Xây dựng các giải pháp hữu hiệu để giải quyết triệt để tình trạng tin xấu, độc

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội ngày 31-10, việc quản lý môi trường mạng và mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững là những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến.

Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng

Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) quan tâm đến công tác quản lý thông tin trên mạng xã hội. Đại biểu nhắc lại phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8-2019 là hiện nay, các trang mạng xã hội của Việt Nam có khoảng 65 triệu người sử dụng, mạng xã hội của nước ngoài có khoảng 90 triệu lượt người sử dụng và con số này được dự báo tiếp tục tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới.

Đại biểu nhấn mạnh đây là kênh giao tiếp hữu hiệu để chính quyền địa phương nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công dân cũng như việc giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân. Tuy nhiên, hiện nay trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, đã có những cá nhân, tổ chức lợi dụng không gian mạng như là công cụ phục vụ cho mục đích chống phá Đảng, chống phá nhà nước với mục đích lừa đảo, bôi nhọ hay kích động bạo lực hoặc vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết pháp luật..., tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội, ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường cũng như tác động tiêu cực đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân và công dân.

 Toàn cảnh phiên họp ngày 31-10. Ảnh: TTXVN.

Toàn cảnh phiên họp ngày 31-10. Ảnh: TTXVN.

Đại biểu đánh giá cao trong thời gian gần đây, một số vụ việc đã được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kịp thời phát hiện, xử lý liên quan tới vi phạm pháp luật về thông tin, nhất là vai trò chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Công an. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, với sự lớn mạnh không ngừng của không gian mạng, với hàng trăm mạng xã hội được cấp phép thì vai trò, trách nhiệm của cơ quan cá nhân trong các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn chưa theo kịp sự phát triển này.

“Tôi cho rằng các giải pháp hợp lý nhằm quản lý mạng xã hội trong bối cảnh hiện nay phải vừa theo quy định của pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của Việt Nam”, đại biểu nêu quan điểm và kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan, chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, pháp luật dân sự và hình sự liên quan tới an toàn thông tin, kịp thời định hướng dư luận với những thông tin sai trái. Đồng thời, với trách nhiệm quản lý của mình, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động vận hành của Trung tâm giám sát an toàn mạng quốc gia; phối hợp tốt với các nhà cung cấp thông tin, dịch vụ cung cấp dịch vụ từ nước ngoài trong việc phối hợp ngăn chặn, xử lý các hành vi phạm pháp luật trên lãnh thổ của Việt Nam. Đặc biệt, đại biểu đề nghị với Bộ Công an và chính quyền các địa phương cần có các giải pháp phát hiện sớm và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.

Đồng quan điểm này, đại biểu Hữu Chính (TP Hà Nội) cũng cho rằng, vấn đề quản lý thông tin là vấn đề cấp bách, nghiêm trọng hiện nay song lại chưa có giải pháp hiệu quả trong ngăn chặn, xử lý các thông tin xấu, độc tràn lan trên mạng, nhất là những thông tin phản động, nói xấu chế độ, lãnh tụ, kích động bạo lực...trên các mạng xã hội. Theo đại biểu, điều này đã dẫn đến nhận thức lệch chuẩn về thông tin, nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay, và là một trong những nguyên nhân gây ra tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác cũng như sự hoài nghi về chế độ, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Do vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần xây dựng các giải pháp hữu hiệu và tăng cường công tác quản lý để giải quyết triệt để tình trạng tin xấu, độc này.

Cần quan tâm hơn nữa đến thị trường trong nước

Trong lĩnh vực kinh tế, thể hiện sự đồng tình và chung vui những kết quả đã đạt được, phân tích những yếu tố thuận lợi, không thuận lợi đối với nền kinh tế đất nước, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đề nghị: Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến thị trường trong nước, một thị trường có 96 triệu dân.

Chúng ta cũng cần triển khai có hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tiến tới người Việt Nam thích dùng hàng Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cần kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; giám sát chặt chẽ hệ thống ngân hàng, nâng cao chất lượng tín dụng, tránh để nợ xấu quay trở lại; tiếp tục tái cơ cấu thị trường tài chính, để thị trường chứng khoán thành kênh cung ứng vốn quan trọng trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận. Ảnh: TTXVN.

Để kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, tiếp tục dành nguồn lực xây dựng hệ thống luật pháp đồng bộ và ổn định. Cần có sự khởi động sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, quản lý và hỗ trợ cho sự phát triển mô hình kinh doanh mới, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ và triển khai có hiệu quả các tài sản trí tuệ người dân Việt Nam nước ta tạo ra trên thế giới; tiếp tục hoàn thiện kinh tế vùng, để các địa phương trong một vùng liên kết cùng phát triển...

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/xay-dung-cac-giai-phap-huu-hieu-de-giai-quyet-triet-de-tinh-trang-tin-xau-doc-598736