Xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm Tây Nguyên: Cần cơ chế đột phá

Ngày 28/3/2019, tại TP Buôn Ma Thuột, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk phối hợp Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết Kết luận 60-KL/TW ngày 27/11/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010-2020; Phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Cùng dự có đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh vùng Tây Nguyên.

Trung tâm TP Buôn Ma Thuột trong lễ hội cà phê

Trung tâm TP Buôn Ma Thuột trong lễ hội cà phê

Chưa xứng tầm để hội tụ

Theo Tỉnh ủy Đắk Lắk, sau 10 năm thực hiện chỉ đạo theo Kết luận 60 của Bộ Chính trị, Buôn Ma Thuột đã có những bước tiến đáng kể trong công tác xây dựng và phát triển đô thị. So với các chỉ tiêu của đô thị loại 1 trực thuộc trung ương thì Buôn Ma Thuột đã đạt và vượt nhiều tiêu chí như: Cân đối thu chi ngân sách; Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất; Giảm tỷ lệ hộ nghèo; Tiến bộ trong công tác quy hoạch và xây dựng đô thị; Phát triển hạ tầng kinh tế xã hội; Tăng cường hợp tác kinh tế v.v...

Hội nghị đã lắng nghe các tham luận thẳng thắn, sâu sắc, đa diện của các chuyên gia trong phần hội thảo, như Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính-Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội; TS Nguyễn Xuân Thành giảng viên kinh tế Đại học Harvard, PGS.TS Hoàng Bá Thịnh trường ĐH Quốc gia Hà Nội, đại diện chương trình nghiên cứu Tây Nguyên 3, đại diện Viện KHXH vùng Tây Nguyên v.v...

PGS.TS Trần Đình Thiên làm “nóng” hội thảo, với cách phân tích sắc bén, cụ thể nhiều khía cạnh vấn đề. Ông khẳng định việc tạo mọi điều kiện cần và đủ để Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng không phải là việc của riêng khu vực mà là sứ mệnh quốc gia, nên cần có chiến lược mang tầm quốc gia để tập trung nguồn lực cho mục tiêu này. Thực trạng đang cho thấy Buôn Ma Thuột còn yếu kém nhiều mặt, nhất là dịch vụ, công nghiệp, chưa biết tận dụng thế mạnh được Bộ Chính trị chấm chọn từ 10 năm trước để quyết liệt đưa ra những đòi hỏi chính đáng, vì sự nghiệp chung. Ví dụ, Buôn Ma Thuột đã không có cảng biển, lại cũng không có sân bay quốc tế, thì hội nhập quốc tế sao được? Hiện những nội hàm của khái niệm ưu thế trung tâm chưa được định hình rõ ràng, thì làm sao xác định được mục tiêu đầu tư cho đúng? Đã là trung tâm vùng là phải tạo được sức hấp dẫn! Muốn có sức hấp dẫn thì hội tụ được các thế mạnh kinh tế, văn hóa, khoa học, đào tạo, chế biến nông sản.

"Vì sao Tây Nguyên cứ chở nông sản thô về đồng bằng, chở cà phê xuống Bình Dương để rang xay?! Vì Buôn Ma Thuột còn thiếu nhiều nhà đầu tư tầm cỡ, giúp định vị đây là trung tâm công nghiệp chế biến, gom phần giá trị gia tăng quan trọng nhất của vùng này. Có giúp người sản xuất nâng cao thu nhập, thì đẳng cấp phát triển mới định hình. Như ông Đặng Lê Nguyên Vũ có ý tưởng rất hay là biến Đắk Lắk thành thủ phủ cà phê, thánh địa cà phê của thế giới. Nhưng vì sao chính ông Vũ cũng ưu tiên đầu tư nhà máy ở Bình Dương? Vì ở đây chưa tạo được cơ chế tốt cho doanh nghiệp. Trung ương nên trao quyền, nên có cơ chế, chính sách, điều kiện để hội tụ nhiều nhà đầu tư chiến lược lên đây”...- TS Trần Đình Thiên nói.

Cần có một Nghị quyết mới

Do thời gian hạn hẹp, nhiều tham luận đã không kịp trình bày tại hội thảo. Trao đổi bên lề hội nghị, ông Trương Công Thái- Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết: Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Kết luận 60 của Bộ Chính trị, nhiều phần việc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhất là việc đầu tư các công trình trọng điểm, công trình giao thông, công trình văn hóa có tính chất liên kết vùng. Với những công trình quy mô mà Kết luận 60 đặt ra, đến thời điểm này, các bộ ngành cũng chỉ quan tâm ở mức độ vừa phải, chưa tạo động lực để đầu tư hoàn thiện. Với các nội dung này, địa phương đề xuất đưa vào Nghị quyết sắp tới. Nếu Bộ Chính trị quan tâm và thông qua được sẽ có tính khả thi cao hơn.

“Phát triển Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng không chỉ vì thành phố này hay vì tỉnh Đắk Lắk, mà vì sự phát triển của cả vùng Tây Nguyên. Một cơ chế chính sách mang tính đột phá đóng vai trò quyết định, và được tổ chức tốt, thì thiếu gì cũng sẽ có, từ con người, đến tài chính, công nghệ. Hội nghị quan trọng này ghi nhận ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu, các tỉnh trên khu vực nhằm xây dựng hoàn chỉnh đề án, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới” - ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định.

Hoàng Thiên Nga

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/xay-dung-buon-ma-thuot-thanh-do-thi-trung-tam-tay-nguyen-can-co-che-dot-pha-1394898.tpo