn tín hiệu dán lên xe để ưu tiêu lưu thông tránh các điểm kiểm soát. Bài học đắt giá về quản lý cán bộ đó ngược lại cũng đem lại gợi ý áp dụng vào công tác lưu thông trong bối cảnh đặc biệt: nếu có quy ước thống nhất, thì một chỉ báo tín hiệu trên các phương tiên giao thông có thể cho phép hình thành hệ thống vận chuyển được ưu tiên chuyên biệt hiệu quả. Với một “tuyến đường xanh” được tổ chức đồng bộ, có quy chuẩn lưu thông chặt chẽ, tín hiệu chỉ báo dán trên xe sẽ phá bỏ tình trạng “lãnh địa riêng” ngăn cản nông sản di chuyển trong tình trạng dịch bệnh.

Thứ nhất, tại mỗi vùng sản xuất cần xử lý dịch bệnh (vùng nhiễm bệnh, gần vùng dịch bệnh…): trước hết chính quyền địa phương và các bộ ngành liên quan cần làm việc với doanh nghiệp và nông dân, xác định sẽ có loại nông sản chính nào sắp thu hoạch? Quy mô và địa bàn vùng sản xuất? Khối lượng hàng hóa? Thị trường tiêu thụ? Từ đó lập kế hoạch xây dựng các điểm tập trung (a) tập kết hàng: đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xác định loại, lượng, người cung cấp, cách thanh toán… (b) an toàn dịch bệnh: lái xe ưu tiên tiêm chủng, kiểm tra xét nghiệm định kỳ, xe vận chuyển được khử trùng, khử khuẩn tại chỗ. Sau khi đã làm tốt khâu kiểm định, xe hàng được kẹp chì niêm phong, dán biển hiệu chỉ báo đây là xe của “tuyến đường xanh.”

Thứ hai, suốt quá trình vận chuyển, xe phải đi đúng tuyến đường đã được lên kế hoạch (kiểm soát bằng GPS, camera lộ trình, đi theo đoàn…). Nhờ đó những xe thuộc “tuyến đường xanh” khi đi qua các địa phương chỉ cần thực hiện các biện pháp vệ sinh khử khuẩn để tăng cường phòng dịch và được hỗ trợ kỹ thuật. Bất cứ phương tiện nào làm sai quy định về tuyến đường, thời gian, địa điểm, hàng hóa, người điều khiển… phải bị loại khỏi trương trình, xóa bỏ logo, biển hiệu “tuyến đường xanh.”

Thứ ba, tại điểm đến: chính quyền và các bộ phận chức năng địa phương phải tổ chức điểm tiếp nhận sẵn sàng. Đây là khu chung chuyển, hay “vùng đệm” để bàn giao hàng. Khi kiểm tra kẹp chì, giấy tờ giao hàng xong cần đưa ngay vào các hệ thống tiêu thụ (chuỗi bán lẻ, siêu thị, chuyển cho bạn hàng quốc tế, đưa xuống tàu, vào kho…). Hàng hóa phải được đưa vào những điểm bán như cửa hàng, chợ, hệ thống siêu thị, được kiểm soát chặt chẽ về an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm theo đúng quy chuẩn an toàn, hạn chế các khâu trung gian, chấm dứt hình thức bán hàng “giải cứu” ngoài đường, các điểm lưu động tự phát như trước.

Để làm được “tuyến đường xanh”, các bộ ngành và địa phương cần thống nhất xây dựng nhóm công tác liên ngành (công thương, y tế, nông nghiệp, vận tải, công an) ở trung ương để thống nhất chương trình phân công phối hợp các địa phương liên quan cùng tham gia lên kế hoạch và giám sát hoạt động điều phối chung. Đây cũng sẽ là “địa chỉ” thống nhất tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính khi đăng ký đi vào “tuyến đường xanh”.Trước hết, nên bắt đầu với các nhóm ngành hàng nông sản lớn của từng vùng. Tăng cường số hóa, áp dụng mã số mã vạch trong truy suất hàng hóa để rút ngắn thời gian kiểm định và giảm tiếp xúc của con người. Với từng loại hàng hóa và thị trường khác nhau, chủ hàng và đơn vị mua xây dựng phương án kiểm tra chất lượng, thanh toán gọn nhanh, nhất là cho nông dân.

Chúng ta đã phát động mạnh các hình thức thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, áp dụng các sàn giao dịch online. Tuy nhiên đấy mới chỉ là khâu chào hàng, thương thảo, thanh toán. Khâu khó khăn nhất quyết định thành bại của tiêu thụ nông sản chính là vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Khâu này tắc, công nghệ 4.0 không làm được gì. Nếu chính phủ có hình thức thưởng phạt với lãnh đạo bộ, ngành và liên địa phương hình thành các “tuyến đường xanh” này thì đây sẽ là một giải pháp tốt để mỗi địa phương trở thành một pháo đài nhưng cả nước vẫn là một mặt trận liên hoàn, thực hiện được mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đồng bộ và hiệu quả, đem lại lợi ích cho toàn dân, không bỏ lại phía sau những người nông dân kiên cường của đất nước!

TS. Đặng Kim Sơn

Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp.

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/khoa-giao/xay-dung-cac-tuyen-duong-xanh-giai-phap-thiet-thuc-ho-tro-nong-dan-trong-dai-dich-covid-19-133946